Sức sống của các phong trào từ tinh thần đoàn kết nhân dân

01/02/2021 - 05:29

 - Với 2 phong trào thi đua lớn là “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, huyện Phú Tân (An Giang) đã căn cứ vào tình hình thực tế địa phương phát động thi đua, lồng ghép phù hợp cùng các phong trào khác. Từ sự thiết thực trong phát động đến cách làm, nhân dân luôn đồng tình hưởng ứng các phong trào, ngày càng có nhiều mô hình lan tỏa, đoàn kết cộng đồng, phát huy dân chủ, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Nhân dân đóng góp xây dựng các công trình nông thôn góp phần đổi mới, phát triển địa phương

Giúp nhau phát triển, giảm nghèo

Nhiều hình thức tuyên truyền được tổ chức từ huyện đến xã, thị trấn và tận các chi, tổ hội để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong nhân dân. Nhờ đó, bà con tập trung sản xuất - kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau để giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Ngô Thanh Trí, trong nội dung thi đua đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, nhân dân tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, chương trình “3 giảm, 3 tăng” trên địa bàn huyện đạt 97,3%, áp dụng kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” đạt 75,1%. Cuối năm 2020, toàn huyện có 19 hợp tác xã, với 2.586 thành viên, phát triển được 15 nhà lưới sản xuất theo hướng công nghệ cao, với tổng diện tích 14.500m2 và có 3/5 sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Các mô hình kinh tế hiệu quả không ngừng được nhân rộng, như: câu lạc bộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, mô hình liên kết chuỗi giá trị “Cánh đồng lớn”, phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, thanh niên lập nghiệp…

Cùng với việc chăm lo đời sống, khuyến khích nhân dân làm giàu chính đáng, huyện tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chương trình, chính sách đảm bảo an sinh xã hội, tư vấn, giới thiệu giải quyết việc làm mới cho hơn 4.000 lao động (đạt 102% kế hoạch); hoàn thành công tác chi hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 với tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ vốn cho nhiều hộ gia đình đầu tư sản xuất - kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn và dựa vào nông nghiệp làm nền tảng, huyện cù lao nỗ lực từng bước “thay da đổi thịt”, hộ khá giả ngày càng nhiều, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,82%.

Chung tay xây dựng đời sống mới

Tinh thần đoàn kết của người dân được thể hiện cụ thể trong xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát huy các truyền thống tốt đẹp. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Tân Ngô Quang Trung thông tin, đến cuối năm 2020, huyện tiếp tục duy trì 12 xã đạt chuẩn “văn hóa nông thôn mới’ và 2 thị trấn đạt chuẩn “Văn minh đô thị”, các danh hiệu văn hóa được chú trọng hơn ở chất lượng, từ đó đạt hiệu quả thực chất. Nhân tố tích cực từ cá nhân, gia đình đến tập thể phát triển dần, nổi lên các điển hình tiên tiến, người tốt - việc tốt trong phong trào từ thiện, đóng góp quỹ Vì người nghèo, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, mua xe chuyển bệnh, xây cầu nông thôn, giao thông nội đồng… Nhiều mô hình đã được huyện, tỉnh tuyên dương, khen thưởng, như: làm đèn đường, cất nhà Đại đoàn kết, nhà Tình nghĩa, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, nuôi con thành đạt.

Phát huy truyền thống đoàn kết, năm 2020, các phong trào xã hội - từ thiện, tương thân tương ái, uống nước nhớ nguồn đã tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Toàn huyện đã vận động được hơn 20,5 tỷ đồng quỹ An sinh xã hội, đạt 358% kế hoạch, qua đó chi cất mới và sửa chữa 284 căn nhà Đại đoàn kết, trợ giúp trên 17.700 hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn và trợ giúp đột xuất, thường xuyên cho hơn 8.000 lượt hoàn cảnh khó khăn. UBMTTQVN huyện chuyển nguồn quỹ Vì người nghèo hơn 4 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thực hiện Đề án thoát nghèo giúp 123 hộ vay vốn sản xuất, chăn nuôi. Ngoài ra, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn thực hành tiết kiệm theo phát động của Huyện ủy góp phần chăm lo an sinh xã hội. Năm 2020, UBMTTQVN huyện đã tiếp nhận của 146/146 đơn vị số tiền hơn 1,6 tỷ đồng để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, ốm đau trên địa bàn.

Một trong những kinh nghiệm đáng chú ý được huyện Phú Tân chia sẻ là thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức. Những nội dung của phong trào thi đua phải thiết thực đi vào cuộc sống, thực hiện phương châm “dễ nhớ, dễ làm”, nhất là giải quyết kịp thời, hợp lý những vấn đề phát sinh liên quan đến đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, huyện rất quan tâm chất lượng của phong trào, đề cao cách làm “chậm mà chắc”, thật sự khách quan trong đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí.

MỸ HẠNH