Thiết bị đèn led hữu cơ này được tạo ra bằng tóc người. Ảnh: Đại học Công nghệ Queensland.
Trên thế giới, phần lớn tóc người khi được cắt ra đều nằm ở bãi rác. Vì vậy, các nhà nghiên cứu của QUT đã quyết định thu gom vật liệu phế thải này từ một thợ cắt tóc địa phương và kết hợp nó vào các thiết bị điện tử.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Advanced, cho thấy tóc là một nguồn carbon và nitơ tốt, rất hữu ích để tạo ra các hạt phát sáng. Tóc được xử lý và sau đó được đốt cháy ở 240 °C, để tạo ra một vật liệu có carbon và nitơ trong đó. Sau đó, nhóm nghiên cứu biến vật liệu này thành các ống nano carbon có kích thước dưới 10 nanomet.
Các nanodot sau đó được phân tán thông qua một chất trùng hợp để chúng kết tụ lại với nhau tạo thành cái mà nhóm nghiên cứu gọi là “quần đảo nano”. Đó là những vật liệu được sử dụng làm lớp hoạt động trong thiết bị led hữu cơ.
Nhà nghiên cứu Prashant Sonar với thiết bị Oled. Ảnh: Đại học Công nghệ Queensland.
Khi một điện áp nhỏ truyền qua, các nanodot này phát sáng màu xanh. Nó không đặc biệt sáng, nhóm nghiên cứu cho biết, nhưng nó vẫn hữu ích cho màn hình quy mô nhỏ, như các thiết bị đeo được.
Tiến sĩ Prashant Sonar, tác giả của nghiên cứu cho biết, các thiết bị phát sáng hữu cơ có thể được sử dụng cho một số ứng dụng trong nhà như bao bì thông minh. Chúng cũng có thể được sử dụng khi cần một nguồn sáng nhỏ để phát tín hiệu hoặc trong các dải phân cách thông minh. Và chúng còn có thể được sử dụng trong các thiết bị y tế vì không độc hại.
Nhóm nghiên cứu nói rằng, trong tương lai, lông động vật từ các tiệm chăm sóc thú cưng hoặc len cừu có thể được sử dụng trong các thiết bị tương tự.
Theo LÊ LÂM (Báo Nhân Dân)