Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí

06/03/2020 - 04:42

 - Công cuộc phòng, chống tham nhũng đã và đang nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Cùng với các địa phương trong cả nước, An Giang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Chống “giặc nội xâm”

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng lên án những biểu hiện của sự tha hóa quyền lực nhà nước trong không ít cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Người luôn coi tham ô, lãng phí và quan liêu là 3 kẻ thù hết sức nguy hiểm.

Người viết: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”, nó là: “Kẻ thù khá nguy hiểm vì nó không mang gươm, mang súng mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng mọi việc của ta”.

Theo Hồ Chí Minh, trong 3 kẻ thù trên, tham ô là kẻ thù nguy hiểm nhất, bởi đó là hành động xấu xa nhất, tội lỗi nhất trong xã hội. Nó nguy hiểm đến mức mà Người từng xếp căn bệnh này ngang hàng với tội phản quốc. Từ những hậu quả mà tham ô, lãng phí và quan liêu có thể đem lại nên Hồ Chí Minh xác định nó cũng là một thứ giặc nguy hiểm, “thứ giặc ở trong lòng”.

Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta đề ra quyết tâm chính trị, đó là: “Đẩy mạnh đấu tranh PCTN, lãng phí, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm trong các cơ quan nhà nước và trong đội ngũ cán bộ, công chức”. Đây là trách nhiệm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị trong cả nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa”. Để làm được điều này, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức dù ở cấp nào, cần đối diện với chính mình, tỉnh ngộ và tự răn mình về nạn tham nhũng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi thông điệp: “Tôi đã nói rồi, ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”. Qua đó, cho thấy quyết tâm chính trị, tầm nhìn, sự kiên định và cả tâm huyết của người đứng đầu Đảng, nhà nước. Thực tế, từ năm 2017 đến nay, công cuộc “đốt củi” của Đảng, nhà nước ta đã ghi nhận nhiều kết quả quan trọng.

Năm 2019, có 30 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, có 3 người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.

Qua sơ kết, Ban Nội chính các Tỉnh ủy, Thành ủy đã phát hiện, tham mưu chỉ đạo xử lý hơn 100 vụ, việc về tham nhũng, kinh tế. Đồng thời, đề xuất Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy chỉ đạo xử lý 481 vụ án, vụ việc; xử lý dứt điểm 224 vụ việc, vụ án.

Qua đó, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở các địa phương và được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Nhiều giải pháp

Không nằm ngoài “cuộc chiến” chống “giặc nội xâm”, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang đã ban hành nhiều văn bản, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác PCTN, như: tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là của người đứng đầu.

Tăng cường các biện pháp phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi, vụ việc, vụ án tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định của pháp luật; từng bước đẩy lùi tham nhũng, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển KTXH trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị trên các lĩnh vực: quy hoạch sử dụng đất, đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư và dự án đầu tư, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức; kê khai, công khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng và thực hiện tốt các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt và trả lương, thu nhập qua tài khoản…

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải gương mẫu, liêm khiết, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN. Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và người lao động chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCTN và đạo đức liêm chính. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, công chính, liêm minh, có năng lực, chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Với phương châm “giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”, cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện nghiêm những việc không được làm theo quy định của pháp luật về PCTN và pháp luật liên quan gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng...

Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra phát hiện và xử lý tham nhũng. Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN… Qua đó, đẩy mạnh công tác PCTN, làm trong sạch nội bộ và nâng cao sức chiến đấu của hệ thống chính trị, củng cố niềm tin trong quần chúng nhân dân, tạo động lực phát triển KTXH của tỉnh.

THU THẢO