Tạo điểm nhấn thu hút du lịch vùng Bảy Núi

05/06/2024 - 06:31

 - An Giang được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho địa hình độc đáo, vừa có núi, vừa có sông cùng những cánh rừng bát ngát. Trong đó, dãy Thất Sơn hùng vĩ với nhiều giai thoại nổi tiếng luôn thu hút đông du khách, đang được xây dựng thêm những công trình tạo điểm nhấn ấn tượng.

Đẹp như chốn bồng lai

An Giang là tỉnh duy nhất ở vùng ĐBSCL sở hữu 37 ngọn núi có tên gọi, trong đó vùng Thất Sơn là nơi có nhiều núi nhất, nhưng được đặc trưng bởi 7 ngọn núi tiêu biểu, gồm: Thiên Cấm Sơn (núi Cấm), Ngọa Long Sơn (núi Dài, còn gọi núi Dài lớn), Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô), Ngũ Hồ Sơn (núi Dài Năm Giếng, còn gọi núi Dài nhỏ), Liên Hoa Sơn (núi Tượng), Anh Vũ Sơn (núi Ông Két) và Thủy Đài Sơn (núi Nước). Mỗi ngọn núi đều có những giai thoại riêng, được tô điểm thêm bằng những công trình, những ngôi chùa thu hút khách.

Với Thiên Cấm Sơn (TX. Tịnh Biên), là ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn, được mệnh danh là “nóc nhà” của miền Tây, “Đà Lạt thứ hai” ở ĐBSCL. Nơi đây không chỉ tạo dấu ấn với không khí trong lành, mát mẻ, những câu chuyện ly kỳ mà còn có những công trình ấn tượng, vừa thỏa mãn nhu cầu tâm linh, vừa đáp ứng sở thích của những du khách đam mê khám phá thiên nhiên.

Điển hình trong số đó là tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi cao nhất Châu Á (33,6m), chùa Vạn Linh với tháp 9 tầng, thiền viện chùa Phật Lớn, điện Bồ Hong (đỉnh cao nhất trên núi Cấm)... Ngoài ra, còn được đầu tư cáp treo lên núi, công viên nước Thanh Long...

Khởi công xây dựng chữ "TRI TÔN - AN GIANG" trên núi Cô Tô

Với Ngọa Long Sơn, là ngọn núi dài nhất trong dãy Thất Sơn hùng vĩ (dài khoảng 8.000m, trải qua địa phận các xã Châu Lăng, Lương Phi, Lê Trì và thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn). Cùng với Di tích lịch sử cấp Quốc gia Ô Tà Sóc không ngừng được đầu tư, nâng cấp, dưới chân núi còn có hồ Ô Tà Sóc (xã Lương Phi) đi vào hoạt động nhiều năm nay, hồ Núi Dài 2 (xã Lê Trì) vừa được đầu tư hoàn thành, vừa tạo ấn tượng về cảnh đẹp, vừa mở ra tiềm năng phát triển du lịch (DL) sinh thái, khám phá và thưởng thức những loại trái cây đặc sản trên núi Dài, như: Sầu riêng, bơ, dâu, xoài... Chinh phục được núi Dài để đón bình minh hay ngắm hoàng hôn, khung cảnh đẹp như chốn bồng lai.

Đánh thức tiềm năng

Một trong những ngọn núi có nhiều tiềm năng phát triển DL là núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn, còn gọi núi Tô), ngọn núi cao thứ 2 trong dãy Thất Sơn (cao 614m), dài 5.800m và rộng 3.700m. Ngoài cảnh đẹp tự nhiên, Phụng Hoàng Sơn còn gắn với nét văn hóa, ẩm thực đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, khi trải dài qua các xã có đông bà con Khmer sinh sống là: Núi Tô, An Tức, Ô Lâm và thị trấn Cô Tô (huyện Tri Tôn). Tên gọi núi Tô được phiên âm từ chữ Phnom-Ktô theo cách gọi của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Bà con thường truyền tai nhau về truyền thuyết dấu chân phượng hoàng từ thuở khai thiên lập địa, nên núi có tên Phụng Hoàng Sơn.

Chữ "TRI TÔN" đã được xây dựng từ năm 2019

Vùng núi Cô Tô được thiên nhiên ưu ái với nhiều cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, cùng những hang động tuyệt đẹp thu hút du khách. Nơi đây có đồi Tức Dụp vang danh lịch sử với tên gọi “Ngọn đồi 2 triệu đô-la”, đã được đầu tư các hồ chứa nước lớn dưới chân núi, như: Hồ Soài So - suối Vàng, hồ Soài Chek, hồ Ô Thum, sắp tới là hồ Cô Tô.

Trong đó, hồ Ô Thum trở thành điểm DL với món gà đốt nổi tiếng cùng các món ẩm thực Khmer; hồ Soài Chek được huyện Tri Tôn đầu tư thành Khu Thể thao - Du lịch Tà Pạ - Soài Chek, nơi tổ chức nhiều sự kiện thể thao, văn hóa độc đáo vùng Bảy Núi (biểu diễn dù lượn, khinh khí cầu, thả diều nghệ thuật, đua bò Bảy Núi, đua môtô địa hình...).

Từ lâu, điểm Soài So - suối Vàng thu hút khá đông du khách đến hành hương, khám phá thiên nhiên. Năm 2019, Huyện ủy, UBND huyện Tri Tôn vận động xã hội hóa xây dựng chữ “TRI TÔN” cao 7m trên vách núi Cô Tô, cùng với chùa Vân Long được trùng tu, càng thu hút du khách lên chinh phục, khám phá Phụng Hoàng Sơn theo cung đường bê-tông dẫn lên suối Vàng.

“Công trình tạo thành điểm nhấn thu hút du khách với cảnh đẹp độc đáo, trải rộng trước tầm mắt khi nhìn từ chữ “TRI TÔN”, đặc biệt là chữ “Ô” được du khách nhận xét là tạo khung cảnh đẹp như cửa sổ máy bay Airbus khi chụp ảnh” - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm đánh giá.

Khẳng định giá trị vùng đất

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm kể, có lần Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngồi trực thăng thị sát vùng ĐBSCL, khi thấy chữ “TRI TÔN” trên vách núi Cô Tô, Thủ tướng rất ấn tượng, hỏi “Tri Tôn thuộc tỉnh nào?”.

Trong những chuyến thăm, làm việc tại huyện Tri Tôn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang đánh giá cao việc huyện vận động hóa xây dựng chữ “TRI TÔN”, đồng thời đề nghị huyện nên tiếp tục huy động các nguồn lực xây dựng chữ “TRI TÔN - AN GIANG”, khẳng định thêm giá trị và địa danh vùng đất anh hùng, có nhiều tiềm năng phát triển DL.

“Trên thực tế, ở tỉnh Kiên Giang cũng có địa danh Tri Tôn. Do vậy, việc xây dựng chữ “TRI TÔN - AN GIANG” là cần thiết, vừa tăng thêm điểm nhấn cho DL, vừa khẳng định Tri Tôn của vùng đất An Giang” - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm nhấn mạnh.

Cảnh đẹp như ngồi từ cửa sổ máy bay do chữ "Ô" tạo ra

Ngày 26/5/2024 vừa qua, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng đến tham dự Lễ khởi công xây dựng chữ “TRI TÔN - AN GIANG” trên núi Cô Tô (khu vực thuộc xã Núi Tô), do UBND huyện Tri Tôn tổ chức.

Trong tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng thực hiện công trình, Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang tài trợ 500 triệu đồng, Công ty TNHH Liên doanh Antraco tài trợ 400 triệu đồng; phần kinh phí còn lại do Công ty TNHH MTV Xây dựng Thanh Khiết (đơn vị thi công) cùng một số doanh nghiệp tài trợ. Đây sẽ là điểm nhấn DL mới của vùng Bảy Núi.

Công ty TNHH MTV Xây dựng Thanh Khiết cho biết, công trình chữ “TRI TÔN - AN GIANG” có phần đế chữ dài 40m, chiều cao trung bình 1,5m; phần chữ “AN GIANG” đúc bằng bê-tông cốt thép, mỗi chữ cao 7m, rộng 6m (bằng với chữ “TRI TÔN” trước đó). Toàn bộ công trình chữ “TRI TÔN - AN GIANG” được sơn màu trắng sứ, ước nặng 442 tấn; được bảo vệ bởi hàng rào dài 56m, cao 1,6m. Công trình dự kiến hoàn trước ngày 20/12/2024.

NGÔ CHUẨN