Tăng cường chăm lo cho trẻ em

14/06/2019 - 07:43

 - Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em là nhiệm vụ quan trọng, hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể thực hiện lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngành, như: triển khai thực hiện tốt các mục tiêu bảo vệ trẻ em, phấn đấu tăng tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc và hỗ trợ...

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có 540.428 trẻ, trong đó số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo luật là 6.599 (cập nhật số liệu theo Luật Trẻ em 2016), tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc đạt 85%; số trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 50.055 trẻ, tỷ lệ trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc đạt 65,8%; có 231.340 thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Thực hiện Quyết định số 34/2014/QĐ-TTg ngày 30-5-2014 của Thủ tướng Chính phủ, các nội dung của chương trình xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em được lồng ghép với các chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em và gắn với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương đã mang lại những kết quả tích cực. Đã triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn mô hình “Ngôi nhà an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em” và duy trì mô hình cộng đồng an toàn tại 4 xã thuộc dự án “Bạn hữu trẻ em” (xã Phú Thọ, huyện Phú Tân, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, xã Khánh An, huyện An Phú, xã Lê Trì, huyện Tri Tôn).

Tạo sân chơi cho thiếu nhi trong dịp hè

Tạo sân chơi cho thiếu nhi trong dịp hè

Nhằm hạn chế  đến mức thấp nhất số trẻ bị tai nạn thương tích đuối nước có thể xảy ra trong mùa lũ, hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức các điểm giữ trẻ mùa lũ tại các vùng ngập sâu trong tỉnh (bình quân 50 điểm/năm), mỗi điểm giữ trẻ tập trung từ 15-40 trẻ. Trong 2 năm 2017-2018, toàn tỉnh đã tổ chức được 26 điểm với tổng kinh phí 1,7 tỷ đồng; hỗ trợ trang bị 10 lồng bơi di động để tổ chức dạy bơi cho trẻ em và 6 tấm pa-nô phòng, chống đuối nước trẻ em cho các địa phương vùng biên giới, vùng núi khó khăn, vùng lũ: Chợ Mới, Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú và TX. Tân Châu với tổng kinh phí 523 triệu đồng.

Cùng với đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành, hướng dẫn địa phương tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên có lũ. Trong 2 năm 2017-2018, tổ chức 1.112 lớp với 40.467 trẻ tham gia học và biết bơi.

Công tác bảo vệ trẻ bị xâm hại và người chưa thành niên vi phạm pháp luật rất được chú trọng. Từ năm 2017 - 2018, đã xảy ra 54 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Ngành công an phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên. Thường xuyên phối hợp Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân làm tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên. Ngoài ra, có 8.032 vụ, đối tượng trong lứa tuổi chưa thành niên vi phạm pháp luật. Các em đã được xử lý hành chính, giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng.

Ngành y tế đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, đạt các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe trẻ em. Hiện, có hơn 98% số trẻ em trong độ tuổi được cấp thẻ  bảo hiểm y tế. Trẻ em sống trong gia đình hộ nghèo, cận nghèo và trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em khuyết tật nặng không tự phục vụ, trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo… được bảo trợ xã hội thường xuyên tại cộng đồng. Kinh phí địa phương đảm bảo mua bảo hiểm y tế cho 100% đối tượng.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp, đặc biệt là công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm toàn xã hội đối với công tác bảo vệ trẻ em và phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước… tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh để mọi trẻ em đều được bảo vệ, giảm nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Chú trọng bảo vệ trẻ em để không bị xâm hại; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi và nâng cao năng lực cho trẻ em trong việc thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật và Công ước của Liên Hiệp quốc về quyền trẻ em.

Năm 2017-2018, quỹ Bảo trợ trẻ em (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) đã vận động hơn 20 tỷ đồng. Qua đó, hỗ trợ cho 16.329 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nghèo, trẻ em bị bệnh hiểm nghèo, thông qua các hoạt động: thăm, tặng quà, cấp phát học bổng, hỗ trợ khám sàng lọc và phẫu thuật các bệnh về mắt, phẫu thuật trẻ dị tật vận động, phẫu thuật sứt môi hở hàm ếch, khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho trẻ em vùng sâu, vùng dân tộc, vùng biên giới và phẫu thuật cho trẻ bệnh tim bẩm sinh.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH