Sức vươn của thành phố trẻ

22/11/2022 - 07:11

 - Những năm qua, bằng cách nghĩ, cách làm sáng tạo, Châu Đốc (tỉnh An Giang) đã huy động hiệu quả nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội (KTXH), ngày càng khẳng định rõ hơn vị thế là “trụ cột” phát triển du lịch (DL) của tỉnh và là trung tâm DL, hành hương trọng điểm của vùng ĐBSCL.

Từ Châu Đốc đạo đến thành phố du lịch

Theo các bộ sử biên soạn thời nhà Nguyễn, như: Gia Định thành thông chí, Đại Nam nhất thống chí, Phương Đình dư địa chí, Quốc triều chính biên, Đại Nam thực lục… Châu Đốc đạo ra đời năm 1757 trong bối cảnh hết sức đặc biệt. Châu Đốc xưa là đất Tầm Phong Long và ngược về quá khứ, vào thời dựng nước cách nay khoảng 2.000 năm, nơi đây nối liền một dải với trung tâm văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam, trung tâm của nền văn minh thành thị lâu đời, rực rỡ nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Năm 1802, vua Gia Long cho rằng: “Bờ cõi Châu Đốc không kém Bắc thành”. Vì thế, ông dành sự quan tâm đặc biệt đến Châu Đốc. Năm 1808, ông cho lập trấn Vĩnh Thanh và lấy Châu Đốc làm trấn lỵ. Năm 1816, tổ chức đắp đồn Châu Đốc, chiêu tập người Kinh, Hoa, Khmer đến tụ cư và tổ chức đào kênh Vĩnh Tế nối Châu Đốc với Hà Tiên.

Trong 2 cuộc chiến tranh giữ nước, quân và dân Châu Đốc đã kiên cường đấu tranh giành từng tấc đất cho đến ngày toàn thắng. Sau ngày 30/4/1975, Châu Đốc trở thành thị xã trực thuộc tỉnh An Giang. Sau 38 năm xây dựng và phát triển, Châu Đốc đã có những bước phát triển vượt bậc, từ một thị xã nhỏ vùng biên, ngày 19/7/2013, TX. Châu Đốc được công nhận thành phố trực thuộc tỉnh An Giang. Hai năm sau (ngày 25/4/2015), TP. Châu Đốc được công nhận là đô thị loại II, KTXH, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.

Châu Đốc hiện nay là trung tâm đầu mối của 4 cửa khẩu quốc tế và quốc gia, là cửa ngõ giao thương thuận lợi bằng đường bộ và đường thủy. Châu Đốc là vùng đất “Tân cương biên trấn” với nhiều di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, nhiều lễ hội mang đậm yếu tố tâm linh, trong đó có Khu DL quốc gia núi Sam. Châu Đốc có 4 dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa cùng sinh sống, tạo nên văn hóa đa dạng. Châu Đốc hiện nay được tỉnh An Giang xác nhận là trung tâm DL tâm linh của tỉnh, là cửa ngõ giao thương, kết nối với các địa bàn lân cận, như: TX. Tân Châu, huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và TP. Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang).

Vươn mình bứt phá

Theo Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Lâm Quang Thi, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà để hoàn thành các mục tiêu phát triển KTXH giai đoạn 2021-2025, 9 tháng của năm 2022, các địa phương, ban, ngành, đoàn thể TP. Châu Đốc đã nỗ lực, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTXH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân.

9 tháng của năm 2022, TP. Châu Đốc đón trên 3,6 triệu lượt du khách (tăng 2,95 lần so cùng kỳ năm 2021 và đạt hơn 90% kế hoạch năm 2022). Đáng chú ý, tổng thu ngân sách địa phương trong 9 tháng trên 667 tỷ đồng (đạt 142,42% so dự toán tỉnh giao, đạt 136,59% so dự toán thành phố giao). Thành phố đã hoàn thành đưa vào sử dụng 6 dự án, gồm: Đường Trần Hưng Đạo, Nhà Thi đấu đa năng TP. Châu Đốc, nâng cấp đường Tuy Biên… tạo diện mạo văn minh, hiện đại. Cùng với đó, an sinh xã hội được đảm bảo, góp phần đưa Châu Đốc trở thành địa phương cơ bản không còn hộ nghèo, đây là kết quả ấn tượng mà không phải nơi nào cũng có được. Cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thân thiện - là đơn vị nhiều năm liền dẫn đầu toàn tỉnh về công tác cải cách thủ tục hành chính. 

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng; kỷ luật, kỷ cương của bộ máy được tăng cường; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng lên. Nhiều mô hình vận động quần chúng hiệu quả, thiết thực, tạo đồng thuận trong nhân dân, huy động xã hội tham gia đóng góp trí lực, nhân lực, vật lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, an sinh xã hội… góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Ông Nguyễn Bá Vinh (72 tuổi, ngụ phường Núi Sam) phấn khởi: “Sinh ra và lớn lên tại Châu Đốc, tôi vui mừng khi thấy thành phố ngày càng phát triển, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, du khách đến Châu Đốc ngày càng tăng… Không chỉ diện mạo thành phố được cải thiện mà đời sống người dân không ngừng được nâng lên”.

“Thời gian tới, TP. Châu Đốc tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phát huy hơn nữa công tác vận động quần chúng nhằm hỗ trợ tích cực, hiệu quả phát triển KTXH. Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, phấn đấu đến năm 2025, TP. Châu Đốc cơ bản đạt tiêu chuẩn đô thị loại I, xây dựng đô thị phát triển toàn diện, tạo nền tảng để phát triển đô thị DL thông minh. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân thành phố. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chung tay, góp sức xây dựng và phát triển thành phố” - ông Lâm Quang Thi cho biết.

“Những thành tựu đạt được thời gian qua đã góp phần đưa Châu Đốc ngày càng xứng đáng với vị trí là một trong những đầu tàu phát triển KTXH của tỉnh; là một trong những địa phương động lực cho phát triển kinh tế và hình ảnh về đô thị của tỉnh nhà”- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang ghi nhận.

THU THẢO