Tình thương với trẻ đặc biệt
Trong quá trình chăm sóc, BS Khuyên nhận thấy, để giúp các trẻ “đặc biệt” có khả năng phát triển, ngoài các biện pháp giáo dục và trị liệu về sư phạm, tâm lý, còn cần cả các hoạt động sinh hoạt ngoài trời, chế độ dinh dưỡng phù hợp.
“Ban đầu, chúng tôi dự định làm mảnh vườn nhỏ cho các con có chỗ chơi. Đồng nghiệp và nhiều người thấy vậy ngỏ ý vì mục đích lớn hơn để những “đứa con đặc biệt” tham gia vào đây, không phải đi xa. Tôi cố gắng làm, lây lất thành lập được trung tâm, may mắn có thêm nhiều người hỗ trợ về mặt chuyên môn. Chưa dừng ở đó thì mối lo toan khác lại nối tiếp khi những đứa trẻ này lớn dần. Phương án làm tinh dầu từ các cây thuốc tại vườn để tạo thêm thu nhập là giải pháp cho một phần trăn trở trên” - BS Khuyên chia sẻ.
Mái nhà chung Diệp Quang có khuôn viên hơn 8.000m2, gồm: Các phòng chức năng, vật lý trị liệu, lớp can thiệp nhóm, can thiệp cá nhân, phòng tập vận động, chẩn đoán và ngôn ngữ… Trung tâm còn đầu tư khu vườn trồng nhiều loại rau và thảo dược để 35 trẻ đặc biệt vừa được học tập, vừa được vui chơi, tiếp cận với cây cỏ, hoa lá ngoài trời, có thêm kiến thức thực tế.
Ở đây, các em không chỉ được chăm sóc theo đúng trọng tâm phục hồi, mà còn được dạy dỗ những điều hay, lẽ phải và làm việc có ích cho bản thân, xã hội. Nơi đây còn góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động, với đội ngũ giáo viên, nhân viên phụ trách nuôi dạy, chăm sóc, phục hồi chức năng, kể cả những trường hợp sau chấn thương… hơn 20 người.
Vợ chồng anh Phạm Văn Lực là những nhân viên gắn bó với trung tâm từ khi thành lập đến nay. Với bằng trung cấp sửa chữa cơ khí, được người quen giới thiệu, anh Lực vào phụ việc hàn tiện, chế tạo các loại máy cắt, xe vận chuyển thảo dược cho trung tâm.
Còn chị Hằng (vợ anh Lực) phụ trách chăm sóc và thu hoạch vườn dược liệu. Nhờ chịu khó học hỏi, chị được giao khâu phơi sấy, đóng gói trà và đăng bán sản phẩm trên trang mạng xã hội Zalo và Facebook. Gắn bó làm việc, mỗi tháng, anh chị thu nhập 7 triệu đồng, vừa ổn định cuộc sống, vun vén cho gia đình nhỏ, vừa góp chút việc ý nghĩa ở trung tâm.
Sản phẩm từ vườn thuốc thân thiện
Qua quá trình nghiên cứu các loại thực phẩm hỗ trợ cho trẻ, BS Khuyên nhận thấy, những dược tính của rau đắng biển rất phù hợp nhu cầu phát triển trí não cho trẻ “đặc biệt”. Do đó, trung tâm đã bắt tay nghiên cứu, trau dồi kinh nghiệm từ các chuyên gia, phát triển rau đắng biển theo hướng canh tác sạch. Khu vườn được bao bọc bởi vùng đệm rộng gần 2.000m2, mục đích tạo ra không gian khép kín, an toàn cho rau đắng biển phát triển tốt nhất.
Cán bộ và các trẻ em “đặc biệt” chế biến rau đắng biển
Sau thời gian nỗ lực, trung tâm ra mắt sản phẩm trà thảo dược túi lọc BACOPA (rau đắng biển). Trà được làm hoàn toàn từ các nguyên liệu tự nhiên, không phụ gia tổng hợp, không chất bảo quản, ứng dụng phương pháp trồng thuận tự nhiên, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và không có thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học. Sau khi thu hái, thân rau được rửa sạch, để ráo tự nhiên và sử dụng công nghệ sấy khô nhằm giữ trọn vẹn các dưỡng chất có trong cây. Nhờ vậy, sản phẩm đảm bảo nguyên vẹn dược tính vốn có và an toàn sức khỏe người tiêu dùng.
Rau đắng biển là một loại thảo dược phổ biến được sử dụng rộng rãi, có vị đắng, tính mát. Các nghiên cứu cho thấy, tác dụng nổi bật của loại rau này giúp cải thiện trí nhớ, tăng cường khả năng nhận thức, học hỏi. Trong y học cổ truyền, rau đắng biển là loại thuốc bổ thần kinh, tăng cường nhận thức, chống ô-xy hóa…
“Chúng tôi vừa sản xuất, vừa hoàn thiện quy trình đến thời điểm này cơ bản đã ổn. Thành phẩm được đem kiểm nghiệm các tiêu chuẩn vi sinh để chờ cấp chứng nhận an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn công bố... Nếu làm tốt, sản phẩm sẽ tạo được việc làm và thu nhập cho nhiều người” - BS Lê Minh Đạo thông tin.
Đến nay, ngoài trà rau đắng biển đang hoàn thiện thủ tục đăng ký sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) năm 2023, trung tâm còn có 3 loại trà túi lọc: Tía tô, lạc tiên và ngò ôm đã được sản xuất, đăng lý mã vạch… đang bán tại các quầy thuốc đông dược.
Bên cạnh còn có các loại tinh dầu chanh sả, bưởi… sản xuất tận dụng nguồn nhiên liệu sẵn có tại địa phương. Với quy trình canh tác và sản xuất khép kín, những người ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Diệp Quang định hướng phát triển sản phẩm OCOP từ khu vườn dược liệu không đơn thuần là để mua bán và lợi nhuận.
Về lâu dài, trung tâm kỳ vọng đưa những sản phẩm có lợi cho sức khỏe phục vụ người tiêu dùng, đồng thời giúp các trẻ “đặc biệt” phần nào được phục hồi từ công dụng của các sản phẩm. Tương lai xa hơn, khi được nhiều người biết đến, các sản phẩm sẽ có đầu ra ổn định, viết tiếp hành trình cho các trẻ đặc biệt lớn lên có việc làm từ chính nơi đã nuôi dạy mình.
MỸ HẠNH