Sức sống ở làng nghề truyền thống

17/03/2023 - 08:07

 - Có tuổi đời gần trăm năm, Làng nghề đan đát xã Long Giang (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương khi cùng tham gia các công đoạn tạo ra sản phẩm, như: Thúng, rổ, xề... Dù thu nhập chỉ ở mức tương đối, nhưng bà con được nhận sản phẩm về gia công tại nhà, có việc làm, lại được chăm lo cho gia đình. Quan trọng hơn hết là niềm vui khi sản phẩm được thị trường chấp nhận, góp phần gìn giữ nghề truyền thống của địa phương.

Bắt đầu từ thời điểm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đến nay, không khí ở Làng nghề đan đát xã Long Giang luôn diễn ra nhộn nhịp và tất bật. Thời điểm này, nan phơi đủ nắng nên lên màu đẹp; còn lúc mưa, thời tiết ẩm ướt, nan dễ bị ẩm mốc, thâm đen, sản phẩm làm ra khó bán. Dọc theo đoạn đường nối 2 ấp Long Mỹ 2 và Long Phú, hầu như nhà nào cũng làm nghề đan đát.

Từ người lớn tuổi, đến phụ nữ, trẻ em đều có thể tham gia vào các công đoạn làm ra sản phẩm, như: Rổ, thúng, xề… Tùy theo sức khỏe, tay nghề, mỗi nhà sẽ đảm nhận từ 1 đến 2, 3 công đoạn, thu nhập từ đó được nhân lên. Tuy tiền công mỗi công đoạn dao động từ 3.000 - 8.000 đồng, nhưng nhờ làm số lượng nhiều nên thu nhập mỗi ngày cũng tương đối. Nguyên liệu làm ra sản phẩm từ trúc, tre.

Bộ phận nào cần độ dày, cứng như vành thì sử dụng tre; còn phần đan, đát chủ yếu làm từ trúc vì có độ dẻo, dễ uốn cong theo ý muốn. Mỗi sản phẩm ở Làng nghề đan đát xã Long Giang trải qua trên 10 công đoạn, từ: Tách, chẻ, vót mỏng, đan, đát, lận, nứt dây… Mỗi công đoạn có độ khó, dễ khác nhau, theo đó tiền công mỗi người dao động từ 50.000 - 150.000 đồng/ngày.

Nhờ những người thợ quyết tâm giữ nghề đã mang lại sức sống cho làng nghề truyền thống

Theo ông Đinh Hùng Cường (Tổ trưởng Làng nghề đan đát xã Long Giang), ở địa phương có khoảng 130 hộ tham gia làm nghề đan đát, giải quyết việc làm cho gần 500 lao động. Các cơ sở ở sẽ giao nguyên liệu cho người dân làm và thu lại sản phẩm, sau đó phân phối đến nhiều tỉnh, thành phố ở ĐBSCL. Trước đây, mỗi người sẽ làm hoàn chỉnh 1 sản phẩm. Hiện nay, chỉ đảm nhận 1 hoặc 2 công đoạn, như vậy làm ra sản phẩm nhanh hơn. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi.

Dù mới 47 tuổi, nhưng chị Trần Thị Thu Sương (ngụ ấp Long Mỹ 2) đã có gần 40 năm gắn bó với nghề đan đát. Chị Sương học nghề từ mẹ, lúc đầu chỉ nhìn theo rồi thành thạo cho đến nay. Mỗi ngày ngoài lo cơm nước cho gia đình, chị Sương và chồng tranh thủ nhận làm công đoạn cắt gọn phần mê và nứt thúng.

“Lúc 5 tuổi, tôi đã bắt đầu tập làm, khi đó chỉ nhận đát mê để khi lận thúng không bị chạy nan. Sau dần, biết nhiều hơn, từng cái rổ, thúng, xề… cũng tự làm thành phẩm được. Nếu một mình làm hoàn chỉnh tất cả, chắc cả ngày cũng không làm xong 1 cái thúng. Tuy nhiên, khi làm riêng từng công đoạn sẽ nhanh hơn, thành phẩm đều và đẹp, thu nhập cũng cao hơn” - chị Sương chia sẻ.

Hơn nửa ngày, vợ chồng chị Sương cắt gọn được khoảng 100 mê thúng, được trả công 200.000 đồng. Nhận thêm nứt dây thúng, rổ, xề… sẽ được trả từ 2.000 - 10.000 đồng/cái. Mấy năm trước, chị Sương cũng rời quê lên tỉnh Bình Dương làm công nhân, nhưng rồi gia đình đơn chiếc, quyết định quay về làm tiếp nghề truyền thống. “Tuy nói nghề này thu nhập không nhiều, nhưng nhờ nó đã giúp vợ chồng tôi nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Chỉ mong thị trường ổn định, có việc làm thường xuyên thì vợ chồng tôi vẫn muốn bám quê, giữ nghề” - chị Sương giải thích.

Thông thường, phụ nữ khéo tay nhận phần đan, đát, còn đàn ông sẽ phụ trách công đoạn lận vành vì cần nhiều sức. Ngay cả trẻ em, người lớn tuổi cũng làm được việc: Cạo vỏ, vót nan… Dù đã 70 tuổi, nhưng do quen việc, ông Bùi Thanh Huy (ngụ ấp Long Mỹ 2) vẫn rất nhanh nhẹn uốn từng vành thúng. Vợ chồng ông bắt đầu công việc từ lúc 4 giờ sáng, làm đến tận trưa có thể nghỉ ngơi, đợi cơ sở giao nguyên liệu rồi làm tiếp.

Ông Huy cho biết, mê thúng và vành đều do cơ sở giao đến tận nhà, làm xong sẽ nhận tiền ngay trong ngày, đủ cho vợ chồng trang trải cuộc sống. Đối với công đoạn uốn vành đòi hỏi người thợ phải lành nghề vì mạnh tay thì gãy, nhẹ quá lại không vô được khuôn tròn. “Bởi vậy, phải biết ý, khi uốn vành nếu chỗ nào dày thì phải vót lại cho vừa phải, sẽ dễ vô khuôn. Vừa xong là đưa qua cho vợ tôi đóng đinh, nứt sơ vành để lúc vận chuyển đến chỗ làm công đoạn tiếp theo không bị xê dịch, mất dáng thúng” - ông Huy giải thích.

Dù thị trường đã có nhiều thay đổi, nhưng nhờ sản phẩm chất lượng, luôn lắng nghe ý kiến của khách hàng nên Làng nghề đan đát xã Long Giang vẫn giữ được sự phát triển ổn định. Nơi đó, vẫn có nhiều người thợ yêu nghề, cố gắng làm thật chỉn chu từng công đoạn, dù là đơn giản nhất. Bên cạnh những sản phẩm truyền thống, hiện làng nghề còn được đặt hàng làm thêm các sản phẩm phục vụ nhu cầu trang trí nội thất hoặc sử dụng trong các quán ăn mang phong cách truyền thống xưa… Đa dạng sản phẩm sẽ là lợi thế cạnh tranh, tạo thêm việc làm cho lao động tại địa phương.

ÁNH NGUYÊN

 

Liên kết hữu ích