Soạn giả cải lương tài danh Trần Hữu Trang

01/10/2024 - 07:30

 - 3 vở cải lương (Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu, Lan và Điệp) vinh danh soạn giả Trần Hữu Trang là một trong những đỉnh cao của cải lương dân tộc, là tác giả lớn của nền sân khấu Việt Nam hiện đại.

Khoảng năm 1950 - 1954, giới báo chí kịch trường đã hết lời ca ngợi nhóm “tứ quý sân khấu cải lương”: Trang, Châu, Chơi, Nở. Đó là các ông Trần Hữu Trang (Tư Trang), Nguyễn Thành Châu (Năm Châu), Huỳnh Thủ Trung (Tư Chơi), Lê Hoài Nở, là diễn viên cũng vừa là những soạn giả nổi tiếng đương thời. 60 năm, với khoảng 30 vở cải lương, nhưng chỉ với “Tô Ánh Nguyệt”, “Đời cô Lựu”, “Lan và Điệp”, soạn giả Trần Hữu Trang đã làm say mê giới mộ điệu cải lương nhiều thời. Các tác phẩm của ông phản ánh thực trạng xã hội rõ nét, phù hợp tâm trạng người nghe, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán thính giả. Ông có công lớn đối với cách mạng Nam Bộ và đất nước, các tác phẩm cải lương của ông để lại đến ngày nay vẫn sống mãi trong lòng công chúng.

Trần Hữu Trang (sinh năm 1906, tại ấp Phú Khương B, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang) trong 1 gia đình nông dân ở vùng đất có truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm, cũng là quê hương của nhiều nghệ sĩ cải lương tên tuổi, như: Hai Giỏi, Năm Châu, Bảy Nhiêu, Tư Chơi, Năm Phỉ, Phùng Há, Bảy Nam... Tắm mình trong môi trường văn hóa đó, tuy không thuộc lớp nghệ nhân có công đặt viên gạch nền móng cho sự ra đời của cải lương, nhưng sau đó chính ông đã góp phần quan trọng mở đường cho sự nghiệp xây dựng nền nghệ thuật cải lương cách mạng ở miền Nam.

Suốt năm tháng tuổi thơ, Trần Hữu Trang gắn bó với tiếng hát, tiếng đàn, lớn lên tự nguyện, say mê dấn thân vào nghiệp cầm ca. Lúc làm thợ hớt tóc, ông có điều kiện gặp gỡ, giao lưu các nghệ sĩ đờn ca tài tử. Nguyễn Thành Châu dẫn dắt, đưa ông đến với nghề nghiệp. Ông giới thiệu soạn giả tương lai vào gánh hát Trần Đắc để bán vé, ghi sổ sách, làm thư ký chép tuồng. Thời điểm này, ông được ông Mười Giảng (Đặng Công Danh) dạy dỗ, hướng dẫn về cải lương cùng các việc có liên quan. Sau đó, Trần Hữu Trang đi theo gánh hát, rồi tập tành viết tuồng. Năm 1928, viết vở cải lương đầu tiên “Lửa đỏ lòng son”, tiếp đó là vở “Tâm hồn nghệ sĩ”. Hai vở này còn non nớt tay nghề, nhưng xác định lộ ra một tài năng viết tuồng của tương lai.

Đến những năm 1930, bức xúc khi chứng kiến nỗi khổ, trái ngang của đời sống xã hội, ông thu thập, chắt lọc, đưa “chất liệu” vào vở “Tô Ánh Nguyệt” (năm 1934), “Lan và Điệp” (năm 1936), “Đời cô Lựu” (năm 1937), tiếng tăm vang dội, trở thành các vở cải lương ăn khách. Những năm sau đó, ông cộng tác với các gánh hát: Trần Đắc, Năm Phỉ, Phụng Hảo, Năm Châu, tiếp tục cho ra đời các vở cải lương: “Tìm hạnh phúc”, “Mộng hoa vương”, “Chị chồng tôi”, “Tình lụy”, “Khi người điên biết yêu” (viết chung với Năm Châu, Lê Hoài Nở), gây tiếng vang lớn trong công chúng từ thành thị đến nông thôn, góp phần quan trọng phổ biến và phát triển nghệ thuật cải lương lúc bấy giờ. Dù là tác giả có tiếng tăm, được nhiều người biết đến, nhưng cuộc sống của soạn giả chật vật, khó khăn.

Tháng 8/1945, Trần Hữu Trang tham gia cách mạng, hoạt động chủ yếu ở xã nhà. 2 năm sau, ông được phân công lên Sài Gòn hoạt động bí mật, đặc biệt trong giới văn nghệ sĩ. Để có điều kiện cho hoạt động công khai, ông thành lập gánh cải lương “Con Tằm”, “Phước Chung”. Năm 1948, ông cùng các ông Nguyễn Thành Châu, Nguyễn Long Vân (Ba Vân) thành lập Ban Việt kịch “Năm Châu”, nhằm lợi dụng sân khấu cải lương để tập hợp văn nghệ sĩ hoạt động yêu nước theo sự chỉ đạo của ông Mai Văn Bộ, Ủy viên Tuyên truyền của Thành hội Liên Việt TP. Sài Gòn. Với bản tính hiền lành, ít nói, nếp sống chuẩn mực, hòa đồng, ông đi đầu trong giúp đỡ, chăm lo đời sống cho giới nghệ sĩ sân khấu, nên được anh em thương mến và kính trọng.

Năm 1954, một số văn nghệ sĩ tập kết ra miền Bắc, ông trụ lại để hoạt động trong phong trào hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn, tiếp tục đấu tranh đòi chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện Hiệp định Genève thống nhất đất nước và các quyền dân sinh, dân chủ. Đến năm 1960, ông được phân công ra vùng giải phóng hoạt động, tham gia Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và được bầu làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng. Ngoài quản lý công tác hội, ông tập trung sáng tác vở cải lương ca ngợi anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Nhưng tác phẩm chưa hoàn thành, trên đường đi công tác ở chiến khu miền Đông Nam Bộ, sau 1 cuộc oanh kích khốc liệt của máy bay B.52 Mỹ ngày 1/10/1966, cướp đi sinh mạng của soạn giả Trần Hữu Trang.

Với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và quá trình hoạt động nghệ thuật cải lương giá trị cao, cố soạn giả Trần Hữu Trang được Nhà nước truy tặng Huân chương Thành đồng, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật đợt I (năm 1996), cùng nhiều huân chương, huy chương và giải thưởng cao quý khác.

Ông đã mất, nhưng tên tuổi vẫn sống mãi trong lòng người dân và giới mộ điệu cải lương. Tên ông được đặt cho một giải thưởng, nhà hát, trường học, ngôi chợ, một con đường ở TP. Hồ Chí Minh, nơi ông gần suốt cuộc đời gắn bó. Bằng tài năng và cách sống nhân hòa, ông xứng đáng với danh hiệu nghệ sĩ dâng hiến đời mình cho lý tưởng vì độc lập, tự do của dân tộc.

N.R (Tổng hợp)