Sự giao thoa của nghệ thuật sơn mài và điêu khắc của nghệ nhân xứ Đoài

26/01/2023 - 18:23

Để chào năm mới Quý Mão, họa sỹ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã tạo ra bộ tượng mèo độc bản gồm 2023 con mèo với các sắc thái khác nhau.

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát với những bức tượng mèo độc bản cho năm Quý Mão. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Tuổi thơ của Nguyễn Tấn Phát gắn liền với hình ảnh mái đình, ngôi chùa của xứ Đoài (Sơn Tây, Hà Nội). Thuở nhỏ, theo bước chân của cha và ông nội đi trùng tu các công trình di sản, anh rất ấn tượng với các tác phẩm điêu khắc. Lớn lên, Phát nhận thấy điêu khắc, sơn mài không chỉ là một nghề truyền thống mà còn là một phần văn hóa của người Việt. Từ đó, anh theo đuổi con đường nghệ thuật này và đã làm nghề được 21 năm.

Năm 2017, anh được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội.”

Khi sơn mài kết hợp với điêu khắc

Với đôi bàn tay khéo léo và đam mê tìm hiểu nghệ thuật truyền thống, ngay khi còn học tại Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, Nguyễn Tấn Phát đã làm việc cho các cửa hàng trang sức, đồ thủ công mỹ nghệ ở khu phố cổ Hà Nội để có cơ hội hiểu sâu hơn về nghề sơn mài. Thời gian rảnh, anh tìm về làng nghề sơn mài Hạ Thái (Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội) xin học nghề từ các nghệ nhân kỳ cựu để tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm.

Nói về sơn mài, anh bảo càng kỳ công, chất liệu càng tốt thì tạo ra sản phẩm càng giá trị. Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát làm sơn mài theo cách và chất truyền thống, tức là sơn mài để tạo ra hồn cốt, thẩm mỹ của sản phẩm chứ không phải mài để sơn lên như sơn ôtô, xe máy…

Với Nguyễn Tấn Phát, sơn mài là một phần của văn hóa Việt. Ngoài chất liệu sơn bề mặt, nó còn có chất keo được lưu truyền từ đời này đến đời khác. Phát bảo rằng sơn mài nó thuần Việt nhất trong những vật liệu mà anh từng sáng tác. Và bởi rất yêu thích các chất liệu tự nhiên, nên những chất liệu như gỗ, vỏ dừa, vỏ trứng, đá ong,… đều được Phát tận dụng đưa vào các sản phẩm thủ công của mình.

Nghệ nhân sử dụng vỏ trứng làm chất liệu để khảm lên bức tượng mèo. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Theo lời Phát, mỗi sản phẩm đều phải trải qua hàng chục bước, từ tạo phôi sản phẩm đến các lớp phủ sơn, đánh bóng, khảm, tạo hiệu ứng màu… Anh dồn sức để thổi vào nó hồn cốt nghệ thuật, cho ra đời những tác phẩm độc đáo, truyền thống mà hiện đại, lại vừa có giá trị kinh tế cao.

Anh Phát cho biết giữa đời sống công nghiệp hóa, nhiều tác phẩm nghệ thuật bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tính chất công nghiệp và khuôn mẫu. “Tôi muốn các tác phẩm của mình dành sự tôn vinh cho sáng tạo. Tôi đưa vào chất liệu sơn mài để khơi gợi tình cảm với các ngành nghề thủ công truyền thống của Việt Nam,” vị họa sỹ xứ Đoài chia sẻ.

Với mong muốn truyền tải những giá trị của nghề và văn hóa người Việt, nhân dịp Tết Quý Mão, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã xây dựng hình ảnh mèo trong dân gian Việt Nam qua bộ sưu tập 2023 chú mèo độc bản kết hợp nghệ thuật điêu khắc và sơn mài. Để đến với công chúng nhớ tới bộ sưu tập này một cách ấn tượng hơn, anh đã chọn con số 2023 bức tượng trùng với con số năm mới.

Bằng chất liệu từ gỗ mít và đá ong, những nguyên liệu phổ biến của miền trung du Sơn Tây, họa sỹ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã tìm tòi và đưa vào ứng dụng để tạo sự đột phá về mỹ cảm cho tác phẩm.

‘Bữa tiệc ngày Xuân’

Để làm nên 2023 chú mèo độc bản, Nguyễn Tấn Phát đã sử dụng hình tượng chú quen thuộc trong ca dao, trong các câu chuyện dân gian để đưa vào bộ sưu tập, tạo hình gần gũi, đáng yêu, được cách điệu, giàu giá trị sử dụng. Có khi hình tượng mèo được thiết kế là chiếc hộp, khi là lọ hoa, bàn trà, chiếc ghế.

Những sản phẩm tượng mèo độc bản được trưng bày tại nhà riêng nghệ nhân Phát ở làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội). (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Các công đoạn để tạo ra một bức tượng mèo độc bản hoàn toàn làm thủ công. Mất khoảng 30-40 ngày để anh Phát thực hiện được bước đầu tiên cho một bức tượng, từ việc lên ý tưởng cho đến đục thành hình, sau đó đợi gỗ khô rồi mới làm được sơn mài. Theo lối truyền thống, ban đầu người làm sẽ trải qua quá trình phủ sơn sau đó khảm lên chất liệu vỏ trứng, vỏ trai, đồng, đá… Các bức tượng sau khi được khảm chất liệu sẽ được quét từ 7-10 lớp màu và sau đó là mài. So với bộ sưu tập hổ được thực hiện năm 2022, bộ sưu tập mèo năm nay của anh phong phú hơn về kiểu dáng, chất liệu và có đủ các kích cỡ.

Nghệ nhân Phát cho biết giữa đời sống công nghiệp hóa, nhiều tác phẩm nghệ thuật bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tính chất công nghiệp và khuôn mẫu. “Tôi muốn các tác phẩm của tôi dành sự tôn vinh cho sáng tạo. Tôi đưa vào chất liệu sơn mài để khơi gợi tình cảm với các ngành nghề thủ công truyền thống của Việt Nam,” anh chia sẻ.

Năm Quý Mão, anh Phát đã dành nhiều tâm huyết và ý tưởng để tạo ra bộ bàn ghế mèo và cá. Bộ này gồm có 7 chiếc ghế mèo với 7 tạo ra kích thước khác nhau, một chiếc bàn cá được anh đặt tên là “Bữa tiệc ngày Xuân.”

Mỗi chiếc ghế tương ứng với một màu sắc, kiểu dáng hoàn toàn khác biệt để giữ được tính độc bản của từng sản phẩm. Trên chính chiếc ghế, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đưa vào đó một số tranh dân gian Đông Hồ đã được thay đổi kích thước nhằm tăng thêm giá trị, tính thẩm mỹ cho tác phẩm.

“Triết lý làm việc của tôi là nghệ thuật sinh ra để phục vụ con người. Do đó, ngoài trang trí, theo tôi, tác phẩm phải có công năng sử dụng như ghế, bàn… Gần đây, tôi dành thời gian với các con giáp, vì vào dịp lễ tết, mọi người thường tìm đến con vật cho năm mới. Từ đó, tác phẩm sẽ dễ tiếp cận từng cá nhân, văn hóa cũng vì thế mà dễ lan tỏa,” anh Phát chia sẻ.

Bộ bàn ghế mèo và cá được nghệ nhân dành nhiều tâm huyết nhất trong bộ sưu tập của mình mang tên 'Bữa tiệc ngày Xuân.' (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Ngay từ cái tên, Phát bảo muốn gửi gắm thông điệp đến với mọi người bước sang năm mới có một “bữa tiệc” thành công với hình ảnh sung túc, ấm no của bữa cơm gia đình mèo luôn đầy ắp cá.

Nhiều năm qua, tại xưởng làm việc của mình, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát miệt mài truyền nghề miễn phí cho người dân địa phương. Anh mong muốn cùng bà con giữ được làng nghề cổ cho Đường Lâm, để du khách đến đây có một nơi tham quan, tìm hiểu về nghề điêu khắc sơn mài, hoặc trải nghiệm trực tiếp. Theo nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, quá trình truyền nghề đã tiếp cận được nhiều người, nhưng khó lòng giữ họ ở lại, bền bỉ theo đuổi như anh. Trong thời gian tới, anh mong được địa phương hỗ trợ, để việc dạy và học nghề miễn phí được đẩy mạnh, góp phần giữ được làng nghề truyền thống.

Theo Vietnamplus

 

Liên kết hữu ích