Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Tuấn Khanh cho biết: "Toàn ngành tập trung ứng dụng CNTT, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng giáo viên (GV) tự tích hợp CNTT vào từng môn học, để nâng cao hiệu quả bài giảng. Từng cán bộ, GV dành thời gian tự học tập, nghiên cứu để có khả năng khai thác được các phần mềm trình chiếu, kết hợp các phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo và phần mềm dạy học.
Tuy nhiên, không lạm dụng CNTT trong dạy học hoặc ứng dụng một cách miễn cưỡng. Tiếp tục thực hiện tin học hóa trong công tác quản lý, tổ chức các kỳ thi. Nghiên cứu, khai thác, sử dụng kết quả phân tích dữ liệu các kỳ thi giúp lãnh đạo sở, phòng chuyên môn chỉ đạo tốt hơn, quá trình dạy học, kiểm tra đánh giá nhằm nâng cao chất lượng GD và thương hiệu từng trường".
Nhân rộng các sản phẩm đạt giải phục vụ dạy và học
Để thực hiện hiệu quả, Sở GĐ&ĐT sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, GV về ứng dụng CNTT trong dạy học theo chuyên đề, môn học, qua đó xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách về CNTT để tập huấn cho GV. Các GV, học sinh khối trung học tham gia các khóa học, viết bài, trao đổi chuyên môn trên trang trường trực tuyến qua địa chỉ: truongtructuyen.edu.vn. Triển khai có hiệu quả công nghệ học điện tử (e-Learning) trên Cổng thông tin điện tử của sở. Phát động GV tham gia cuộc thi "Thiết kế hồ sơ bài giảng e-Learning" do Bộ GD&ĐT tổ chức. Từng bước đầu tư nâng cấp các trang thiết bị, hạ tầng CNTT cần thiết, đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý GD. Phấn đấu 100% các trường THCS, THPT đạt chuẩn quốc gia có trang thông tin điện tử hoạt động hiệu quả, 50% phòng học bộ môn tin học các đơn vị được trang bị đạt chuẩn; 60% các trường có xây dựng bài giảng e-Learning tham dự hội thi các cấp. 70% cơ sở GD phổ thông và GD thường xuyên có ứng dụng CNTT trong quản lý; trong đó 70% trường trực thuộc sử dụng phần mềm quản lý sổ điểm, sổ liên lạc điện tử.
Theo ông Khanh, năm học 2018-2019, An Giang thực hiện "TVthân thiện", góp phần GD toàn diện học sinh, GD kỹ năng tự học, tự nghiên cứu; đồng thời GD đạo đức, lối sống lành mạnh, từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội xâm nhập trường học. Bên cạnh đó, đổi mới công tác quản lý TV; nâng cao nhận thức của lãnh đạo đơn vị, GV, học sinh về vai trò, tác dụng hỗ trợ của TV trường học trong giảng dạy, học tập và GD toàn diện. Nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực tổ chức quản lý của nhân viên TV, đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động TV. Đổi mới công tác quản lý TV, tạo môi trường thuận lợi cho HS tiếp cận thường xuyên với sách bằng nhiều hình thức như: TV thân thiện, TV xanh, TV lưu động...
Để làm được yêu cầu này, các đơn vị cần bố trí nhân sự làm công tác TV chuyên trách phải có chuyên môn nghiệp vụ, từng bước nâng cao trình độ về tin học cho đội ngũ nhân viên làm công tác TV. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý TV; từng bước đưa trang thiết bị, phần mềm vào phục vụ quản lý TV, phục vụ bạn đọc. Xã hội hóa nguồn lực xây dựng TV trường học đáp ứng yêu cầu đổi mới. Huy động phụ huynh, HS tham gia xây dựng TV xanh, TV góc lớp, tủ sách gia đình. Phấn đấu 97% trường phổ thông có phòng TV độc lập, vị trí thuận lợi; tích cực xây dựng TV thân thiện. 55% số TV trường học tòa tỉnh đạt danh hiệu "TV trường học đạt chuẩn".
Năm học 2017-2018, có 100% trường học, Phòng GD&ĐT, phòng ban của sở sử dụng hộp thư điện tử của tỉnh; 100% trường học kết nối đường truyền Internet tốc độ cao... Nhiều GV, cán bộ quản lý ứng dụng có hiệu quả CNTT góp phần nâng cao chất lượng dạy học và công tác quản lý. Hầu hết các đơn vị đăng ký tài liệu trên máy tính, không còn sử dụng sổ đăng ký viết tay truyền thống. Các trường: THPT Nguyễn Khuyến, Nguyễn Hữu Cảnh, THCS Ba Chúc, Nguyễn Trãi... sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý TV. |
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU