Sẽ có ngân hàng đất nông nghiệp

10/10/2022 - 06:55

 - Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bổ sung nhiều quy định mới, đáng chú ý sẽ có ngân hàng đất nông nghiệp, góp phần giải quyết việc người dân bỏ hoang đất, còn doanh nghiệp (DN) thì khó tiếp cận…

Quang cảnh một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tại hội thảo góp ý hoàn thiện các vấn đề về nông nghiệp trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tổ chức ngày 4/10 tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, vấn đề đất nông nghiệp là một trong những nội dung chiếm dung lượng lớn tại dự thảo luật. Trong đó, dự thảo bổ sung một số quy định mới về thời hạn sử dụng đất, mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) nông nghiệp không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Đồng thời, mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt, dự thảo có quy định mới về ngân hàng đất nông nghiệp, các hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp… Cụ thể, ngân hàng đất nông nghiệp là DN nhà nước do Chính phủ thành lập theo quy định của pháp luật về DN, có chức năng tạo lập quỹ đất nông nghiệp thông qua việc thuê QSDĐ, nhận chuyển nhượng QSDĐ, nhận ký gửi QSDĐ nông nghiệp; cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê, thuê lại đất để sản xuất nông nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, quy định về ngân hàng đất nông nghiệp là một mô hình mới, được tham khảo từ kinh nghiệm của Nhật Bản, Đài Loan và một số nước khác trong tích tụ, tập trung ruộng đất. Thời gian qua, việc sử dụng đất nông nghiệp còn phân tán, manh mún, nhỏ lẻ, kéo theo chi phí đầu vào lớn nhưng sản phẩm đầu ra bấp bênh, giá bán thấp...

Từ đó, dẫn đến hiện tượng người dân bỏ đất hoang, không sản xuất, lại “không chuyển nhượng, cho thuê” vì tâm lý giữ đất. Trong khi pháp luật về đất đai hiện hành không cho phép các tổ chức kinh tế, DN nước ngoài nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp. Họ không thể tiếp cận đất nông nghiệp để sản xuất quy mô lớn như mong muốn. Việc ra đời mô hình ngân hàng đất nông nghiệp là một giải pháp để giải quyết bất cập này.

Về cơ bản, bố cục của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được sắp xếp như Luật Đất đai hiện hành, tăng thêm 2 chương (bổ sung thêm chương quy định về phát triển quỹ đất; tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành 2 chương). Dự thảo luật gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều. 

Đây là dự án luật lớn, quy mô rộng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, chính trị, môi trường, quốc phòng - an ninh, trong nước ngoài nước, tác động đến mọi cơ quan, tổ chức, DN và người dân. Đây cũng là luật khó, thực tiễn tồn tại nhiều vướng mắc, phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu nại, tố cáo. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, quá trình xây dựng phải công phu, bài bản, khoa học, kỹ lưỡng từ sớm, từ xa và phải thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhau. 

Cùng với đó, quá trình chuẩn bị và xây dựng dự án luật đòi hỏi có sự đầu tư nhiều công sức, trí tuệ không chỉ của những cơ quan trực tiếp tham gia vào quy trình xây dựng pháp luật như các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, mà phải có sự tham gia của tất cả cơ quan trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, phải huy động tối đa trí tuệ của chuyên gia, nhà khoa học, lấy ý kiến rộng rãi của cơ quan, tổ chức, DN, nhân dân bằng nhiều hình thức khác nhau.

Theo kế hoạch, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), lần thứ hai tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Thời gian lấy ý kiến nhân dân dự kiến từ tháng 1 đến tháng 2/2023. Việc lấy ý kiến nhân dân được thực hiện thông qua góp ý trực tiếp, bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, qua cổng thông tin điện tử và các hình thức phù hợp khác.

Yêu cầu đặt ra đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là thể chế hóa đúng, đầy đủ các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, đặc biệt là 8 nhóm vấn đề trọng tâm trong hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã được xác định trong Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

N.R