Sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng: Nâng cao ý thức đi vay và trả nợ

18/04/2025 - 20:01

Hai tháng đầu năm 2025 nợ xấu tăng nhanh (tăng khoảng 34.000 tỷ đồng), trong khi tốc độ xử lý nợ xấu chỉ đạt khoảng 15.000 tỷ đồng do các tổ chức tín dụng trích dự phòng rủi ro để xử lý.

Các đại biểu tham dự tọa đàm. (Ảnh: Vietnam+)

Các đại biểu tham dự tọa đàm. (Ảnh: Vietnam+)

“Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 không chỉ tạo điều kiện cho các ngân hàng trong việc thu hồi nợ, mà là tiếng chuông cảnh tỉnh để người đi vay phải có ý thức và trách nhiệm trả nợ, xóa bỏ tư duy tìm mọi cách không trả nợ, tìm mọi cách để không bàn giao tài sản...”

Đó là nhận định của ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại Tọa đàm góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức sáng ngày 18/4, tại Hà Nội.

Nợ xấu tăng cao

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Trước khi Luật Các tổ chức tín dụng 2024 được Quốc hội thông qua, Hiệp hội Ngân hàng là một trong những đơn vị rất tích cực tham gia cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng dự thảo Luật. Quá trình dự thảo ban đầu có nội dung quy định về thu giữ tài sản bảo đảm trong quá trình xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, tuy nhiên, khi Luật Các tổ chức tín dụng 2024 được thông qua không có nội dung này. Cùng với đó, Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xử lý, thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng và tổ chức mua bán, xử lý nợ.

“Trên thực tế, mặc dù các tổ chức tín dụng đã rất tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh, tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng, tuy nhiên, trước bối cảnh kinh tế trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình thế giới, trong khi hành lang pháp lý về xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu còn bất cập, thiếu đồng bộ và thống nhất, dẫn đến nợ xấu gia tăng,” ông Hùng chia sẻ.

Đến cuối tháng 12/2024, tỷ lệ nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức 5,36% so với tổng dư nợ (bao gồm cả nợ xấu của 5 ngân hàng tái cấu trúc). Nếu loại trừ 5 ngân hàng tái cấu trúc thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 1,93%, tăng khoảng 0,2% so với năm 2023.

Năm 2024, tỷ lệ thu hồi nợ chủ yếu liên quan đến tài sản bảo đảm chiếm khoảng 46,6%. Tỷ lệ khách hàng chủ động trả nợ các ngân hàng với khoản nợ xấu chỉ chiếm 36%; còn lại nợ bán cho VAMC, nợ thi hành án thông qua bán tài sản bảo đảm chiếm tỷ lệ rất thấp, đạt khoảng 7.000 tỷ đồng.

Hai tháng đầu năm 2025, nợ xấu tăng nhanh (tăng khoảng 34.000 tỷ đồng), trong khi tốc độ xử lý nợ xấu chỉ đạt khoảng 15.000 tỷ đồng do các tổ chức tín dụng trích dự phòng rủi ro để xử lý.

“Như vậy, nguồn xử lý nợ xấu chủ yếu đến từ việc các tổ chức tín dụng trích từ dự phòng rủi ro. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng, cũng như giảm nguồn lực hỗ trợ ngược lại các doanh nghiệp, dòng tiền không luân chuyển được, ảnh hưởng đến thanh khoản, nếu không xử lý kịp thời,” ông Nguyễn Quốc Hùng phân tích.

058bb011-8309-440b-8b2b-2bcdbda257d2.jpg

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: Vietnam+)

Đã vay là phải trả

Để giúp khơi thông điểm nghẽn trong xử lý nợ xấu, các ngân hàng kiến nghị Luật tổ chức tín dụng sửa đổi cần bổ sung quy định về quyền thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng. Quy định này sẽ phát huy hiệu quả trong một số trường hợp nhất định như người vay rời khỏi địa phương, tài sản đảm bảo không có người quản lý…

Đại diện các ngân hàng cho rằng việc các ngân hàng được quyền chủ động thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý thu hồi nợ thay vì phải khởi kiện ra tòa án cũng sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí cho các bên có liên quan.

Đại diện đến từ Techcombank, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Thu Lan chia sẻ, người dân gửi hàng triệu tỷ đồng vào ngân hàng và trách nhiệm của ngân hàng là phải quản lý. Ngân hàng làm không đúng sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật và không phải muốn làm gì thì làm. Trong quá trình thực hiện thu hồi nợ xấu đều được làm rất cẩn trọng bởi tất cả các ngân hàng đều biết, bất kỳ một sai sót nào liên quan đến bán đấu giá tài sản, thu hồi nợ… sẽ mang đến hậu quả rất lớn. Còn trong trường hợp khách hàng có khả năng hoàn trả nợ, mà cố tình không trả thì ngân hàng phải tìm mọi biện pháp hỗ trợ bằng được để khách hàng trả nợ.

Nêu thực tế, ông Nguyễn Đức Biên - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank AMC cho rằng nợ quá hạn trên 90 ngày thì ngân hàng sẽ xử lý, thu hồi nợ. Mỗi ngân hàng có cách thu hồi nợ khác nhau như đôn đốc khách hàng trả nợ, khởi kiện khách vay ra tòa. Trước đây, ngân hàng trực tiếp đi thu giữ tài sản đảm bảo rồi bán. Song, trên thực tế, ông Hùng thông tin nợ thi hành án qua bán tài sản đảm bảo chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 7.000 tỷ đồng.

Theo ông Biên, có những khoản nợ mất vài 3 năm mới có thể thu được. Thậm chí, thực tế có rất nhiều tài sản đảm bảo không thể xử lý để thu hồi nợ như tài sản đảm bảo là căn nhà mà có người già, trẻ nhỏ đang sinh sống, thửa đất đang có tranh chấp…

Còn chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng hiện nay pháp luật cũng chưa có quy định về việc hoàn trả tài sản bảo đảm là tang vật trong vụ việc vi phạm hành chính cho tổ chức tín dụng. Thực tế, có những vụ việc tài sản bảo đảm là phương tiện vận tải bị tịch thu, tạm giữ do là tang vật trong vụ việc vi phạm bị xử lý hành chính hoặc do vi phạm luật giao thông đường bộ, tuy nhiên cơ quan chức năng không giao lại các tài sản này cho tổ chức tín dụng để xử lý thu hồi nợ xấu do chưa có văn bản pháp luật quy định về nội dung này. Ngoài ra, cũng chưa có quy định cụ thể về việc ưu tiên thanh toán nợ cho tổ chức tín dụng khi thanh lý tài sản bảo đảm là tang vật trong vụ việc vi phạm hành chính.

vnd2.png

Trong số hơn 40.000 vụ việc có hiệu lực thi hành, chuyển sang thi hành án, năm 2024, chỉ giải quyết được 15% vụ án với số tiền nhỏ so với bản án có hiệu lực. (Ảnh: Vietnam+)

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng cho rằng, các bản án đã có hiệu lực thi hành cũng đang gặp vướng mắc, khó khăn. Có bản án có hiệu lực thi hành rồi, nhưng qua 27 - 28 lần thi hành án, đấu giá, phát mại tài sản nhưng vẫn không xử lý được vì vướng Luật Đất đai. Trong số hơn 40.000 vụ việc có hiệu lực thi hành, chuyển sang thi hành án, năm 2024, chỉ giải quyết được 15% vụ án với số tiền nhỏ so với bản án có hiệu lực.

“Chúng ta đều có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân nhưng không có nghĩa bảo vệ những cái sai. Đã đi vay thì phải có nghĩa vụ trả nợ, chứ không phải khi vay thì cam kết với ngân hàng sẽ trả nợ nhưng sau đó tìm mọi cách để dây dưa, trốn nợ, hoặc trả gốc không trả lãi, thậm chí tham gia hội nhóm bùng nợ,” ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Từ những khó khăn nêu trên, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 không chỉ tạo điều kiện cho các ngân hàng trong việc thu hồi nợ mà là tiếng chuông cảnh tỉnh để người đi vay phải có ý thức và trách nhiệm trả nợ, xóa bỏ tư duy tìm mọi cách không trả nợ, tìm mọi cách để không bàn giao tài sản, tìm mọi cách để xin miễn lãi, thậm chí vay để trả gốc và cũng không muốn trả lãi trong khi đó tài sản bảo đảm rất lớn./.

Theo Vietnam+