Nằm ở vùng “heo hút” vốn chỉ có nông nghiệp làm kế sinh nhai, bên cạnh tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ nhà nước, chính quyền địa phương đã khơi dậy ý chí tự lực trong nhân dân, đồng thời tích cực tìm kiếm, vận động các nhà hảo tâm ngoài tỉnh tham gia giúp đỡ hộ nghèo, khó khăn.
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBMTTQVN xã Phú Long Tăng Văn Thanh cho biết, so với các địa phương, tỷ lệ hộ nghèo ở Phú Long còn khá cao, hiện còn hơn 90 hộ nghèo và 80 gia đình chính sách, đa số gặp khó khăn về chỗ ở.
Năm 2019, xã Phú Long được Công ty TNHH cách âm, cách nhiệt Phương Nam (TP. Hồ Chí Minh) đồng hành hỗ trợ 8 căn nhà (mỗi căn nhà 50 triệu đồng).
Ngoài nguyên vật liệu và công thực hiện, doanh nghiệp này còn vận động đối tác, cán bộ và nhân viên công ty đóng góp thêm kinh phí cho các căn nhà hoàn thiện, đảm bảo chất lượng và tài trợ nhiều quà tặng thiết yếu sử dụng trong gia đình.
Đơn cử như trường hợp chị Võ Thị Huệ (ngụ ấp Phú Tây), là mẹ đơn thân nuôi 2 con gái, gia cảnh nghèo túng, chị sống nương nhờ nhà mẹ ruột, làm lụng vất vả và tằn tiện mới có thể lo cho con ăn học.
Một căn nhà lành lặn luôn là niềm mơ ước của chị Huệ suốt nhiều năm qua. May mắn là hoàn cảnh của chị đã được UBMTTQVN xã Phú Long xem xét hỗ trợ, cuối năm 2019 cả 3 mẹ con đã yên ổn trong ngôi nhà mới khang trang.
Còn bà Nguyễn Thị Lợi (66 tuổi, ngụ ấp Phú Tây), là vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Sơn hy sinh tại chiến trường biên giới Campuchia. Gia đình bà Lợi có 4 đứa con, trong đó đứa con gái thứ 2 và con trai thứ 4 bị nhiễm chất độc da cam, cuộc sống rất khó khăn, nhà thì dột nát, xuống cấp. Mới đây, bà Lợi được địa phương hỗ trợ cất lại căn nhà mới, mà theo tâm sự của bà “cái ơn này sẽ không bao giờ quên”.
Chăm lo nhà ở và phát triển kinh tế cho người dân
Bên cạnh hỗ trợ hộ nghèo an cư, địa phương còn tạo điều kiện giúp họ tiếp cận vốn vay ưu đãi, hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm… để có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.
Là xã thuần nông vốn chỉ sản xuất lúa, nếp là chủ yếu, hiện nay danh mục ngành nghề nông nghiệp ở Phú Long đã xuất hiện thêm sen, hoa màu, cây ăn trái các loại và nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả.
Thực hiện Nghị quyết 11 của Huyện ủy về chuyển đổi cây trồng, xã đã quy hoạch 122ha đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, chuyển đổi 23,2ha trồng bưởi, xoài, dừa, táo, mít… cho thu nhập khả quan.
Ngoài số cây ăn trái lâu năm, luân canh trên đất trồng nếp còn phát triển mô hình trồng sen thu hoạch ngó, gương, bông… vừa tăng thu nhập cho người dân, vừa cải thiện dinh dưỡng trong đất, đặc biệt trồng nhiều ở vụ hè thu.
Để tạo điều kiện cho xã phát triển thuận lợi, việc kết nối giao thông cũng được lãnh đạo huyện Phú Tân quan tâm, kêu gọi các nguồn lực xây dựng cầu, đường phục vụ dân sinh và thúc đẩy giao thương.
Địa hình kênh, rạch chia cắt các ấp và xã bạn giờ đây không còn là trở ngại đối với xã Phú Long, nhờ các cây cầu bê-tông đã và đang xây dựng nối bờ liền mạch. Xã Phú Long nỗ lực tích cực trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với kết quả đến nay đạt 11/19 tiêu chí và 41/49 chỉ tiêu.
Đồng thời, Phú Long là địa phương tiêu biểu thực hiện xã hội hóa lắp đặt đèn đường chiếu sáng, với tổng chiều dài 2,5km; năm 2019 là năm đầu tiên xã đạt chuẩn “Xã văn hóa nông thôn mới”.
Năm 2020, xã Phú Long đặt mục tiêu phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng ổn định theo hướng chất lượng, hiệu quả, vẫn dựa vào nông nghiệp nhưng người dân đã có thể tự tin sẽ vươn lên khấm khá hơn.
Tiếp tục hỗ trợ cho người nghèo, xã đạt chỉ tiêu giảm hộ nghèo đến cuối năm còn 4% (giảm 22 hộ nghèo, 22 hộ cận nghèo). Giải pháp là tập trung đào tạo nghề, giảm tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, trang bị cho hộ nghèo kiến thức sản xuất, chăn nuôi và nguồn vốn để gia tăng sản xuất.
Đảm bảo an sinh xã hội song song với nỗ lực phát triển, Phú Long phấn đấu trong năm nay đạt thêm 3 tiêu chí và 3 chỉ tiêu theo chuẩn nông thôn mới.
MỸ HẠNH