Tăng cường phòng, chống dịch bệnh

15/03/2019 - 07:33

 - Mới vào đầu mùa nắng nóng nhưng xuất hiện nhiều bệnh phức tạp như: sởi, sốt xuất huyết, tay-chân-miệng… trong đó có nhiều cas sốc nặng. Ngành y tế đang triển khai nhiều phương án để khống chế không để dịch bệnh bùng phát.

Hơn 7 giờ sáng nhưng thời tiết oi bức ngột ngạt, nóng bức khó chịu. Hàng trăm người bệnh, thân nhân ngồi chờ tới lượt thăm khám tại Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Sản Nhi An Giang). Tiếng trẻ con khóc, tiếng loa đọc số tới lượt khám bệnh… càng làm cho không khí thêm khẩn trương. Ẳm con gái hơn 2 tuổi trên tay, chị Nguyễn Thúy Phượng (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) cho biết: “Thấy bé nóng sốt nên mua thuốc về uống. Uống 2 ngày không bớt, càng nóng hơn nên bữa nay vô đây khám cho chắc”. Con chị Phượng là một trong những trường hợp nghi bệnh sởi, sẽ được bác sĩ thăm khám kỹ lưỡng và phải nằm cách ly nếu điều trị nội trú.

Hiện nay, tuy mới đầu mùa nóng nhưng dịch sởi bùng phát ở nhiều địa phương trong cả nước. Ngành y tế An Giang tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch, nhất là một số bệnh lưu hành mùa nóng như: sốt phát ban, sốt siêu vi, tiêu chảy, tay-chân-miệng… đặc biệt là chủ động phòng, chống bệnh sởi ở trẻ em và phụ nữ mang thai.

TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi An Giang cho biết, bệnh viện tăng cường tuyên truyền cho người bệnh và người nhà bệnh nhân (qua báo, đài, website bệnh viện, loa truyền thanh, họp hội đồng thân nhân người bệnh…) về các phương pháp phòng, chống bệnh mùa nóng, cũng như một số bệnh như: bạch hầu, ho gà, sởi, uốn ván… Mới đầu mùa nóng nhưng tình hình bệnh năm nay diễn biến bất thường, nhất là đối với bệnh sởi. Năm 2017 chỉ 8 cas mắc sởi nhập viện, năm 2018 có 10 cas, nhưng từ đầu năm 2019 đến nay đã có 10 cas sởi nhập viện điều trị nội trú. Trong khi đó, bệnh sởi bùng phát thành dịch ở nhiều địa phương trong cả nước. Ngoài ra, mỗi ngày có hàng trăm lượt bệnh nhi và phụ nữ đến khám ngoại trú. Từ đầu năm 2019 đến nay có 178 cas sốt xuất huyết, 119 cas tay-chân-miệng… điều trị nội trú. Do đó, bệnh viện tích cực chủ động điều trị và tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 54 cas sốt phát ban nghi sởi, 14 cas sởi (tăng 100% so cùng kỳ), 580 cas cúm mùa, 824 cas tiêu chảy, 339 cas tay-chân-miệng (tăng 151% so cùng kỳ), 585 cas sốt xuất huyết… Hiện nay, thời tiết nắng nóng, nên cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. Thời tiết nắng nóng làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh về tiêu hóa. Bên cạnh đó, khi chống nóng bằng biện pháp bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp gây nên nhiễm lạnh, viêm phổi…

BS Huỳnh Mộng Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh khuyến cáo, để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, người dân hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng. Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol… nhưng không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng. Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người. Thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm trái cây để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường đề kháng của cơ thể. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh… để bảo vệ môi trường và phòng, chống dịch bệnh.

TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi An Giang khuyến cáo: “Khi có triệu chứng bệnh, bà con nên sớm đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị. Đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết, sởi, tay-chân-miệng… ở trẻ em, nếu được theo dõi sát thì điều trị rất thuận lợi. Lo ngại nhất là khi mắc bệnh, người nhà tự mua thuốc về uống, đến khi bệnh nặng mới nhập viện thì rất khó điều trị và có thể lây lan cho nhiều người”.

 

Bài, ảnh: HỮU HUYNH