Những con trai kiểm nghiệm nước tại Warsaw. Ảnh: Bored Panda
Hầu hết mọi người khi nhắc đến con trai thường tưởng tượng về những món ăn ngon miệng, nhưng trên thực tế, loài vật này còn có công dụng đặc biệt hơn. Tại thành phố Warsaw (Ba Lan), có 8 con trai mang trọng trách kiểm nghiệm mức độ tinh khiết của nước sinh hoạt.
Trước đây, từng có bộ phim tài liệu mang tên Fat Kathy (2019) miêu tả phương pháp mà các nhà nghiên cứu động vật thân mềm dùng để quản lý cách vận hành của hệ thống này. Nhiều ý kiến cho rằng bộ phim Fat Kathy là “bài luận triết lý về sự phụ thuộc của con người vào thiên nhiên và thế giới xung quanh”.
Thành phố Warsaw khai thác nước sông làm nước sinh hoạt. Ống bơm nước chính có 8 con trai được gắn bộ kích hoạt lên vỏ. Nếu nước quá bẩn, những con trai đóng vỏ lại, đồng thời bộ kích hoạt tự động đóng nguồn cung cấp nước cho thành phố.
Xí nghiệp nước và chất thải thành phố Warsaw xác nhận việc dùng cá và trai cho mục đích quan trắc sinh học. Họ giải thích rằng việc sử dụng quan trắc sinh học tại nhà máy nước Warsaw là nhằm tăng mức độ an toàn của quá trình xử lý nước. Những con trai lại có đặc điểm rất nhạy cảm với nước ô nhiễm. Quan trắc sinh học là hình thức tận dụng sinh vật sống để đánh giá tình trạng của môi trường.
Những con trai sau khi bị bắt và đưa đến phòng thí nghiệm sẽ trải qua quá trình thích nghi trong khoảng 2 tuần. Trong quá trình này, các nhà khoa học đánh giá cơ chế mở vỏ tự nhiên của con trai bằng việc để vỏ chúng mở nhẹ và đặt chúng vào môi trường nước sạch. Sau một tiếng, một con trai có thể đánh giá chất lượng của 1,5 lít nước.
Chúng chỉ sống trong nước sạch và sẽ đóng vỏ ngay lập tức nếu cảm thấy nước nhiễm bẩn. Sau khi trải qua quá trình thích nghi này, những con trai được đưa đến bình nước thiết kế đặc biệt, kết nối với hệ thống kiểm soát.
Các nhà khoa học sử dụng con trai để làm biện pháp quan trắc sinh học. Ảnh: Bored Panda
Các dữ liệu sẽ được chuyển tới máy tính, nơi lưu lại góc độ hé mở của vỏ trai. Nếu chất lượng nước kém đi, những con trai thường đóng vỏ lại, tự tách biệt với môi trường ô nhiễm. Điều này khiến bộ kích hoạt trên vỏ trai báo động và đóng nguồn xả nước. Thời điểm này, các nhà khoa học sẽ nhanh chóng kiểm nghiệm chất lượng nước trong phòng thí nghiệm.
Những con trai chỉ làm nhiệm vụ trong 3 tháng để không bị “bão hòa” với nước mà chúng kiểm nghiệm. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, những con trai này được trả về nơi các nhà khoa học đã đánh bắt chúng. Họ cũng đánh dấu lên mình những con trai “về hưu” để không bắt lại chúng lần nữa.
Công ty cung cấp nước Ba Lan khẳng định rằng phương pháp quan trắc sinh học này là một trong những công nghệ hiệu quả nhất trong kiểm nghiệm chất lượng nước. Theo họ, những con trai đã hỗ trợ theo dõi chất lượng nước sinh hoạt cho hơn 8 triệu người dân tại Ba Lan.
Không chỉ tại Ba Lan, thành phố Minneapolis ở bang Minnesota (Mỹ) cũng sử dụng phương pháp quan trắc sinh học này. Cơ quan xử lý và phân phối nước Minneapolis đã tuyển mộ 12 con trai để đảm bảo nước sinh hoạt sạch và an toàn.
Ông George Kraynick tại nhà máy nước Minneapolis nói: “Chúng có thể sống tới 50 năm và luôn hiện diện 24/7, vui vẻ khi ở trong bình nước. Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi sẽ thả tự do để chúng về sông. Chúng còn trẻ và còn một cuộc đời lâu dài”.
Những con trai kiểm nghiệm nước tại nhà máy ở bang Minnesota. Ảnh: MPR News
Theo kênh CBS (Mỹ), Minneapolis là thành phố duy nhất tại nước này sử dụng trai trong quan trắc sinh học. Chúng được “giao việc” tại nhà máy xử lý nước ở Fridley - nơi khai thác nước từ sông Mississippi và cung cấp nước sinh hoạt cho nửa triệu khách hàng mỗi ngày.
Kể từ khi sử dụng biện pháp quan trắc sinh học bằng những con trai để giám sát chất lượng nước, thành phố Minneapolis không ghi nhận bất cứ vụ rò rỉ hoặc nhiễm bẩn nước nào. Minneapolis còn phát triển hệ thống báo động về nước, theo đó các quan chức có thể nhận tin nhắn hoặc thư điện tử về hoạt động cũng như phản ứng của những con trai với chất lượng nước.
Ngoài Mỹ và Ba Lan, một số quốc gia khác cũng thử nghiệm quan trắc sinh học bằng động vật có vỏ. Theo kênh CNBC (Mỹ), Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã dùng ngọc trai trong hơn một năm để giám sát chất lượng nước quanh một trong những giàn khoan dầu của công ty Total ABK.
Các nhà khoa học tại Đại học Huelva (Tây Ban Nha) phối hợp cùng đồng nghiệp tại Đại học Atacama (Chile) đăng kết quả nghiên cứu về khả năng kiểm nghiệm nước sạch của loài hến châu Á (Corbicula fluminea) lên tạp chí Chemosphere.
Các nhà khoa học đã đưa loài hến châu Á vào các giai đoạn xử lý nước khác nhau. Chúng chết khi bị đưa vào môi trường nước nhiều acid gần với mỏ khai thác đã bỏ hoang. Nhưng 95% con hến châu Á sống sót trong nước do nhà máy xử lý. Các nhà nghiên cứu cũng nghiên cứu thêm về khả năng “phân tích” chất lượng nước của cá, cây thủy sinh và tảo.
Theo HÀ LINH (Báo Tin Tức)