Tăng cường hỗ trợ chính sách đầu tư phát triển du lịch

30/12/2019 - 07:44

 - Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để đạt mục tiêu đề ra, ngành du lịch đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, như: tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động lưu trú, lữ hành, phát triển sản phẩm, dịch vụ tại các khu du lịch, điểm du lịch và triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch để thu hút lượng khách du lịch đến An Giang.

“Năm 2019, An Giang đón khoảng 9,2 triệu lượt khách (tăng 8,23% so năm 2018). Trong đó, có 1,2 triệu lượt khách lưu trú tại các khách sạn đạt chuẩn, nhà nghỉ, nhà trọ (tăng 20% so năm 2018). Mặc dù lượng khách du lịch đến tỉnh khá lớn, nhưng khách lưu trú du lịch chiếm tỷ lệ rất thấp, bình quân từ 10-15% trên tổng lượt khách tham quan, du lịch hàng năm. Kết quả này cho thấy, An Giang vẫn còn thiếu những công trình nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí có tầm vóc, các trung tâm mua sắm hiện đại để giữ chân khách du lịch. Các dự án đầu tư lĩnh vực dịch vụ, du lịch chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao cả về số lượng lẫn quy mô dự án. Nhận thấy những hạn chế trên, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch đã tham mưu nhiều giải pháp khắc phục, trong đó có giải pháp ban hành Nghị quyết số 19, ngày 19-7-2018 của HĐND tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch tỉnh” - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đào Sĩ Tuấn cho biết.

Để các cơ quan, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp, công ty kinh doanh dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh phối hợp triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch của tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa tổ chức hội nghị tuyên truyền Nghị quyết số 19. Trong đó, tập trung những nội dung chính của chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch tỉnh, như: quy định đối tượng được hỗ trợ, nội dung, điều kiện, nguyên tắc, thời gian và hình thức hỗ trợ; quy trình và hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với các dự án; việc hỗ trợ lãi suất cho vay đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh…

Cụ thể, về xây dựng mới và sửa chữa nâng cấp cơ sở lưu trú du lịch, tỉnh hỗ trợ đầu tư xây cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 3 sao tại các huyện: Chợ Mới, Châu Thành, Phú Tân, An Phú, Thoại Sơn, Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú và TX. Tân Châu, với mức hỗ trợ mỗi dự án tối đa 2 tỷ đồng, mỗi địa phương được thực hiện 1 dự án. Đầu tư xây mới hoặc sửa chữa cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 4 sao được hỗ trợ 50 triệu đồng/phòng ngủ tại TP. Long Xuyên và TP. Châu Đốc, mức hỗ trợ tối đa 3 tỷ đồng/dự án, mỗi địa phương được hỗ trợ 1 dự án. Đầu tư xây mới hoặc sửa chữa cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 5 sao được hỗ trợ 60 triệu đồng/phòng ngủ tại TP. Long Xuyên và TP. Châu Đốc, mỗi địa phương được hỗ trợ 1 dự án, mức hỗ trợ tối đa 4-6 tỷ đồng/dự án.

Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, kinh doanh loại hình nhà có phòng cho khách du lịch thuê (loại hình homestay). Hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình làm kinh doanh loại hình nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (loại hình homestay) ở những nơi có giá trị lịch sử văn hóa, cảnh quan, môi trường đủ điều kiện khai thác du lịch có quy mô đón, phục vụ tối thiểu từ 20 khách trở lên. Nội dung hỗ trợ, gồm: kinh phí mua sắm trang thiết bị, cải tạo cảnh quan, thiết kế kiến trúc trong nhà phục vụ khách lưu trú. Mức hỗ trợ 50 triệu đồng cho một dự án có quy mô đón, phục vụ từ 20 khách đến dưới 40 khách. Hỗ trợ 80 triệu đồng cho một dự án với quy mô đón, phục vụ từ 40 khách trở lên…

Bên cạnh đó, hỗ trợ lãi suất cho vay đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng đối với các đối tượng là các tổ chức hoặc hộ gia đình có nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Mỗi tổ chức hoặc hộ gia đình được hỗ trợ 1 lần. Mức hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay trong hạn khi vay vốn ở các ngân hàng để đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng, số nợ vay hỗ trợ tối đa không quá 2 tỷ đồng/tổ chức hoặc hộ gia đình. Các nội dung hỗ trợ nêu trên được thực hiện sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, đủ điều kiện được thẩm định và công nhận theo quy định…

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 18, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, An Giang có những lễ hội đặc trưng mà các tỉnh, thành phố khác không có, điển hình là Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam, sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh chính là du lịch tâm linh. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành du lịch chỉ khai thác những lợi thế sẵn có, nhưng chưa có những sản phẩm du lịch để tăng cường kết nối, xây dựng các tour, tuyến du lịch hấp dẫn để giữ chân du khách khi đến An Giang. Một trong những hạn chế là do hạ tầng đạt chuẩn 5 sao, các khu vui chơi, giải trí còn ít… Chính vì vậy, thời gian tới, các ngành, các địa phương mà nhất là ngành du lịch tập trung khắc phục những hạn chế. Đồng thời, có chính sách khuyến khích nâng cấp cơ sở hạ tầng; khuyến khích tạo điều kiện cho nhà đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, các khu vui chơi, giải trí; chú trọng, quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; đảm bảo môi trường an ninh, an toàn cho du khách; tăng cường công tác phối hợp nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch; tăng cường kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

THU THẢO