Sản xuất rau màu ở cù lao Ông Hổ

06/12/2022 - 07:01

 - Cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng) được biết đến là vùng chuyên canh rau màu an toàn của TP. Long Xuyên. Những năm qua, nông dân xã Mỹ Hòa Hưng tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Trong đó, trọng tâm là phát triển sản xuất đa dạng các loại rau màu theo hướng công nghệ cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng Võ Văn Tứ cho biết, những năm qua, địa phương tích cực thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện địa phương. Trong đó, tập trung tuyên truyền người dân đẩy mạnh việc chuyển đổi diện tích đất canh tác lúa, đất vườn tạp kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao để sản xuất rau sạch, chuyển đổi đầu tư trồng rau sạch, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng chất sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng

.

Anh Huỳnh Ngọc Diện chăm sóc dưa lưới

Nhận thấy việc trồng rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên vợ chồng ông Nguyễn Văn Thanh (ngụ ấp Mỹ Khánh 2) vừa học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật, vừa mở rộng diện tích trồng nhiều loại rau màu. Theo ông Thanh, trồng rau an toàn không khó, bên cạnh bỏ công chăm sóc, cần áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, chú trọng sử dụng phân hữu cơ thay cho phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Nếu tuân thủ đúng quy trình thì nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất, năng suất cao, chất lượng an toàn nên bán được giá hơn so với các loại rau bình thường khác. Ngoài ra, một số hộ trồng rau còn đầu tư hệ thống phun công nghiệp, tiết kiệm được chi phí thuê nhân công tưới tiêu. “Nhờ trồng rau mà cuộc sống gia đình được cải thiện hơn trước rất nhiều. Nếu như giá rau, dưa ổn định như hiện nay, gia đình tôi có lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm từ việc canh tác 8 công đất trồng rau các loại” - ông Thanh chia sẻ.

Đối với anh Huỳnh Ngọc Diện (ngụ ấp Mỹ An 2), đã phát triển thành công mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Nhờ sự hỗ trợ của ngành chuyên môn, anh Diện mạnh dạn chuyển đổi gần 1.000m2 đất trồng rau ăn lá sang trồng dưa lưới trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGAP, đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Theo anh Diện, với gần 1.000m2 nhà màng trồng dưa lưới, mỗi năm có thể canh tác 4 vụ, lợi nhuận trung bình khoảng 30-40 triệu đồng/vụ.

Đặc biệt, không phải lo về đầu ra, bởi có doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu, với giá cả ổn định. “Trồng dưa lưới trong nhà màng cần phải tuân thủ kỹ thuật và yêu cầu do công ty đưa ra nên nông dân không phải lo về đầu ra, bởi có công ty hợp đồng bao tiêu, với giá cả ổn định. Kỹ thuật cũng không quá khó, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nên chỉ cần 1, 2 vụ đầu là mình có thể tự chăm sóc” - anh Diện chia sẻ.

Dịp Tết Nguyên đán hàng năm, bà con nông dân địa phương tranh thủ xuống giống rau màu. Ngoài diện tích chính là những vùng chuyên canh rau màu, các gia đình tận dụng đất đai trong vườn trồng các loại rau ngắn ngày. Tết năm nay, trên địa bàn xã có 115 hộ trồng rau màu, với khoảng 56ha. Các loại rau màu chủ lực được nông dân gieo trồng nhiều trong dịp này, như: Bắp cải, ớt, hành, dưa leo, rau cải các loại… “Nhằm giúp nông dân sản xuất rau màu vụ Tết thuận lợi và đạt hiệu quả kinh tế cao, Hội Nông dân xã phối hợp ngành nông nghiệp thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh, khuyến khích nông dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất” - ông Võ Văn Tứ chia sẻ.

Thời gian tới, Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng hóa cây trồng, áp dụng luân canh, xen canh trong sản xuất, phù hợp điều kiện canh tác của địa phương. Trong đó, tích cực vận động nông dân chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, cải tạo vườn tạp sang rau màu, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, từng bước củng cố, nâng chất các tổ hợp tác sản xuất; tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ vốn cho nông dân mở rộng sản xuất - kinh doanh, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho nông sản, góp phần cải thiện đời sống…

LÊ HOÀNG