Thăm "thủ phủ" cá tra
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ở An Giang, nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu được hình thành và phát triển rất sớm. Đầu tiên, ngư dân Tân Châu bắt cá basa bột ngoài thiên nhiên mang về ương nuôi lên thành con giống, sau đó bán cho những hộ nuôi cá thương phẩm, nuôi phục vụ chế biến xuất khẩu. Dần về sau, sản lượng xuất khẩu cá basa ngày càng tăng, con giống không đáp ứng nổi nhu cầu của các hộ nuôi cá basa nguyên liệu. Ngoài vấn đề con giống, thời gian nuôi cá basa phải mất từ 10 - 12 tháng, trong khi con cá tra nuôi chỉ 6 tháng đã xuất bán.
Trước thực tế này, ngư dân đầu nguồn Tân Châu nghĩ ra cách, vớt cá tra bột ngoài thiên nhiên mang về thuần dưỡng và cho sinh sản nhân tạo để chủ động nguồn giống phục vụ xuất khẩu. Khi những container cá basa đầu tiên của Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ (năm 1996) thì ngay lập tức, sản phẩm đã chinh phục được người tiêu dùng tại đây và các nhà xuất khẩu đã nhanh chóng đưa cá basa, cá tra sang các thị trường khác như: EU, Nga, Trung Quốc.
Về Tân châu, du khách sẽ được thưởng thức các tiết mục đờn ca tài tử do những nghệ nhân địa phương phục vụ
Trải qua gần 3 thập niên, nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu đã trở thành một ngành hàng mang tính chủ lực của ĐBSCL. Tại An Giang, nếu Tân Châu là “thủ phủ” của cá basa, cá tra giống thì ở các địa phương như: Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân, Thoại Sơn, TP. Long Xuyên, ngư dân bắt con giống cá tra ở Tân Châu về thả nuôi thành cá thương phẩm phục vụ xuất khẩu.
Ông Nguyễn Thanh Hoàng, hộ nuôi cá tra giống ở xã Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu) cho biết, lợi thế của 2 dòng sông Hậu, sông Tiền là lưu tốc dòng chảy lớn, nước sạch quanh năm và giàu ô-xy nên ngư dân Tân Châu sớm phát triển nghề ương nuôi cá bột, cá giống. Để có con bột, ngư dân các xã: Vĩnh Hòa, Tân An, Vĩnh Xương đã may đáy đặt cá bằng lưới vải mùng. Lưới được căng giữa sông để vớt bột cá basa, cá tra. Khi có con bột ngoài thiên nhiên, ngư dân mang về thuần dưỡng, nuôi lên thành cá giống để cung cấp cho toàn vùng ĐBSCL.
Trải nghiệm du lịch tâm linh
Diện tích nuôi cá basa, cá tra giống ban đầu chỉ vài héc-ta, đến năm 1997 và 1998, diện tích ao chuyên làm cá giống của thị xã lên gần 200ha. Nhiều ngư dân đã nhanh chóng giàu lên từ nghề này. Từ con giống thiên nhiên, ngư dân mang về thuần dưỡng và cho cá tra sinh sản nhân tạo để chủ động về nguồn cung. Thành công này đã mở ra triển vọng rất lớn cho ngành công nghiệp cá tra và đỉnh cao của ngành hàng này là kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 2,23 tỷ USD, giải quyết 500.000 lao động cả nước có việc làm ổn định.
Ngày hội Văn hóa - thể thao và du lịch dân tộc Chăm là sản phẩm du lịch độc đáo ở miền Tây
Thăm “thủ phủ” cá tra giống, du khách sẽ có dịp cùng ngư dân lênh đênh trên sông để dớt cá tra bột vào mùa nước nổi, thu hoạch cá giống vào mùa khô, xuống bè cho cá ăn vào sáng sớm hoặc chiều tối để trải nghiệm cuộc sống cùng ngư dân. Du khách sẽ được ở lại trên bè vào ban đêm để nghe đờn ca tài tử, thưởng thức cùng ngư dân những món ăn ngon của địa phương như: cá tra nhúng mắm, cá tra kho lạt dầm me ăn với rau sống, bông súng, bông điển điển, rau muống bóp xổi, cá tra đúc lò, cá tra chiên sả, cá tra nấu cà ri và nhiều món ăn thú vị khác.
Đến với Tân Châu, ngoài tham quan các cơ sở sản xuất cá giống của ông Ba Hoàng, của Công ty Cổ phần Việt Úc An Giang, thăm làng bè trên sông Cái Vừng, lênh đênh cùng du thuyền trên sông Kênh Xáng và nghe vọng cổ hoài lang, du khách còn được các hướng dẫn viên DL đưa đi tham quan các địa danh văn hóa, lịch sử như: Giồng Trà Dên, chùa Giồng Thành, Núi Nổi, chùa Bửu Sơn Kỳ Hương, mộ Sư Ông, thăm và tìm hiểu về khu nghĩa địa người Chăm tồn tại trên 100 năm và cùng nhiều di tích khác trên địa bàn.
Du khách dạo quanh TX. Tân Châu bằng phương tiện xe lôi đạp
Thời gian gần đây, để đẩy mạnh phát triển lĩnh vực DL trên địa bàn, TX. Tân Châu đã hợp tác với Trường Đại học tôn Đức Thắng thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển DL TX. Tân Châu giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030". Đề tài hướng đến xây dựng một mô hình mẫu thực tế theo mô hình DL sinh thái gắn với DL làng nghề và văn hóa Chăm. Xác định các khu, tuyến, điểm DL, các sản phẩm DL chủ yếu. Xây dựng hệ thống chương trình tham quan trên địa bàn thị xã và liên tuyến trong tỉnh. Cùng với đó là công tác tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực quản lý và kỹ năng làm DL cho cán bộ quản lý, công ty DL và người dân địa phương. Đây là việc làm mang tính căn cơ nhằm giúp DL Tân Châu phát triển mạnh và bền vững.
“Để DL phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, TX. Tân Châu đã tập trung đầu tư hạ tầng phục vụ DL thông qua việc đẩy mạnh thu hút đầu tư trên địa bàn. Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng cầu Tân An có ý nghĩa rất lớn trong việc kết nối giao thông, giúp việc tham quan DL của du khách từ nội địa ra biên giới sẽ nhanh hơn. Ngoài nguồn lực bên ngoài, địa phương còn vận dụng nhiều nguồn lực khác để nâng cấp các tuyến đường nội ô thị xã, xây dựng tuyến phố văn minh… Tất cả nhằm đưa DL trở thành một ngành mũi nhọn của địa phương” - Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Trần Hoàng Hải chia sẻ.
|
Bài, ảnh: MINH HIỂN - YẾN NGỌC