Sở Công thương An Giang tăng cường quản lý, thực hiện chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa

25/11/2020 - 07:01

 - Giai đoạn 2016-2020, kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, ảnh hưởng tăng trưởng xuất khẩu. Từ đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tác động nặng nề đến kinh tế, thương mại toàn cầu. Với sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngay từ đầu nhiệm kỳ đã chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, khơi dậy nguồn lực phát triển trong toàn xã hội, quyết tâm cao trong cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, thông thoáng. Cùng với sự nỗ lực của các sở, ban, ngành triển khai tích cực và đồng bộ các giải pháp và sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của toàn dân và doanh nghiệp. Nhờ đó, hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK) đạt nhiều kết quả tích cực, nổi bật là công tác phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu và kiểm soát nhập khẩu đi liền với kiềm chế xuất siêu đạt hiệu quả cao.

Thực hiện chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa

Thời gian qua, Sở Công thương và các sở, ban, ngành đã chủ động bám sát diễn biến, bối cảnh thị trường trong và ngoài nước để kịp thời chỉ đạo, điều hành linh hoạt, từ chính sách, tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ nhiều khó khăn cho từng ngành hàng, lĩnh vực và doanh nghiệp. Ngay sau khi UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện chiến lược XNK hàng hóa tỉnh An Giang thời kỳ 2013-2020, định hướng đến năm 2030, Sở Công thương đã tích cực phối hợp các ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu và đạt nhiều kết quả tích cực.

Giám đốc Sở Công thương An Giang Nguyễn Minh Hùng cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay đạt 765,20 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020 ước đạt 921 triệu USD. Tính chung cả giai đoạn 2016-2020 ước đạt 4.171 triệu USD; hàng hóa có mặt trên 105 quốc gia, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 2,6%/năm, đạt 69% kế hoạch 2016-2020 và chỉ đạt 51,2% so mục tiêu đến năm 2020 của kế hoạch thực hiện chiến lược (xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD năm 2020). Mặt hàng gạo xuất khẩu đạt 1.155 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 2,6%; thủy sản xuất khẩu đạt 1.335 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 3,1%; rau quả xuất khẩu đạt 80 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 6,7%. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước thực hiện năm 2020 đạt 166 triệu USD.

Tính chung cả giai đoạn 2016-2020 ước đạt 756 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,0%/năm. Cán cân thương mại đạt thặng dư trong cả giai đoạn với mức xuất siêu năm sau tăng cao hơn năm trước. Từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng dần qua các năm, nếu như năm 2016 đạt 570 triệu USD đến năm 2019 đạt 730 triệu USD. 10 tháng của năm 2020, xuất siêu đạt 625 triệu USD.

Trong cơ cấu ngành hàng xuất khẩu, giai đoạn 2016-2020, mặt hàng nông sản xuất khẩu (cá, gạo và rau quả) luôn chiếm tỷ trọng cao và ổn định. Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu của nhóm mặt hàng này đạt tỷ lệ trung bình trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt được hàng năm của tỉnh.

Theo ông Hùng, hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, các chương trình kết nối hệ thống phân phối trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 được đẩy mạnh. Khai thác hiệu quả thông tin thị trường thông qua hệ thống Tham tán thương mại Việt Nam tại các nước; phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ (VCCI) và các bộ, ngành Trung ương tổ chức nhiều hội nghị, tập huấn nâng cao nhận thức về cơ hội, thách thức, tác động của Hiệp định CPTPP, các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã và chuẩn bị ký kết, 15 chính sách và quy định quản lý chất lượng sản phẩm nhập khẩu... Thông tin kịp thời về định hướng và dự báo thị trường xuất khẩu cho sản phẩm chủ lực của tỉnh, giúp doanh nghiệp chủ động ứng phó, xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh phù hợp diễn biến thị trường.

Hoạt động thương mại biên mậu

Ước tổng kim ngạch XNK qua các cửa khẩu toàn tỉnh 9 tháng của năm 2020 đạt hơn 1,4 tỷ USD, giảm 5% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó XNK đăng ký tại An Giang trên 457 triệu USD, tăng 9% so cùng kỳ (Qua cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên trên 303 triệu USD, tăng 11%; qua cửa khẩu Vĩnh Xương trên 59 triệu USD, tăng 47%; qua cửa khẩu Khánh Bình trên 64 triệu USD, giảm 8%; qua cửa khẩu Vĩnh Hội Đông trên 30 triệu USD, giảm 12%); hàng hóa đăng ký nơi khác xuất khẩu qua cửa khẩu An Giang trên 1,1 tỷ USD, giảm 11% so cùng kỳ. Tổng kim ngạch XNK hàng hóa qua các cửa khẩu ước năm 2020 đạt 1,8 tỷ USD. Tính chung cả giai đoạn 2016-2020 ước đạt gần 7,8 tỷ USD, tăng trưởng bình quân đạt 9,7%/năm.

Thủ tục thông quan XNK hàng hóa tại các cửa khẩu vẫn đảm bảo hoạt động đúng quy định. Hoạt động thương mại biên giới của thương nhân và cư dân 2 bên biên giới diễn ra thông thoáng, không bị ùn tắc tại khu vực cửa khẩu và đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tình hình an ninh trật tự khu vực biên giới cơ bản ổn định. Lưu lượng người, phương tiện xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu biên giới giảm đáng kể và được kiểm soát xuất nhập cảnh kết hợp kiểm tra y tế chặt chẽ.

Theo ông Hùng, để đạt kết quả trên, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả. Trước tiên là xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu và thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tổng kim ngạch XNK hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh ước năm 2020 đạt 1,8 tỷ USD. Tính chung cả giai đoạn 2016-2020 ước đạt gần 7,8 tỷ USD, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 9,7%/năm.

Hàng năm, Sở Công thương duy trì liên hệ các Tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ tỉnh tổ chức mời đoàn doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu lương thực, thủy sản tại nước ngoài đến làm việc và tham quan một số doanh nghiệp xuất khẩu thực tế tại An Giang; giới thiệu, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia 20 chuỗi hội chợ trong, ngoài nước và 23 chuyến khảo sát thị trường ngoài nước do Bộ Công thương tổ chức. Công tác xúc tiến nước ngoài ngày càng phát huy hiệu quả, hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu ngành nông, thủy sản của tỉnh.

Phát triển đồng bộ hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ

Hệ thống hạ tầng thương mại ngày càng phát triển, các kênh phân phối hiện đại và truyền thống được hình thành đan xen đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa tiêu dùng. Đến nay, toàn tỉnh có 2 trung tâm thương mại, 2 trung tâm mua sắm, 7 siêu thị, 8 cửa hàng nông sản an toàn, 76 cửa hàng tiện ích (56 cửa hàng Bách Hóa Xanh, 20 cửa hàng Vinmart+) và 203 chợ, phân bổ đều 11 huyện, thị xã, thành phố.

Theo ông Hùng, việc các kênh phân phối hiện đại ra đời đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân về thực phẩm sạch, nhận được sự đồng thuận cao của người dân, nhất là khu vực nông thôn, góp phần thay đổi thói quen mua sắm hàng hóa từ kênh truyền thống (chợ, xe đẩy..) sang các kênh phân phối hiện đại, quan tâm hơn đến chất lượng sản phẩm (doanh số bán hàng của Cửa hàng Bách Hóa Xanh ở huyện cao hơn ở khu vực thành phố và thị xã).

HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích