Đây là sự kiện múa thường niên lớn nhất Việt Nam của ngành, do biên đạo múa Tuyết Minh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam khởi xướng từ năm 2023, quy tụ các nghệ sĩ biểu diễn, biên đạo múa, nhà lý luận phê bình, huấn luyện và tài năng trẻ về biểu diễn.
Biên đạo múa Tuyết Minh kỳ vọng, Tuần lễ Múa Việt Nam 2024 sẽ mở ra cơ hội hợp tác cho nghệ thuật múa, từ di sản múa dân gian dân tộc vùng miền, tạo giá trị thúc đẩy sản phẩm du lịch văn hóa bản địa. Đồng thời là dịp kết nối nghệ thuật múa Việt Nam nói chung, giá trị nghệ thuật múa cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói riêng với nghệ thuật chuyển động trong khu vực và quốc tế...
Với chủ đề Dòng sông ánh sáng, Tuần lễ Múa Việt Nam 2024 diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa. Trong đó, lễ khai mạc với điểm nhấn là công diễn vở múa đương đại Sesan diễn ra vào tối 13/10, tại Nhà Rông KonKlor.
Biên đạo múa Tuyết Minh, tác giả kịch bản, tổng đạo diễn chia sẻ: "Sesan lấy cảm hứng từ đặc trưng của nghệ thuật múa và nghệ thuật chuyển động đương đại, tôn vinh nét đẹp mạnh mẽ, nguyên sơ của văn hóa Tây Nguyên, khắc họa rõ nét sự giao thoa văn hóa cũng như gắn kết cộng đồng các dân tộc bản địa sinh sống bao đời nay theo dòng sông Sê San".
Vở diễn có sự tham gia của các nghệ sĩ tài năng như: NSƯT Cao Chí Thành, NSƯT Như Quỳnh, nghệ sĩ - giảng viên múa Mạnh Hùng, cùng những gương mặt trẻ: Thúy Hiền, Vũ Huệ, Quang Anh, Mai Len, Quàng Việt... nghệ sĩ múa thuộc Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Kon Tum, các nghệ nhân cồng chiêng Kon Tum.
Bên cạnh đó, cuộc thi Tác phẩm múa dân tộc Việt Nam dành cho các nhà biên đạo múa chuyên nghiệp trên toàn quốc sẽ diễn ra vào tối 14/10.
Trong khuôn khổ Tuần lễ Múa Việt Nam 2024, hội thảo toàn quốc với chủ đề Xu hướng quay về yếu tố gốc trong nghệ thuật chuyển động đương đại sẽ diễn ra ngày 15/10, với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế, nghệ sĩ, nhà lý luận phê bình, chuyên gia nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam.
Hội thảo nhằm chia sẻ kiến thức, thảo luận, trao đổi về các xu hướng phát triển của những loại hình nghệ thuật liên quan tới chuyển động, kinh nghiệm từ thực tế sáng tác, thực hành, làm nghề của mỗi nhà nghiên cứu, tác giả, nghệ sĩ; một số phương pháp tiếp cận, sáng tạo trong tác phẩm nghệ thuật đương đại nói chung, nghệ thuật múa, nhiếp ảnh, mỹ thuật, điêu khắc, văn học, thơ ca đương đại...
Lễ bế mạc Tuần lễ Múa Việt Nam sẽ diễn ra vào chiều 15/10.