Việc “nhập cuộc” trở lại sau một thời gian “đóng băng” đang khiến các DN đối mặt với không ít khó khăn, đòi hỏi những chính sách hỗ trợ đặc biệt từ Chính phủ để giúp các DN có thể thực hiện hiệu quả mục tiêu kép trong trạng thái bình thường mới, thích ứng linh hoạt khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn, ổn định và hiệu quả.
Doanh nghiệp kiệt quệ
Đã hơn hai tháng nay, hai xưởng may Công ty TNHH Nam Linh của anh Lê Tuấn Linh với quy mô 250 lao động tại quận Long Biên (Hà Nội) không thể hoạt động do thực hiện giãn cách xã hội. Dù không có nguồn thu nhưng anh Linh vẫn phải “gồng mình” để trả phí thuê mặt bằng hai xưởng có diện tích 2.000 m2 với giá gần 230 triệu đồng/tháng. Anh Linh lo lắng, nếu dịch bệnh còn tiếp tục kéo dài, không biết liệu anh có thể còn cầm cự đến giai đoạn được phục hồi sản xuất hay không. Theo anh Linh, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Hà Nội, mặc dù được chủ đất hỗ trợ giảm tiền thuê 10-20%/tháng, nhưng đối với những DN nhỏ như anh Linh, mức giảm này chưa thấm vào đâu khi nguồn thu bị “cắt đứt”. Bởi ngoài phí thuê đất, anh còn phải đều đặn trả tiền lãi vay ngân hàng mỗi tháng hơn 50 triệu đồng, đó là còn chưa kể đến các khoản tiền khác như: tiền lương hỗ trợ công nhân bị “kẹt” lại Hà Nội do giãn cách, tiền điện, nước, chi phí khấu hao máy móc vật tư, tiền đóng bảo hiểm cho người lao động (NLĐ), chi phí xét nghiệm và các khoản thuế phí vẫn phải nộp. Tuy nhiên, các chi phí cố định này cũng không đáng sợ bằng việc bị các đối tác phạt chậm giao hàng, thiệt hại cho DN có thể lên đến hàng tỷ đồng.
Sản xuất tại Công ty cổ phần may Sông Hồng (Nam Định). Ảnh: TRẦN GIANG
Câu chuyện của anh Tuấn Linh cũng là nỗi lo của không ít các DN hiện nay. Theo khảo sát hơn 3.000 DN do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện trong tháng 9 vừa qua cho thấy, có tới 93,9% số DN cho biết tác động của dịch Covid-19 ở mức độ “hoàn toàn tiêu cực” và “phần lớn là tiêu cực” (tăng 6,7% so khảo sát năm 2020). Trong đó, khoảng 60% số DN cho biết tác động của Covid-19 “phần lớn là tiêu cực” và 34% số DN nhận định Covid-19 tác động “hoàn toàn tiêu cực” (gấp đôi so với mức 15% của năm 2020). Chỉ có khoảng 4% số DN không bị ảnh hưởng bởi dịch và khoảng 2% số DN cho biết đại dịch có tác động tích cực mang lại cơ hội để phát triển. Thống kê từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy sự khó khăn trong việc tồn tại với thị trường khi trong chín tháng qua, cả nước có 85.500 DN đăng ký thành lập mới, nhưng có tới 90.300 DN rời khỏi thị trường. Như vậy, sức chống chọi của các DN với “cơn bão” Covid-19 đang yếu dần với số DN rời khỏi thị trường đang cao hơn số DN thành lập mới, trung bình mỗi tháng có hơn 10 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.
Không chỉ các DN ngừng hoạt động bị ảnh hưởng, đằng sau đó là nguồn sống của hàng triệu NLĐ cũng bị ảnh hưởng theo. Khảo sát của VCCI cũng chỉ ra, có 90,8% DN được hỏi đã buộc phải giảm quy mô lao động xuống mức tối thiểu khi cứ khoảng 10 DN thì có gần 9 DN chấp nhận cho NLĐ thôi việc do hoạt động kém khả quan trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Thực tế tại nhiều địa phương trong khoảng hai tháng thực hiện giãn cách xã hội, có gần 20% số đơn vị, DN trên địa bàn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh hoàn toàn, tương đương hơn tám triệu lao động phải tạm nghỉ việc. Điều này đã khiến chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước và quốc tế bị đứt gãy, làm gián đoạn việc sản xuất các đơn hàng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến “sức khỏe” của DN, thậm chí nhiều DN đứng trước nguy cơ phá sản. Thế nhưng, trong một khảo sát nhanh của VCCI tháng 8 vừa qua cho thấy, trong số 500 DN được hỏi thì có tới 60,3% số DN cho biết chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ về vốn, tín dụng của Chính phủ. Phần lớn các DN cho biết, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong thực thi chính sách, giải pháp hỗ trợ DN, việc triển khai của một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ.
Sản xuất và lắp ráp xe máy tại Công ty TNHH Piaggio Việt Nam (Khu công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh: LÂM THANH
Cần hỗ trợ đủ mạnh
Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương đã có rất nhiều nỗ lực ban hành nhiều chính sách, giải pháp thiết thực để hỗ trợ DN, NLĐ, người dân vượt qua khó khăn của đại dịch, bám trụ vững vàng trước tình hình dịch bệnh để đón đà phục hồi kinh tế sau giãn cách. Trong đó phải kể đến như: thống nhất chuyển chủ trương từ “Không Covid” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch”; thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản và các sản phẩm nông nghiệp; nới lỏng vận tải hành khách; hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng số tiền gần 38 nghìn tỷ đồng,... Tuy nhiên, DN, người dân và NLĐ vẫn cần thêm sự hỗ trợ sau một khoảng thời gian dài oằn mình chống chịu những tác động sâu rộng từ đại dịch.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, các chính sách hỗ trợ mới còn chưa sát thực tế. Đơn cử, một số chính sách chỉ giảm thu, chưa hiệu quả vì chỉ DN nào doanh thu sụt giảm mới được thụ hưởng, trong khi nhiều DN thậm chí còn không có doanh thu lại không được hỗ trợ, dẫn đến tỷ lệ thụ hưởng hạn chế. Một số chính sách hỗ trợ đang ở mức giãn, hoãn, không phải giảm, nên DN cần các nhóm giải pháp mạnh hơn. Vì vậy, đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho rằng, để tạo cho cộng đồng DN có sức bật mới, Chính phủ, Quốc hội cần kịp thời nghiên cứu, xây dựng, ban hành các chính sách, quy định mới, kể cả pháp luật, để chủ động tránh nguy cơ chính sách lạc hậu trở thành điểm nghẽn cho hoạt động của DN trong điều kiện bình thường mới. Trong đó cần tiếp tục có các gói hỗ trợ duy trì phục hồi kinh tế đủ lớn và kịp thời để DN nắm bắt được thời cơ. VCCI kiến nghị gói hỗ trợ mới của Chính phủ có thể mở rộng đến 4% GDP, tương đương 250 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, phải nhìn nhận các DN là một chủ thể trong ứng phó dịch Covid-19. Cần nghiên cứu hoàn thiện hệ thống “Thẻ xanh Covid-19”, thống nhất sử dụng một nền tảng ứng dụng liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ từ các địa phương trở lại làm việc. Có như vậy mới duy trì được sản xuất an toàn, chiến thắng dịch bệnh, tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Trong thời điểm hiện nay, phòng, chống dịch vẫn là ưu tiên số một, cùng với đó là chuẩn bị các kịch bản, giải pháp để nền kinh tế sẵn sàng đón cơ hội tăng tốc sau khi dịch được khống chế. Bởi hiện các DN đều đang “kiệt quệ” cho nên đây được xem là thời điểm “vàng” để khôi phục sản xuất, nếu còn chần chừ sẽ bỏ lỡ cơ hội giúp DN phục hồi. Do đó, Chính phủ cần yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, linh hoạt trong tạo điều kiện thuận lợi để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách cho các DN; chỉ đạo các địa phương bãi bỏ ngay các quy định riêng của các địa phương về hạn chế, kiểm tra, kiểm soát vận tải hàng hóa giữa các vùng. Tuy nhiên, cũng cần thống nhất từ T.Ư đến địa phương cách thực hiện, đặc biệt không cho phép “đẻ ra” các giấy phép con gây khó cho DN. Phải luôn xem DN là trung tâm, chủ thể để lắng nghe, chia sẻ nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN bằng những chính sách thiết thực, đúng, trúng, đủ nhằm giúp các DN yên tâm dồn sức cho sản xuất. Có như vậy mới tạo tiền đề vững chắc cho DN và nền kinh tế có sức bật phục hồi, phát triển đi lên sau đại dịch.