Tâm tình người xa xứ

08/10/2021 - 05:08

 - Mấy ngày nay, người dân An Giang không còn xa lạ với hình ảnh cảnh sát giao thông, xe cứu thương dẫn đường để đón những dòng người trở lại quê nhà. Trên khắp các nẻo đường, từ đô thị đến nông thôn, những người con xa quê luôn được ân cần chào đón.

Quê hương ôm ấp vào lòng

Họ là những công dân An Giang, vì cuộc sống mưu sinh phải tha hương xứ người. Sau nhiều tháng phải ở yên trong những căn nhà trọ bức bách, không thu nhập, cuộc sống quá khó khăn, nhiều người quyết định trở về quê khi TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… nới lỏng giãn cách. Dù là về tự phát nhưng chính quyền tỉnh và nhân dân An Giang dang rộng vòng tay chào đón, sẵn lòng tiếp nhận, chăm lo cơm, nước chu đáo.

Tiếp nhận đưa người dân về quê. Ảnh: THANH HÙNG

Đặt chân lên mảnh đất An Giang sau thời gian dài mong đợi, anh Cao Phước Lợi (quê xã Bình Chánh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) không cầm được nước mắt: “Tôi đi làm ở tỉnh Bình Dương, nghỉ dịch 4 tháng, nhà 4 người được hỗ trợ có 300.000 đồng với 10kg gạo. Ai cũng khổ nên khi tỉnh Bình Dương nới lỏng giãn cách, nhiều người quyết định về quê. Chắc tôi sẽ trụ lại quê, suy nghĩ mô hình làm ăn ổn định để 2 con nhỏ được học hành tử tế. Về tới quê nhà mới thấy, cán bộ, bà con mình lo cho dân chu đáo quá”.

Cùng tâm trạng, anh Giang (ngụ xã Vĩnh Trường, huyện An Phú, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Gia đình đi tỉnh Đồng Nai làm được mấy tháng, dịch bệnh COVID-19 bùng phát nên bị kẹt lại, thất nghiệp hơn 4 tháng nay. Không còn tiền tiêu xài nên buộc phải trở về quê”.

Anh Lê Long Hồ (ngụ thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú) tiếp lời: “Tôi từ tỉnh Tây Ninh về An Giang. Ngoài đó dịch bệnh, nghỉ 3 tháng rồi không làm được gì, khổ quá nên về quê. Về đến đây rất là mừng, được đón tiếp chu đáo, gia đình tôi ấm lòng”.

Chị Ry Á (xã Đa Phước, huyện An Phú) đang bồng con đi lấy cơm, nước miễn phí tại khu tiếp nhận tạm ở Trường Đại học An Giang. “Em ở tỉnh Đồng Nai về, theo chồng buôn bán hàng rong. Em ở nhà giữ 2 con, đứa nhỏ 3 tuổi, đứa lớn 7 tuổi, thất nghiệp 4 tháng nay đâu làm gì ra tiền, không có tiền trả tiền nhà trọ nên phải về. Tới quê nhà rồi mới yên tâm”.

Còn anh Nguyễn Phú Trung (ấp An Mỹ, xã Hòa An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) trải lòng: “Đi làm ở tỉnh Bình Dương hơn 3 năm, làm thợ hồ hơn 300.000 đồng/ngày, vợ đi giúp việc nhà thuê cũng được khoảng 6 triệu đồng/tháng. Vợ chồng tha hương bỏ con nhỏ lại quê nhà. Giờ thất nghiệp, vợ chồng tôi về quê để gần gũi người thân, các con. Được các tình nguyện viên cung cấp đủ cơm, nước, quan tâm chăm sóc, tôi thật sự rất cảm động”.

Địa phương chăm lo

Là địa phương tiếp nhận số lượng người về quê khá lớn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm đã phân công cán bộ, công chức cấp huyện tham gia hỗ trợ các xã, thị trấn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, phân công 20 đồng chí là trưởng, phó phòng và các đoàn thể phụ trách hỗ trợ các địa bàn.

 Nhiệm vụ của các đồng chí này là hỗ trợ các xã, thị trấn nắm thông tin, rà soát, tổng hợp danh sách, phân loại công dân sinh sống tại các tỉnh, thành phố trở về và chịu trách nhiệm báo cáo tiến độ về Ban Chỉ đạo và Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 huyện 2 lần/ngày và kịp thời đề xuất khó khăn, vướng mắc để có hướng giải quyết. Đồng thời, phối hợp và tham gia cùng xã, thị trấn trong việc theo dõi sức khỏe, test định kỳ cho người cách ly tại nhà và các đối tượng nguy cơ cao; huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội...

Ông Cao Quang Liêm yêu cầu từng cán bộ được phân công phát huy tinh thần trách nhiệm, phối hợp với các xã, thị trấn quản lý chặt chẽ người cách ly tại nhà. Đồng thời, nắm chắc các trường hợp F0 khỏi bệnh, những người tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Đối với các trường hợp  đã tiêm 1 mũi và chưa tiêm mũi nào phải cách ly tại nhà 14 ngày, đồng thời  tiến hành test nhanh 2 ngày/lần để sớm phát hiện, thần tốc truy vết, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Ngoài ra, cần quan tâm hỗ trợ, không để người dân cách ly bị thiếu ăn.

Bắt đầu từ ngày 6-10, những trường hợp từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh về sẽ được tiếp nhận tạm thời tại Trường THCS Tà Đảnh, tiến hành test nhanh, lấy mẫu xét nghiệm PCR và phân loại nơi cư trú, sau đó từng xã, thị trấn tổ chức đón về, tiếp tục cho cách ly tập trung, khi có kết quả PCR âm tính mới cho về cách ly tại nhà. Nếu dương tính thì cách ly điều trị và truy vết các F1.

Bí thư Huyện đoàn Tri Tôn Ngô Hoài Nam cho biết, tại các điểm tập trung người dân tạm thời, Huyện đoàn và các xã, thị trấn đã bố trí khoảng 70 đoàn viên, thanh niên để chuẩn bị trước các điều kiện tiếp nhận. Đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội và thực hiện khâu hậu cần, bếp ăn để hỗ trợ cơm, cháo, mì gói, bánh mì, sữa, nước uống, nhu yếu phẩm… đầy đủ cho người dân xa quê mới trở về.

Xã hội chung tay 

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại thị trấn Phú Mỹ, tận xã vùng sâu Hiệp Xương (huyện Phú Tân), cô Nguyễn Thị Hồng Loan (Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hiệp Xương) cùng các giáo viên của trường đã tích cực tham gia cùng đội test diện rộng, hỗ trợ ghi chép thông tin của từng hộ dân. Giờ đây, mọi người lại tiếp tục chung tay lo cho bà con phương xa trở về.

Theo phát động của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Tân, lực lượng giáo viên trên địa bàn huyện sắp xếp thời gian tham gia phòng, chống dịch cùng ngành chức năng bằng nhiều cách khác nhau: hỗ trợ đội test diện rộng, tuyên truyền, trực chốt kiểm soát, phục vụ hậu cần các khu cách ly; tham gia bếp ăn, vận động rau, củ, quả, thịt, cá, thực phẩm… để nấu ăn, phục vụ bà con về quê đang cách ly tạm thời hoặc cách ly tại nhà.

Với đội ngũ y tế, thu xếp nhiệm vụ chính ở cơ sở, các xã lân cận đồng thời chi viện cho các xã, thị trấn đang trong vùng tâm dịch, vùng có đông người về. Y sĩ Trần Văn Cường (Trạm Y tế xã Long Hòa, huyện Phú Tân) cho biết, công việc của đội test là phải cẩn thận. Một đội nhỏ có 3 người đến từng khu vực lấy mẫu và ghi sổ sách, kéo dài cả ngày. Với những người ở xa mới về cách ly tại nhà, công tác lấy mẫu nhiều, vất vả hơn. “Người dân tâm lý rất sợ dịch nên khi đến nhà họ đều hợp tác. Trách nhiệm của ngành y tế thì phải đương đầu trong những lúc này, vất vả một chút có sao đâu, yêu cầu sao cho cuộc sống bà con ổn định là mừng” - ông Cường chia sẻ.

Chị Ry Á (huyện An Phú) rất vui khi về tới quê nhà

Đối với điều dưỡng Phan Hoàng Vũ (Trung tâm Y tế huyện Phú Tân), qua 3 đợt tham gia phòng, chống dịch là chuỗi ngày đáng giá để thêm vững vàng trong chuyên môn và cuộc sống. Tuổi đời lẫn tuổi nghề còn trẻ, khi được cấp trên phân công nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, Vũ cho biết không hề lo lắng, dù gian nan đến đâu cũng nỗ lực làm tròn việc được giao. Trong 3 đợt tham gia phòng, chống dịch thì 2 đợt Vũ làm nhiệm vụ trong khu cách ly, 1 đợt vào khu điều trị F0. Nhiệm vụ hàng ngày, Vũ tiếp nhận và đem cơm nước cho bệnh nhân, hướng dẫn các bài tập thể dục, nhắc nhở bệnh nhân giữ khoảng cách, động viên để tinh thần họ lạc quan, vui tươi.

“Trong khu điều trị tiếp nhận khoảng 200 người dương tính với COVID-19 nên khả năng lây nhiễm rất cao, đòi hỏi bản thân mình phải kỹ lưỡng, tuân thủ nghiêm các biện pháp bảo hộ trước và sau khi tiếp xúc, hướng dẫn bệnh nhân chăm sóc sức khỏe. Em không sợ bị nhiễm bệnh, đã chấp nhận tham gia là chấp nhận nguy cơ. Khi thấy đồng nghiệp bị nhiễm, em vẫn không thấy áp lực, tự động viên tinh thần cố gắng hơn nữa, miễn bà con khỏe mạnh thì những người cống hiến trong lúc khó khăn mới trọn được niềm vui” - Vũ chia sẻ. Giờ đây, những người làm trong lĩnh vực y tế như Vũ thêm nhiệm vụ hỗ trợ người tha hương trở về.

Ngoài lực lượng hỗ trợ trực tiếp cho đội test, đoàn viên, thanh niên ở các địa phương được huy động tham gia hùng hậu để góp sức phòng, chống dịch. Đội hình “Alô thanh niên” đang giúp 2.000 lượt hộ dân đi chợ ở các nơi trong khu vực phong tỏa như thị trấn Phú Mỹ, xã Phú Lâm, Hòa Lạc và những khu vực phong tỏa hẹp xuất hiện ít ca bệnh. Nhiệm vụ hiện tại thêm phần vất vả khi có thêm nhiều người về quê, cần theo dõi, hỗ trợ.

“Ai rồi cũng ngả nghiêng thôi” là câu nói vui của các tình nguyện viên về hình ảnh cuối ngày làm việc. “Trước đây, mình chỉ thấy những người trong bộ đồ bảo hộ ngồi, tựa, thậm chí lăn ra sàn ngủ ngon lành qua hình ảnh báo chí, trong lòng rất cảm phục. Bây giờ, chính tụi mình cũng đang vào vai của họ, có bạn mới nửa ngày loay hoay với việc đi chợ hộ đã ngồi bệt dưới đất; có bạn theo xe chuyển phát thực phẩm, kiên nhẫn ghé từng hộ trao túi quà trong làn mưa mờ mịt; một số anh, chị tham gia đội test ở lại cơ quan, nhớ con quá chạy về đứng nhìn từ xa… Và nhiều chuyện nữa để lại bao cung bậc cảm xúc, chắc chắn tụi mình sẽ nhớ mãi” - một tình nguyện viên ở thị trấn Phú Mỹ tâm sự.

NHÓM PHÓNG VIÊN