Quan tâm, gần gũi đồng bào Khmer
Tri Tôn được biết đến là huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh, nơi đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 33,76% dân số (chủ yếu là đồng bào DTTS Khmer), tập trung ở thị trấn Tri Tôn, Ba Chúc và các xã: Châu Lăng, Lương Phi, Lê Trì, Lương An Trà, Cô Tô, Ô Lâm, Núi Tô và An Tức. “Để làm tốt công tác vận động đồng bào DTTS tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, MTTQ các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, tích cực vận động đồng bào chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của huyện liên quan đến đồng bào DTTS; tham gia cuộc vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động quỹ “Vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… Trong công tác tuyên truyền, chú trọng việc xây dựng, nhân rộng điển hình các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào DTTS” - Chủ tịch UBMTTQVN huyện Tri Tôn Phạm Văn Lèo thông tin.
Chủ tịch UBMTTQVN huyện Tri Tôn cho biết, trong công tác tuyên truyền, nội dung và hình thức thường xuyên được đa dạng hóa, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng khu dân cư như: Bản tin hàng tháng của Ban Tuyên giáo Huyện ủy (cung cấp cho Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể khóm, ấp tuyên truyền tại khu dân cư), tuyên truyền bằng băng-rôn, khẩu hiệu, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh hoặc lồng ghép trong các cuộc sinh hoạt cộng đồng. “Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền mô hình tại các điểm chùa bằng tiếng Khmer, giúp đồng bào hiểu và tham gia hưởng ứng đông đảo, đem lại hiệu quả thiết thực, tăng cường đoàn kết, phát huy nội lực giúp phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; thực hiện dân chủ, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, ngăn ngừa và đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”- ông Lèo nhấn mạnh.
Công tác tuyên truyền góp phần ổn định, thúc đẩy huyện Tri Tôn phát triển
Ổn định vùng biên giới
Tương tự như Tri Tôn, việc đổi mới nội dung, hình thúc tuyên truyền nhằm đảm bảo an ninh chính trị ổn định, bảo vệ đường biên, cột mốc được huyện Tịnh Biên chú trọng. Theo UBMTTQVN huyện Tịnh Biên, đặc thù của huyện là có đồi núi, đa tôn giáo và dân tộc, có đường biên giới dài gần 20km tiếp giáp với 5 xã của 2 huyện Kirivong và KachAndaet (tỉnh Takeo, Vương quốc Campuchia), có chợ cửa khẩu biên giới, là nơi trao đổi hàng hóa của Nhân dân 2 nước Việt Nam - Campuchia. Nhờ kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng lên nên tình hình vùng biên ổn định. Tuy nhiên, trên tuyến biên giới vẫn còn xảy ra một số vấn đề phức tạp như: hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội còn phức tạp, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận Nhân dân còn hạn chế...
Từ những đặc điểm trên, UBMTTQVN huyện Tịnh Biên xác định công tác tuyên truyền pháp luật là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, giảm đến mức thấp nhất vi phạm pháp luật, đặc biệt vùng biên giới. Ban Thường trực UBMTTQVN huyện đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng đóng quân trên địa bàn tham mưu Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các xã có đường biên giới tiếp giáp Campuchia xây dựng kế hoạch phối hợp công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân theo hướng phù hợp với trình độ, nhận thức của từng đối tượng và sát tình hình, đặc điểm của từng địa phương. Quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, địa phương bảo đảm đúng nội dung, chương trình tuyên truyền. Kết quả, huyện đã tổ chức trên 180 buổi tuyên truyền, thu hút hơn 12.600 lượt cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tham dự. Công tác tuyên truyền được thực hiện bằng các hình thức như: họp nhóm, họp tổ, sinh hoạt định kỳ, tổ chức tọa đàm, thi hái hoa dân chủ và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng… UBMTTQVN huyện Tịnh Biên còn phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên, Đồn Biên phòng xã Nhơn Hưng duy trì nâng chất “Điểm sáng văn hóa” biên giới. Đến nay, có 11/15 khóm, ấp được công nhận “Điểm sáng văn hóa”.
Do đặc thù vùng núi, dân tộc, tôn giáo, biên giới nên phương châm tuyên truyền của 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên là ngắn gọn, dễ hiểu, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với trình độ dân trí, văn hóa tín ngưỡng và tập quán sinh hoạt của người dân. Do vậy, công tác tuyên truyền, nắm dư luận xã hội vùng Bảy Núi luôn đạt hiệu quả cao, góp phần ổn định, phát triển ở một trong những địa bàn quan trọng của tỉnh. |
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN