Số ca tử vong vì COVID-19 trên toàn cầu vượt mốc 5 triệu

02/10/2021 - 18:55

Số liệu do hãng tin Reuters công bố ngày 2-10 cho biết, số ca tử vong trên toàn thế giới liên quan đến Covid-19 đã vượt ngưỡng 5 triệu, trong bối cảnh biến thể Delta siêu lây nhiễm đang càn quét trên toàn cầu.

Theo phân tích của Reuters, trong khi phải mất hơn một năm để số người chết vì Covid-19 trên toàn cầu đạt mốc 2,5 triệu, thì mốc 2,5 triệu ca tiếp theo được ghi nhận chỉ trong vòng chưa đầy 8 tháng.

Biến thể Delta hiện là chủng virus “thống trị” trên toàn cầu và đã được ghi nhận ở 187 trong số 194 quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo Reuters, biến thể này đang khiến số ca nhiễm và tử vong tăng cao, chủ yếu ở những người chưa tiêm phòng.

Phân tích của Reuters cho thấy, trong khi phải mất hơn một năm để số người chết vì Covid-19 trên toàn cầu đạt mốc 2,5 triệu, thì mốc 2,5 triệu ca tiếp theo được ghi nhận chỉ trong vòng chưa đầy 8 tháng.

Trong tuần qua, hơn một nửa số ca tử vong được ghi nhận tập trung ở Mỹ, Nga, Brazil, Mexico và Ấn Độ. Trong đó, trung bình mỗi ngày có 8.000 ca tử vong trên khắp thế giới, tương đương khoảng 5 ca tử vong mỗi phút. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong toàn cầu đang chậm lại trong những tuần gần đây.

Trong ngày hôm nay, Mỹ cũng đã chính thức vượt mốc 700 nghìn ca tử vong vì Covid-19, con số cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Quốc gia này cũng đang phải đối mặt với tình trạng lan truyền thông tin sai lệch về vaccine ngừa Covid-19, khiến khoảng 1/3 dân số nước này từ chối tiêm chủng.

Dù các ca nhiễm mới và số ca nhập viện ở Mỹ đang có xu hướng giảm, song giới chức y tế nước này cảnh báo khả năng dịch bệnh bùng phát trở lại khi thời tiết chuyển lạnh, làm gia tăng các hoạt động trong phòng kín.

Trong khi đó, Nga ghi nhận 887 trường hợp tử vong liên quan đến Covid-19 trong ngày hôm nay, con số tử vong trong một ngày cao nhất mà nước này từng ghi nhận kể từ khi đại dịch bùng phát. Đây cũng là ngày thứ tư liên tiếp Nga lập kỷ lục buồn này. Hiện mới chỉ 33% dân số của Nga được tiêm liều vaccine đầu tiên.

Xét trên bình diện khu vực, Nam Mỹ có số người chết vì Covid-19 cao nhất trên thế giới, chiếm 21% tổng số ca tử vong được báo cáo, tiếp theo là Bắc Mỹ và Đông Âu, với hơn 14% tổng số ca tử vong, theo phân tích của Reuters.

Hỏa thiêu thi thể các bệnh nhân Covid-19 tại một bãi hỏa táng ở New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: Reuters) 

Trong khi đó, tại Ấn Độ, một trong những quốc gia đầu tiên bị tàn phá nặng nề bởi biến thể Delta, số ca tử vong mỗi ngày đã giảm từ mức trung bình 4.000 ca xuống dưới 300 ca trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng được đẩy mạnh tại quốc gia Nam Á này.

Khoảng 47% dân số Ấn Độ đã được tiêm mũi đầu tiên, với trung bình xấp xỉ 7,9 triệu liều vaccine được tiêm mỗi ngày trong tuần qua, Reuters dẫn số liệu từ trang thống kê Our World in Data.

Biến thể Delta cũng đã cho thấy sự chênh lệch lớn về tỷ lệ tiêm chủng giữa các quốc gia giàu có với các nước nghèo hơn, cũng như sự gia tăng tình trạng do dự tiêm vaccine ở một số quốc gia phương Tây.

Theo Our World in Data, 6,27 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 đã được tiêm trên toàn cầu, với trung bình 27,97 triệu liều đang được tiêm mỗi ngày. Song có tới hơn một nửa dân số thế giới hiện vẫn chưa được tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong khi mới chỉ 2,3% người dân ở các nước có thu nhập thấp được tiêm liều đầu tiên.

Trong những ngày gần đây, ngày càng có nhiều nỗ lực tập trung vào việc phân phối vaccine ngừa Covid-19 cho các quốc gia nghèo hơn, nơi nhiều người dân vẫn chưa được tiêm liều đầu tiên, trong khi các nước giàu có hơn đã bắt đầu tiêm liều vaccine tăng cường.

WHO trong tuần này đã công bố một chương trình phân phối vaccine theo cơ chế COVAX, trong đó lần đầu tiên COVAX sẽ chỉ tập trung phân phối vaccine cho các quốc gia có tỷ lệ tiêm ngừa Covid-19 thấp, thay vì chia sẻ theo tỷ lệ giữa hơn 140 quốc gia thụ hưởng theo quy mô dân số như hiện nay.

Cho đến nay, COVAX đã giám sát việc phân bổ hơn 500 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, trong đó khoảng 300 triệu liều đã được chuyển đến các nước tiếp nhận. (Ảnh: Reuters) 

Bà Mariangela Simao, Trợ lý Tổng Giám đốc WHO về tiếp cận vaccine cho biết, chương trình phân phối mới sẽ được triển khai trong tháng này, cung cấp khoảng 75 triệu liều vaccine Pfizer, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Moderna và Sinopharm tới 49 quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp.

Theo báo cáo của bà Simao, trong số hơn 90 quốc gia nghèo trong danh sách phân phối vaccine của COVAX, khoảng một nửa mới tiêm được cho dưới 20% dân số, và có tới 26 nước đạt tỷ lệ dưới 10%. Trong khi đó, nhiều quốc gia giàu có ở bắc bán cầu đã đạt tỷ lệ 70% dân số được tiêm ngừa Covid-19 trong mùa hè này.

Theo TRUNG HƯNG (Nhân Dân)