Sạt lở tăng gấp 3 lần, An Giang khẩn trương ứng phó

29/06/2023 - 09:12

 - Ngày 29/6, Văn phòng UBND tỉnh An Giang cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư đã ký Công văn 755/UBND-KTN, gửi thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố về chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó thiên tai.

Sạt lở 6 tháng đầu năm 2023 tăng gấp 3 lần năm 2022

Theo UBND tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn An giang đã xảy ra 14 vụ mưa, giông, lốc, sét, làm 1 người chết do bị sét đánh, 146 căn nhà bị sập và tốc mái, 54,32ha lúa, hoa màu bị đổ ngã; làm tốc mái nhà kho, trại quán của người dân.

Đồng thời, đã xảy ra 44 điểm sạt lở, sụt lún, răn nứt đất bờ sông, kênh, rạch,  dài 2.188m, ảnh hưởng 79 căn nhà cần di dời khẩn cấp và nhiều công trình, vật kiến trúc khác. So cùng kỳ năm 2022, sạt lở tăng gấp 3 lần (năm 2022, xảy ra 15 điểm sạt lở, sụt lún, răn nứt đất bờ sông, kênh, rạch, chiều dài 757m, ảnh hưởng đến 12 căn nhà).

UBND tỉnh An Giang yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả đối với các loại hình thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động; ứng phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và hiệu quả), giảm thiểu thiệt hại đáng tiếc đối với người và tài sản khi thiên tai xảy ra.

Trong đó, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm trực tiếp chỉ huy, huy động nguồn lực tại chỗ để ứng phó kịp thời ngay khi thiên tai xảy ra, bao gồm: Lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, dân quân tự vệ, thanh niên, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và các tổ chức, cá nhân tình nguyện.

Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm trực tiếp chỉ huy và huy động nguồn lực theo thẩm quyền để ứng phó thiên tai trong trường hợp thiên tai xảy ra trong phạm vi từ 2 xã trở lên, hoặc khi nhận được yêu cầu trợ giúp của Chủ tịch UBND cấp xã. Chủ tịch UBND cấp huyện được quyền huy động lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ, thanh niên, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và các tổ chức, cá nhân tình nguyện để ứng phó thiên tai.

Căn cứ vào loại thiên tai, cấp độ rủi ro thiên tai xảy ra, UBND cấp xã, cấp huyện; Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu – Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự cấp xã, cấp huyện nơi xảy ra thiên tai quyết định lựa chọn một hoặc một số biện pháp phù hợp để áp dụng trong số các biện pháp cơ bản ứng phó đối với ảnh hưởng bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở, sụt lún đất.

Các biện pháp ứng phó cơ bản gồm: Sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm; di chuyển tàu thuyền, phương tiện nuôi trồng thủy sản trên sông, kênh, rạch ra khỏi khu vực nguy hiểm; thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn đối với nhà cửa, công sở, bệnh viện, trường học, kho tàng, công trình và cơ sở kinh tế, an ninh, quốc phòng; chủ động thực hiện biện pháp bảo vệ sản xuất; hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm trên sông, kênh, rạch, khu vực và tuyến đường bị ngập sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở đất và khu vực nguy hiểm khác; tìm kiếm cứu nạn, cứu chữa người bị thương, hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm khác tại khu vực bị chia cắt, khu vực ngập lụt nghiêm trọng và địa điểm sơ tán; bảo vệ tài sản của nhà nước và nhân dân tại khu vực xảy ra thiên tai; huy động khẩn cấp và tuân thủ quyết định chỉ đạo, huy động khẩn cấp về nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để kịp thời ứng phó với thiên tai…

NGÔ CHUẨN