Tân Châu với khát vọng phát triển

27/01/2023 - 03:41

 - “Khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân là xây dựng quê hương trở thành vùng động lực kinh tế của tỉnh, có kinh tế - xã hội phát triển ổn định, bền vững; người dân có việc làm ngay trên mảnh đất nơi mình sinh ra; con em được học trong môi trường giáo dục lành mạnh, có được nơi khám, chữa bệnh tốt, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt…” - Chủ tịch UBND TX. Tân Châu (tỉnh An Giang) Nguyễn Ngọc Vệ cho biết.

VNPT An Giang và TX. Tân Châu ký kết hợp đồng hợp tác trong chuyển đổi số

Xác định lợi thế

Đây là khát vọng chính đáng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TX. Tân Châu trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương. Trong hành trình thực hiện khát vọng đó, Tân Châu đã “định vị” lại mình, xác định lợi thế, tiềm năng, trên cơ sở đó hoạch định kế hoạch phát triển cho tương lai. Lợi thế là vùng đất đầu nguồn, có sông Tiền đi qua. Đây là tuyến đường thủy quốc tế (cấp đặc biệt) do Trung ương quản lý, đóng vai trò quan trọng phục vụ vận chuyển nông sản, hàng hóa khu vực ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh để xuất sang Campuchia, các nước ASEAN.

Ngoài vận chuyển hàng hóa, tuyến giao thông này còn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. “Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương làm nhiệm vụ kết nối giữa 3 thành phố lớn trong khu vực, gồm: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Phnom Penh (Vương quốc Campuchia), kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 650 triệu USD. Tân Châu xác định, đây là lợi thế, tiềm năng rất lớn để  địa phương phát triển…” - Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Trần Hoàng Hải khẳng định.

Ngoài thế mạnh về đường thủy, thị xã còn có hệ thống giao thông đối ngoại hoàn chỉnh. Tuyến đường N1 (trục đông - tây) nối phà Tân Châu - Hồng Ngự  qua Châu Đốc đi TP. Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), tạo sự liên kết giao thông dọc biên giới Tây Nam giữa 4 tỉnh: Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.

Quốc lộ 80B cặp bờ Nam sông Tiền nối cầu Cao Lãnh đến trung tâm thị xã, qua cầu Tân An chạy đến Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (theo trục nam - bắc). Đây là 2 tuyến đường quan trọng, tạo cho Tân Châu có một vị trí chiến lược đặc biệt trong phát triển kinh tế lẫn quốc phòng - an ninh, giao lưu văn hóa, phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ.

Tìm hướng đột phá

“Ngoài lợi thế về vị trí địa lý, Tân Châu có sông nước hữu tình, đa dạng về bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là tiền đề quan trọng để thị xã phát triển các lĩnh vực có thế mạnh (kinh tế biên mậu, thương mại - dịch vụ, du lịch). Tân Châu xưa là một thương cảng sầm uất, người dân nơi đây có tập quán mua bán qua biên giới rất lâu đời, vì vậy lĩnh vực thương mại ở vùng đất này phát triển rất sớm…” - ông Nguyễn Ngọc Vệ phân tích.

Ông Vệ chia sẻ thêm, đất nước phát triển, giao thông đường bộ, hàng không đóng vai trò rất quan trọng. Từ TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, nhà đầu tư muốn đến Tân Châu xây dựng nhà máy chế biến thủy sản nước ngọt, lúa gạo, sản xuất hàng tiêu dùng… họ ngán ngại về giao thông, phải qua phà, vừa mất thời gian, vừa tốn nhiều chi phí.

Đây là lý do làm cho Tân Châu chậm phát triển. Để phá thế cô lập của địa phương cù lao, TX. Tân Châu đề xuất với tỉnh và Trung ương, xây dựng cầu Tân Châu - Hồng Ngự bắc qua sông Tiền, kết nối tỉnh An Giang với  Đồng Tháp và các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm TP. Hồ Chí Minh, đề xuất này đã được chấp nhận.

Thời gian qua, để thực hiện khát vọng đưa Tân Châu phát triển, thị xã chọn 3 khâu đột phá để tập trung thực hiện. Cụ thể, đó là đột phá trong đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng nền hành chính hiện đại, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; đi cùng với đó là khai thác lợi thế kinh tế biên mậu, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Kết quả từ việc thực hiện các khâu đột phá, Tân Châu đã có được hạ tầng kết nối giao thông liên vùng, phá thế cô lập của một thị xã cù lao. Nhiều nhà đầu tư về đây thực hiện dự án, tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn.

Trong điều hành, quản lý, cả hệ thống chính trị đã chuyển đổi tư duy, nhận thức và hành động, chuyển tư duy quản lý sang phục vụ; xây dựng chính quyền thực sự kiến tạo, ở đó vai trò của nhà nước luôn đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp, cầu thị và lắng nghe các ý kiến, hiến kế của người dân.

“Bên cạnh những kết quả đạt được, tôi thấy còn nhiều điều trăn trở, phải tiếp tục cùng tập thể tìm hướng giải quyết, đó là vấn đề việc làm cho lao động địa phương, chuẩn bị nguồn nhân lực cho quá trình hội nhập; nhà ở cho người nghèo, xử lý ô nhiễm môi trường và chất lượng sống trong các khu dân cư có thu nhập thấp; tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, làm gì để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch trên địa bàn…” - Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Nguyễn Ngọc Vệ trăn trở.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Trao bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 cho Trường THPT Nguyễn Quang Diêu (TX. Tân Châu)

“Từ khi Tân Châu được công nhận là đô thị loại III, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rất nhiều. Trung tâm thương mại, các chợ được đầu tư, sửa chữa khang trang, tiểu thương có nơi mua bán ổn định, nhờ đó mà khá lên. Hàng hóa giao nhận được nhanh hơn nhờ đường từ quốc lộ đến hương lộ được mở rộng. Khâu thanh toán cũng nhanh và an toàn hơn nhờ chương trình thanh toán không dùng tiền mặt…” - bà Lê Lan Hương (tiểu thương Trung tâm thương mại Tân Châu) phấn khởi.

Một tin vui cho người dân TX. Tân Châu, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp đang được các đơn vị thi công, đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa công trình vào sử dụng. Dự án hoàn thành sẽ phá được thế cô lập của thị xã cù lao, giúp người dân đi lại thuận tiện.

Hạ tầng hoàn thiện, TX. Tân Châu tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số để cùng cả nước nhanh chóng hội nhập. Vừa qua, UBND TX. Tân Châu và VNPT An Giang tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số trên địa bàn, giai đoạn 2022-2025, đồng thời ra mắt Trung tâm Điều hành thông minh IOC. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước ngoặc trong xây dựng, phát triển hạ tầng số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và phát triển xã hội số dựa trên nền tảng là công dân số.

Chia sẻ về những nhiệm vụ trọng tâm thị xã đang thực hiện, Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Nguyễn Ngọc Vệ thông tin, địa phương đang hoàn chỉnh các đề án quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, các dự án phát triển và chỉnh trang đô thị. Đây là tiền đề quan trọng, xây dựng thị xã tránh những khuyết tật của đô thị thường hay xảy ra, như: Ô nhiễm môi trường, thoát nước, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật... qua đó, phát triển đô thị Tân Châu mang tính bền vững, trở thành nơi đáng sống và đầy nghĩa tình.

“Để thực hiện được khát vọng phát triển, Đảng bộ Tân Châu luôn bám sát tư tưởng “Dân là gốc”, từ đó mọi hoạt động đều hướng về cơ sở, hướng về lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; kiên trì thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, đặc biệt trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới... ” - Bí thư Thị ủy Tân Châu Huỳnh Quốc Thái chia sẻ.

MINH HIỂN