Sau một thời gian mệt mỏi tìm mua nhà ở Hà Nội từ đầu năm 2024, nhiều người đã phải dừng ý định bởi sự tăng giá đột biến của BĐS, nhất là chung cư. Chị Bùi Thu Hà (quê ở Thanh Hóa) đã sinh sống và làm việc ở Hà Nội hơn 10 năm nay, tháng 3/2024 chị đã tìm mua căn hộ chung cư Sun Square (trên đường Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm). Chị Hà được giới thiệu một căn hộ tầng 12 với 3 phòng ngủ, mức giá là 5,5 tỷ đồng. Chưa thật sự ưng ý, chị Hà hẹn bên bán cho mình thêm chút thời gian.
Sau khi đi tìm hiểu thêm một số dự án khác, tháng 7/2024, chị Hà quyết định quay lại đặt cọc mua căn nhà trên thì căn hộ đã được rao bán với giá 6,5 tỷ đồng, tăng một tỷ đồng so với bốn tháng trước đó. Lên các diễn đàn mua bán nhà để tiếp tục tìm hiểu thêm về các căn hộ tại khu này, chị bất ngờ khi tất cả đều tăng giá từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng tùy vị trí, diện tích. “Với số tiền vợ chồng tôi tiết kiệm được hơn chục năm qua, cùng với tiền bán đất ở quê thì cũng chỉ đủ mua căn hộ hơn 5 tỷ đồng một chút. Nhưng chỉ vài tháng nay, vợ chồng tôi thật sự bị sốc khi thấy giá nhà cứ dăm bữa nửa tháng lại tăng vài trăm triệu đồng/căn hộ. Cứ thế này thì người lao động ở tỉnh lẻ sẽ không bao giờ có cơ hội mua nhà ở Hà Nội”, chị Hà chia sẻ.
Còn anh Nguyễn Đăng Thịnh, chủ một căn hộ ở khu Goldmark City (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thì được môi giới chào giá gấp đôi so với giá anh mua ban đầu. Với căn hộ 104m2, môi giới chào giá 6 tỷ đồng. Trước đó, anh Thịnh nhận được nhiều cuộc gọi của môi giới, sau Tết Nguyên đán mức giá được chào tăng lên chóng mặt. Từ 4 tỷ đồng, đến 5 tỷ đồng và bây giờ là 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu nhiều chủ căn hộ thì được biết, rất ít giao dịch được thực hiện với lý do: Chủ nhà không bán, vì sợ bán rồi cũng sẽ mua nhà với giá cao; môi giới không thỏa thuận được với khách hàng; hoặc chủ căn hộ “chờ xem thế nào” rồi mới bán.
Các tháng đầu năm 2024, mặc dù ghi nhận những tín hiệu tích cực, nhưng thị trường BĐS vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Chung cư tăng giá, giá nhà đất cũng tăng theo. Anh Trần Công trú tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, giữa tháng 3/2024, anh có đi xem một căn nhà cho một người bạn với diện tích 40m2 ở xã Song Phương, huyện Hoài Đức. Khu vực này cũng gần khu đất đấu giá ở xã Tiền Yên từng xôn xao dư luận thời gian vừa qua. Mặc dù từ đó đến nay, nhà vẫn chưa bán được nhưng chủ nhà thì liên tục tăng giá. “Tháng 3, giá bán được đưa ra là 2,5 tỷ đồng, thế nhưng chỉ ít thời gian sau chủ nhà đã tăng lên 2,9 tỷ đồng. Đến nay, sau phiên đấu giá đất xôn xao ở Hoài Đức, chủ nhà đã tăng giá lên 3,5 tỷ đồng. Thật sự, với giá nhà đất hiện nay, người làm công ăn lương chắc chắn không thể nào mua được nhà”, anh Công cho hay.
Theo đánh giá của chuyên gia thị trường BĐS, các tháng đầu năm 2024, mặc dù ghi nhận những tín hiệu tích cực, nhưng thị trường BĐS vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Các sàn giao dịch BĐS hiện chưa đủ khả năng để bảo đảm tính an toàn pháp lý của giao dịch. Điều đáng lo ngại là vẫn có hiện tượng “cò đất” làm sai lệch thông tin trên mạng xã hội để thu hút khách hàng. Thậm chí, những đối tượng này còn dàn dựng cảnh mua đi, bán lại bằng những hợp đồng đặt cọc ảo để đánh lừa khách hàng mua đất hoặc tung tin quy hoạch để dụ khách hàng.
Với những chiêu trò tinh vi của “cò đất”, người đầu tư dễ bị rơi vào vòng xoáy hiệu ứng đám đông, tạo sự bất ổn cho thị trường BĐS, cũng như làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và phát triển kinh tế tại địa phương. Liên quan vấn đề này, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, việc một số phân khúc nhà đất tăng giá thời gian gần đây không phải là sốt đất mà là dấu hiệu bất thường mang tính cục bộ trên thị trường. Trong bối cảnh BĐS chưa hồi phục hoàn toàn, các dự án vẫn bị ách tắc, người dân và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, mà vẫn diễn ra hiện tượng tăng giá và lại tăng tại các khu vực không có dự án mới, là điều không bình thường.
Để tăng cường quản lý, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, hướng tới ổn định thị trường BĐS, ngày 6/9/2024, Bộ Xây dựng có Công văn số 5155/BXD-QLN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá BĐS. Theo đó, Bộ Xây dựng nhấn mạnh sự phát triển của thị trường BĐS chưa thật sự bền vững, còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro. Đã có tình trạng một số nhà đầu tư, người môi giới BĐS mua đi bán lại BĐS gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá BĐS lên để lợi dụng trục lợi.
Khách hàng tham quan, nghe giới thiệu về một dự án bất động sàn tại Hà Nội. (Ảnh: Hải Phong) |
Tại Hà Nội xảy ra tình trạng giá căn hộ chung cư tại một số dự án và nhà ở riêng lẻ tại một số khu vực như Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoài Đức… tăng bất thường so với tình hình thị trường và nhu cầu của người dân.
Trước tình hình này, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tập trung triển khai các nhiệm vụ trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thị trường BĐS; kiểm tra rà soát hoạt động kinh doanh BĐS của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch BĐS môi giới BĐS tại địa phương; kiểm soát việc mua đi, bán lại các BĐS trao tay nhiều lần, nhất là tại các khu vực, dự án, khu chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường; thanh tra, kiểm tra, có biện pháp chấn chỉnh các hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật kinh doanh BĐS và pháp luật có liên quan theo thẩm quyền; ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường…
Các cơ quan và ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh việc công khai thông tin về giá cả, giao dịch và quy hoạch BĐS để người tiêu dùng có thể tiếp cận thông tin chính xác và đầy đủ; thiết lập các cơ chế giám sát hiệu quả nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi đầu cơ, lũng đoạn thị trường, xử lý nghiêm nạn cò mồi, thổi giá, đồng thời gia tăng nguồn cung phân khúc trung bình giúp minh bạch và bình ổn thị trường BĐS.