Tạm giữ xe sau tai nạn

26/07/2022 - 07:02

 - Cho rằng đã khắc phục hậu quả và nạn nhân đã có đơn bãi nại, nhưng Công an huyện Tri Tôn vẫn tạm giữ xe không giải quyết trả xe lại, ông Nguyễn Quốc Trung (ngụ khóm Sóc Triết, thị trấn Cô Tô, huyện Tri Tôn) gửi đơn khiếu nại đến Báo An Giang.

Ông Trung trình bày: “Tôi là chủ xe ôtô ben biển số 19L-7751, có đầy đủ giấy tờ xe, giấy kiểm định, bảo hiểm tai nạn xe đúng quy định pháp luật. Tôi có giao xe cho tài xế tên Huỳnh Hồng Ân điều khiển chở đá đất thuê cho tôi, không may đến khoảng 16 giờ 40 phút, ngày 11/4/2022 ông Ân điều khiển xe của tôi trên Tỉnh lộ 943 khu vực ấp Tô Trung (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) thì xảy ra va chạm với xe môtô biển số 67N-602.45 do ông Chau Ôm điều khiển chở ông Chau Săng phía sau. Tai nạn xảy ra làm ông Chau Ôm chết, Chau Săng thì bị thương được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang điều trị và đã bình phục. Gia đình tôi khó khăn gom góp tiền bạc mua được chiếc xe này để chạy chở đất đá mướn kiếm sống qua ngày, khi xảy ra vụ việc trên, tôi đã vay mượn tiền của dòng họ 2 bên gia đình được hơn 170 triệu đồng để bồi thường cho gia đình ông Chau Ôm 163 triệu đồng, gia đình ông Chau Săng 9 triệu đồng. Cả 2 gia đình đã đồng ý nhận tiền bồi thường và tự nguyện làm bãi nại cho tôi, đồng thời không yêu cầu xử lý hay bồi thường gì về sau (tờ bãi nại của ông Chau Săng ngày 26/4 và của ông Chau Ôm ngày 10/5/2022), việc bãi nại này có sự xác nhận của lãnh đạo Công an xã Núi Tô nơi xảy ra tai nạn. Thế nhưng, không hiểu sao xe tôi có đầy đủ giấy tờ và giao cho tài xế đúng quy định pháp luật, khi xảy ra tai nạn tôi đã vay mượn tiền lo cho những người bị nạn, nhưng đến nay vẫn chưa được trả lại xe, trường hợp tài xế của tôi có vi phạm gì thì cơ quan chức năng xử lý theo quy định, còn xe thì giao trả lại để còn hoạt động trả nợ và nuôi sống gia đình tôi. Rất mong các cấp thẩm quyền xem xét, quan tâm giúp đỡ, giải quyết cho tôi sớm được nhận xe ra tiếp tục hoạt động để trả nợ và mưu sinh, đảm bảo cuộc sống hàng ngày cho gia đình”.

Đơn tường trình vụ việc của ông Trung

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Công an huyện Tri Tôn cho biết, do vụ việc tai nạn giao thông xảy ra đặc biệt nghiêm trọng dẫn đến chết người, cơ quan pháp luật huyện đã thống nhất sẽ khởi tố theo pháp luật. Hiện tại, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Tri Tôn đang thụ lý, tiến hành thẩm tra, điều tra toàn bộ vụ việc theo quy định và sẽ khởi tố vụ án hình sự đối với vụ tai nạn giao thông này. Vì vậy, trong quá trình điều tra, không thể trả lại phương tiện gây tai nạn theo yêu cầu của chủ phương tiện được.

Theo Luật sư Trần Ngọc Phước (Phó Trưởng đoàn Luật sư An Giang), pháp luật hình sự quy định mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, chính xác và toàn diện; những tài liệu, đồ vật, tài sản… có liên quan đến vụ án phải được thu giữ, tạm giữ, xử lý đúng quy định. Trong vụ án hình sự thông thường sẽ có 2 trách nhiệm, về trách nhiệm dân sự: Ai phải bồi thường, bồi thường cho ai, bồi thường bao nhiêu và bồi thường như thế nào. Mặc dù, vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra lúc 16 giờ 40 phút, ngày 11/4/2022 tại ấp Tô Trung (xã Núi Tô) giữa các bên đã thống nhất khoản tiền bồi thường, thân nhân của người bị tai nạn đã có đơn bãi nại, nhưng đó thuộc về trách nhiệm dân sự. Song, không có nghĩa phương tiện cơ giới đường bộ liên quan trực tiếp đến vụ án sẽ được trao trả lại cho chủ sở hữu tài sản. Về trách nhiệm hình sự: Cơ quan điều tra sẽ làm rõ ai phải chịu trách nhiệm, chịu trách nhiệm ra sao... hành vi giao phương tiện cho người khác điều khiển, hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện giao thông sẽ được cơ quan chức năng tiến hành điều tra và kết luận có lỗi hay không có lỗi dẫn đến tai nạn giao thông làm chết người. Nếu có lỗi thì mức độ lỗi ra sao, các biện pháp ngăn chặn cần áp dụng như thế nào…

Ông Trần Ngọc Phước cho biết thêm, trách nhiệm của Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ tiến hành điều tra vụ án theo thẩm quyền, theo trình tự thủ tục của Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định. Do xe ôtô tải là phương tiện có liên quan trực tiếp đến vụ án, nên Cơ quan Cảnh sát điều tra có quyền tạm giữ phương tiện để tiến hành điều tra (thực nghiệm điều tra, dựng hiện trường, khám nghiệm phương tiện…), nên phương tiện sẽ không được giao trả cho chủ. Vì vậy, việc đã bồi thường xong trách nhiệm dân sự không đồng nghĩa với vụ việc phương tiện giao thông đường bộ sẽ được trao trả lại cho chủ sở hữu phương tiện.

 Tuy nhiên, trường hợp Cơ quan Cảnh sát điều tra xét thấy không cần thiết tiếp tục tạm giữ phương tiện hoặc chủ sở hữu phương tiện thấy rằng quyền lợi của mình bị ảnh hưởng liên quan đến vụ án giao thông đã xảy ra do tài sản bị tạm giữ, thì trong giai đoạn điều tra vụ án, chủ sở hữu tài sản làm đơn gửi đến Cơ quan Cảnh sát điều tra xin được nhận lại tài sản để bảo quản. Đồng thời, cam kết trong thời gian vụ án được giải quyết sẽ không mua bán, tặng cho, thế chấp để vay vốn và khi được yêu cầu của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân sẽ mang phương tiện đến đúng nơi, đúng thời gian và đúng quy định để phục vụ cho việc giải quyết vụ án.  

Bài, ảnh: K.N