Tăng cường hợp tác xử lý chất thải

27/01/2021 - 03:29

 - Cùng với tốc độ phát triển nhanh của kinh tế - xã hội, vấn đề phát sinh, xử lý chất thải luôn là vấn đề nóng trong công tác bảo vệ môi trường. An Giang đã và đang tăng cường các giải pháp, đồng thời hợp tác quốc tế để thu hút nguồn lực và công nghệ xử lý chất thải, góp phần bảo vệ môi trường bền vững.

Tập trung xử lý triệt để các khu, điểm, kênh, rạch ô nhiễm môi trường

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), An Giang triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch thu gom, xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Hiện, toàn tỉnh mỗi ngày phát sinh khoảng 1.128 tấn rác thải sinh hoạt, thu gom khoảng 794 tấn (đạt 70,45%) ở 154/156 xã, phường, thị trấn. Rác thải sau khi thu gom được xử lý bằng hình thức chôn hợp vệ sinh (khoảng 480 tấn/ngày) tại các bãi rác tập trung của huyện.

Tỉnh đang thực hiện 6 dự án đầu tư lò đốt rác thải sinh hoạt với tổng công suất khoảng 815 tấn/ngày, dự kiến vận hành năm nay… Đối với rác thải nguy hại và rác thải y tế, toàn tỉnh có 1 lò đốt rác thải nguy hại công suất 15 tấn/ngày do Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị quản lý, vận hành và 14 lò đốt chất thải y tế đặt tại các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện.

Về xử lý nước thải khu công nghiệp: tỉnh đã hoàn thành và đưa vào vận hành 1 trong 2 hệ thống xử lý nước thải khu công nghiệp, với công suất 2.000m3/ngày đêm (Khu công nghiệp Bình Hòa, Châu Thành); đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải Khu công nghiệp Bình Long (công suất 4.000m3/ngày).

Về xử lý nước thải đô thị: đã hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống thu gom xử lý nước thải ở 2 thành phố của tỉnh (TP. Long Xuyên công suất 30.000m3/ngày đêm và TP. Châu Đốc công suất 5.000m3/ngày đêm).

Công tác quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại từng bước đầu tư các công trình, nhà máy để thu gom và xử lý, đã xây dựng đưa vào hoạt động, thực hiện đầu tư 3 lò đốt rác sinh hoạt… Theo Sở TN&MT, công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường được thực hiện thường xuyên và tích cực, không để phát sinh thêm cơ sở, khu, điểm gây ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đã hoàn thành xử lý dứt điểm 18/21 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 95,2%); hoàn thành xử lý 230/264 cơ sở, khu điểm ô nhiễm (đạt 87%). Tiếp tục rà soát cơ sở gây ô nhiễm, khu, điểm ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh để tổ chức xử lý. Theo dõi, giám sát thực hiện đốt rác sinh hoạt thí điểm tại bãi rác xã Hòa Bình (Chợ Mới) do Công ty TNHH Năng lượng Star Tech thực hiện.

Thực hiện tốt các nhiệm vụ trong xây dựng nông thôn mới (NTM): hoàn thành kế hoạch kiểm tra các chỉ tiêu NTM do Sở TN&MT phụ trách đối với 7 xã điểm NTM năm 2020 và ấp NTM tỉnh An Giang năm 2020; kiểm tra 45/45 xã NTM thuộc kế hoạch giám sát, đánh giá thực hiện xã NTM, xã NTM nâng cao và ấp NTM do Sở TN&MT phụ trách. Tổ chức tuyên truyền, xây dựng mô hình điểm và nâng cao nhận thức cộng đồng bảo vệ môi trường gắn với xây dựng NTM...

Đặc biệt, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TN&MT được tăng cường. Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ thuộc chương trình hợp tác giữa An Giang và Thụy Điển: dự án “Thực hiện kế hoạch hành động vì một tỉnh An Giang phát triển bền vững” giữa An Giang và TP. Pitea (Thụy Điển). Theo đó, tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ chi phí nguyên vật liệu, thiết bị máy móc và tài liệu cho các chương trình tận dụng rơm rạ ở địa phương (ủ rơm làm thức ăn nuôi bò, trồng nấm rơm, làm phân bón); tập huấn kỹ thuật cho người dân tham gia mô hình. Hỗ trợ thiết lập cụm mạng lưới giữa Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang, Công viên Khoa học Pitea, Trung tâm Năng lực Grans và các tổ chức có liên quan về sử dụng và quản lý sinh khối cây lúa, năng lượng tái tạo, tăng chuỗi giá trị và nông sản. Hỗ trợ hoạt động biến chất thải từ cây lúa thành năng lượng. Xây dựng năng lực về sử dụng và quản lý sinh khối cây lúa, năng lượng tái tạo, tăng chuỗi giá trị nông sản và sản phẩm nông nghiệp xanh…

Triển khai dự án “Hợp tác giữa Vaxjo, Thụy Điển và An Giang về quản lý nước bền vững” giai đoạn 2019-2021, nhằm chia sẻ kinh nghiệm truyền thông về tài nguyên nước, kinh nghiệm về giảm phát thải trong nông nghiệp, công nghiệp và doanh nghiệp nhỏ; quan trắc chất lượng nước… và xây dựng dự thảo kế hoạch quản lý nước cho TP. Long Xuyên.

Trong khuôn khổ hợp tác, An Giang đề xuất Chính phủ Đan Mạch phối hợp xây dựng chương trình đào tạo, nâng cao năng lực, truyền thông nâng cao nhận thức và thực hiện mô hình thí điểm về quản lý sử dụng nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Nghiên cứu, đánh giá các mô hình “kinh tế tuần hoàn” chất thải tiềm năng cho tỉnh.

An Giang đã đề xuất Chính phủ Đan Mạch hỗ trợ không hoàn lại các dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải các đô thị loại IV ở huyện Tịnh Biên, Thoại Sơn, Phú Tân, Chợ Mới và TX. Tân Châu. Đề xuất chia sẻ kinh nghiệm và thực hiện thí điểm mô hình hoàn chỉnh thu gom xử lý rác (từ khâu phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý). Đề xuất hỗ trợ xử lý 24 đoạn sông, kênh, rạch (tập trung tại 2 thành phố và các khu đô thị) đang bị ô nhiễm, suy thoái cần được phục hồi hoặc xử lý triệt để. Đề xuất hỗ trợ mô hình xử lý nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư vượt lũ trên địa bàn tỉnh…

HỮU HUYNH