Sức hút từ tín ngưỡng thờ mẫu

18/02/2024 - 12:41

 - Từ lâu, tín ngưỡng thờ mẫu ở An Giang được phổ biến từ đồng bằng đến miền núi, mang giá trị văn hóa đặc sắc lưu truyền hàng trăm năm trong cộng đồng dân cư. Nhiều nơi đã phát triển thành địa chỉ du lịch (DL) tâm linh, thu hút đông đảo du khách đến cúng viếng, chiêm ngưỡng.

Thờ thánh mẫu trên núi

Có dịp leo các ngọn núi vùng Thất Sơn, du khách sẽ thấy nhiều nơi người dân xây tượng, lập bàn thờ thánh mẫu tại các vồ, điện trên núi cao. Mỗi nơi thờ tự thánh mẫu đều có những câu chuyện hấp dẫn, thu hút khách hành hương đến cúng bái. Với niềm tin vào “thánh mẫu”, cộng với không gian núi non tĩnh mịch, càng tăng thêm sự kỳ bí ở chốn linh thiên này.

Sáng sớm, du khách đã có mặt trên điện Bồ Hong

Ngày Tết, vượt hàng ngàn bậc thang lên núi Kéc (TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang), chúng tôi bắt gặp vài trăm du khách đã có mặt từ rất sớm. Vợ chồng ông Mai Văn Đới (tỉnh Bạc Liêu) leo tới đỉnh núi Kéc, khấn vái rất thành tâm trước điện thờ Diêu Trì Kim Mẫu, Cửu Thiên Huyền Nữ. “Sáng sớm, gia đình tôi đã đặt chân tới núi Kéc tham quan các nơi thờ tự. Vợ chồng tôi cúng “thánh mẫu”, với mong muốn năm mới được mạnh khỏe, bình an” - ông Đới bộc bạch.

Là người tu trên núi Kéc hơn 30 năm qua, ông Nguyễn Văn Sơn (73 tuổi) cho rằng, sở dĩ dân gian tín ngưỡng thờ mẫu là do lâu nay bà con luôn đề cao vai trò người phụ nữ, cụ thể là chính người mẹ của mình. Trên núi Kéc hiện có điện thờ Diêu Trì Kim Mẫu, Vương Mẫu, Thánh Cô, Ngũ Nương, mỗi nhân vật đều có điển tích riêng nói về công sinh thành, dưỡng dục của các vị nữ thần từ thời mở cõi.

Còn trên đỉnh núi Cấm, ngoài thờ các vị sơn thần, thổ địa, người dân còn đặt niềm tin vào việc thờ bà Thiên Hậu, Cửu Nương, Cô Tiên... Từ lâu, ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn này ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền bí, tạo nên sự ly kỳ, hấp dẫn, thu hút hàng triệu du khách đến cúng viếng.

Với đội ngũ “xe ôm” trên núi, du khách thuận tiện lên điện Bồ Hong, điện 13, điện Bảy Cô Tiên, điện Cây Quế, điện Thị Bọng, điện Mười Cô, điện Rau Tần, điện Cửu Phẩm, điện Phật Mẫu, vồ Chư Thần, vồ Bà... để thưởng ngoạn. Trên núi, người dân thờ các pho tượng thánh mẫu rất trang nghiêm. Theo những vị cao niên, các điện thờ mẫu đã hình thành cách đây hàng trăm năm. Sau này, người dân lên núi khai khẩn, rồi duy tu, chỉnh trang để phục vụ lữ khách cúng bái.

Niềm tin từ “Bà”

Tại xã Tân Lợi (TX. Tịnh Biên), có ngôi miếu thờ Bà Thiên Hậu, dân gian gọi là chùa Bà Nước Hẹ. Nguyên nhân tên gọi này do trước đây, có một phụ nữ họ “Hẹ” (người Hoa) lập miếu thờ Bà Thiên Hậu để người dân trong vùng đến cúng viếng. Ngày nay, ngôi miếu được tu sửa khang trang, đông đảo du khách khắp nơi về đây cúng viếng cầu tài, cầu lộc dịp năm mới. Chùa Bà Nước Hẹ trở thành địa điểm DL tâm linh có sức hút trong lòng du khách, kéo theo các hoạt động buôn bán rôm rả.

Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam thu hút hàng ngàn du khách trong dịp Tết

Men theo Đường tỉnh 948, chúng tôi quay ngược về phường Nhà Bàng (TX. Tịnh Biên) ghé viếng miễu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp, thờ Thánh Mẫu Tiên Nương. Đây là công trình mang dấu ấn thời “khai sơn phá thạch”, được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa. Ngày trước, cụ Đoàn Minh Huyên (Phật Thầy Tây An), người sáng lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương cho dựng một ngôi miếu tranh lá để các tín đồ và người dân đến thờ cúng.

Tương truyền, ngày xưa trước ngôi miếu có một cái ao cạn (gọi là bàu), nhưng có nước quanh năm, mướp rừng xung quanh nên người dân gọi là miễu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp cho tới bây giờ. Ngày nay, ngôi miễu này được xây dựng khang trang, rộng rãi, là địa điểm DL tâm linh hấp dẫn. Hàng năm, vào các ngày lễ, Tết, nơi đây thu hút hàng triệu lượt khách đến cúng viếng, cầu an.

Tương tự, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (TP. Châu Đốc) cũng vậy. Từ Tết đến tháng 4 (âm lịch), hàng triệu du khách đến viếng Bà, cầu an. Đây là địa chỉ tâm linh nổi tiếng cả nước. Hình ảnh dòng người khắp nơi đổ về núi Sam trẫy hội sôi động, tạo nên văn hóa tâm linh rất riêng ở miền biên cương, không nơi nào sánh bằng.

TS Nguyễn Trung Hiếu (giảng viên Khoa Du lịch và Văn hóa - Nghệ thuật, Trường Đại học An Giang) cho rằng, trên núi Cấm, núi Cô Tô, ngoài tín ngưỡng thờ Vương Mẫu (mẹ) thì người dân còn thờ Ngọc Hoàng Thượng đế (cha), thu hút đông đảo du khách đến khấn vái mong gia đạo bình an.

Tín ngưỡng thờ Ngọc Hoàng Thượng đế (vị vua tối cao của bầu trời, chủ của thiên đình) là hình tượng thờ rất quen trong trong đời sống người dân. Việc dân gian thờ Vương Mẫu (mẹ) tượng trưng cho đất, Ngọc Hoàng (cha) tượng trưng cho trời đều thể hiện lòng thành kính, ơn sâu, nghĩa nặng ngàn đời của dân tộc ta đối với đấng sinh thành, mãi trường tồn theo thời gian.

Theo TS Hoàng Mạnh Tưởng (Trưởng khoa Tôn giáo và Dân tộc, Học viện Chính trị khu vực II), tín ngưỡng thờ mẫu bắt nguồn từ thờ nữ thần, đã có từ rất lâu. Qua hàng ngàn năm lịch sử, truyền thống coi trọng phụ nữ của dân tộc Việt Nam đã được chuyển tải vào đời sống tâm linh, được thể hiện một cách tôn nghiêm, đa dạng, phong phú qua hệ thống thờ nữ thần, mẫu thần

 

HOÀNG MỸ