Tạo đà cho doanh nghiệp phát triển

02/07/2018 - 07:43

 - Rút ngắn thêm thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm các thủ tục không cần thiết, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp (DN) bằng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả… là nỗ lực của An Giang nhằm thực hiện tốt Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP, ngày 15-5-2018 của Chính phủ (NQ19) về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh (KD), nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.

Nhiều mục tiêu lớn

Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh cho biết, thực hiện NQ19, tỉnh phấn đấu đến hết năm 2018, các chỉ tiêu về môi trường KD tiếp tục đạt và vượt so với các chỉ tiêu đã đạt kết quả trong năm 2017. Trong đó, tỉnh bám sát các tiêu chí đánh giá về môi trường KD của Ngân hàng Thế giới (WB), về năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế thế giới, về năng lực đổi mới sáng tạo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, về chính phủ điện tử của Liên Hiệp Quốc. Tỉnh sẽ tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư KD thuận lợi, bình đẳng, thân thiện, thông thoáng và minh bạch, tạo thuận lợi hỗ trợ DN tư nhân, nhất là các DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo, đồng thời tạo động lực, sự đột phá về thu hút đầu tư vào tỉnh. 

Để thực hiện tốt NQ19, UBND tỉnh đề ra chỉ tiêu đảm bảo tổng thời gian để hoàn thành các thủ tục khởi sự DN nhiều nhất là 6 ngày. Trong đó, thực hiện kết hợp 3 thủ tục liên quan đến đăng ký DN (gồm thủ tục thành lập DN, thủ tục thông báo mẫu dấu và thủ tục đăng ký cập nhật thông tin đăng ký tài khoản ngân hàng) trong 1 ngày làm việc. Các thủ tục còn lại như: đăng ký lao động, đăng ký bảo hiểm xã hội và mua hóa đơn VAT hoặc tự in hóa đơn là 3 ngày làm việc. Nhằm tạo thuận lợi cho DN, tỉnh duy trì tiếp nhận và giải quyết thủ tục đăng ký thành lập mới DN qua mạng, đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ đăng ký trực tuyến trong năm 2018 đạt 20% so với tổng hồ sơ đăng ký.

Bên cạnh hỗ trợ DN mới, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan rút ngắn thời gian nộp thuế tối đa là 119 giờ/năm, rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục nộp bảo hiểm bắt buộc xuống dưới 49 giờ/năm, cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa 58 ngày. Thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng được rút ngắn còn dưới 90 ngày, giảm thời gian giải quyết phá sản DN dưới 24 tháng…

Tạo đà cho doanh nghiệp phát triển

Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất - kinh doanh

Nhiều giải pháp thiết thực

Để thực hiện tốt NQ19, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Về chỉ đạo điều hành, bám sát các chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, về cải thiện môi trường KD và nâng cao năng lực cạnh tranh, về hỗ trợ DN và phát triển DN, về cải cách thủ tục hành chính... để nghiên cứu, phân tích và xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể cho phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị. Trong đó, chú trọng nâng cao nhận thức, sự vào cuộc tích cực, chủ động đồng bộ của cả hệ thống chính trị, từng bộ phận, đơn vị trực thuộc và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức nhằm thực hiện đạt các chỉ tiêu đề ra.

Đối với Trung tâm Hành chính công tỉnh, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa TTHC, thực hiện đủ 4 bước “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả’’ tại đây. Đối với các sở, ngành, địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị tiến hành rà soát, từng bước rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện TTHC, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai, cải cách về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Phấn đấu đến hết 2018, các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, DN được cung cấp ở mức độ 3 và 4. 

Cùng với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với tinh thần các cấp, các ngành từ tỉnh đến địa phương đồng hành cùng DN, hỗ trợ và khuyến khích khởi nghiệp. Trong đó, tập trung triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 8-2-2018 của UBND tỉnh về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020; Kế hoạch số 124/KHUBND ngày 19-3-2018 về việc triển khai Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Đồng thời, đa dạng cách thức đối thoại DN, tiếp tục duy trì mô hình “Cà phê doanh nhân” theo hình thức chuyên đề, thiết thực và giải quyết đến cùng những khó khăn, vướng mắc của DN. Nâng cao hiệu quả, chất lượng của các buổi đối thoại DN, giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất của DN.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị phải thường xuyên lắng nghe và tham vấn ý kiến của cộng đồng DN, nhất là trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế địa phương. Đảm bảo 100% các văn bản do UBND tỉnh ban hành về quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, kinh doanh của DN đều được lấy ý kiến tham gia của cộng đồng DN. Song song đó, phổ biến kịp thời và công khai các thông tin, chính sách mới, các cơ chế hỗ trợ cho DN của tỉnh; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với DN; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao…

An Giang đặt mục tiêu tổng điểm số PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) năm 2018 đạt mức 65 điểm và trở lại nhóm địa phương có chất lượng điều hành khá hoặc tốt. Trong đó, ưu tiên tập trung cải thiện điểm số và thứ hạng của 2 chỉ số bị giảm điểm trong năm 2017 là chi phí thời gian và chi phí không chính thức. Đối với các chỉ số còn lại, đều được cải thiện và tăng điểm.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN