Tạo việc làm cho người lao động biên giới Tịnh Biên

09/08/2023 - 06:41

 - Thời gian qua, UBND TX. Tịnh Biên (tỉnh An Giang) tập trung giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động địa phương. Hiệu quả mang lại giúp nâng cao đời sống người dân, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh trên toàn thị xã.

Nỗ lực tạo việc làm

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TX. Tịnh Biên Lý Kim Thoa cho biết: “Địa phương có dân số đông so với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Điều này tạo ra nguồn nhân lực dồi dào. Nhưng trình độ học vấn, tay nghề, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp so bình quân toàn tỉnh, nhất là khu vực nông thôn.

Thực hiện chỉ đạo của Thị ủy, UBND thị xã, chúng tôi xác định, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, giúp người dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.

Người lao động TX. Tịnh Biên tìm kiếm việc làm tại các doanh nghiệp

Hiện nay, địa phương có 74.360 người lao động (NLĐ) từ 15 tuổi trở lên (chiếm khoảng 68,4% dân số toàn thị xã). Trong đó, 23.972 lao động làm việc ngoài tỉnh (37,2% trong tổng số lao động); 1.236 lao động thất nghiệp (1,1% dân số). Thực trạng trên đề ra yêu cầu tập trung vào công tác đào tạo nghề. Từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị phối hợp với các ngành, địa phương đào tạo nghề cho 459 lao động nông thôn; tạo việc làm mới cho 996 lao động; tạo việc làm thêm cho 5.471 lao động.

“Chúng tôi tăng cường hỗ trợ người dân thông qua hoạt động kết nối cơ hội việc làm. Trong đó, tham mưu UBND thị xã tổ chức thành công Phiên giao dịch việc làm năm 2023 với 32 doanh nghiệp (DN), trường nghề đến tham dự. Đặc biệt, phiên giao dịch thu hút trên 1.000 lao động, học sinh, sinh viên tham gia. Kết quả, 77 lao động đăng ký phỏng vấn xuất khẩu lao động, 221 học sinh đăng ký học nghề, 346 lao động đăng ký tìm việc trực tiếp tại DN… giải quyết một phần nhu cầu việc làm cho NLĐ địa phương” - bà Lý Kim Thoa cho biết thêm.

Ngoài ra, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các ngành, địa phương, DN truyền thông để tư vấn chính sách học nghề, giới thiệu việc làm, chính sách xuất khẩu lao động cho 1.260 NLĐ và thân nhân. Kết quả, 21 lao động hẹn đăng ký phỏng vấn tìm việc ở thị trường Nhật Bản, 46 lao động có nhu cầu tìm việc làm tại Công ty TNHH Giống chăn nuôi Việt Thắng An Giang… Hiện nay, 20 lao động thị xã xuất khẩu lao động nước ngoài, chủ yếu là thị trường Nhật Bản.

Nâng cao hiệu quả

Dù ngành chuyên môn đã có nhiều nỗ lực, nhưng hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm vẫn còn nhiều khó khăn. Trên 20% lao động sau khi học nghề chưa có việc làm. Sự phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các ngành chức năng, DN đôi lúc chưa chặt chẽ, ảnh hưởng đến hiệu quả đào tạo nghề. Đa số người dân phải đi lao động ngoài tỉnh, do khó tìm được việc tại chỗ...

Trực tiếp tham gia Phiên giao dịch việc làm TX. Tịnh Biên năm 2023, anh Chau Dút (ngụ xã An Cư) bày tỏ: “Tôi mong muốn sẽ có thêm cơ hội việc làm tại địa phương. Tuy nhiên, điều kiện còn khó khăn, nên bản tôi sẽ đi xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản. Khi tích lũy đủ nguồn vốn, tôi trở về quê hương lập nghiệp. Tôi thấy, những phiên giao dịch việc làm giúp chúng tôi có thêm hướng đi, lựa chọn và cơ hội tìm kiếm việc làm, thay vì phải tự đi tìm, trong khi bản thân chưa có kinh nghiệm, kiến thức”.

Nắm bắt được tâm tư của NLĐ địa phương, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TX. Tịnh Biên sẽ tăng cường tuyên truyền về chủ trương, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; quảng bá, thông tin về kế hoạch, xu hướng đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm hiệu quả trên phương tiện thông tin đại chúng. Hàng năm, tổ chức ngày hội tư vấn học nghề, việc làm cho học sinh, NLĐ để giúp các đối tượng này định hướng, lựa chọn ngành, nghề phù hợp với điều kiện của bản thân, gia đình và nhu cầu thị trường lao động.

“Cần có giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, huy động sự tham gia của các cấp, ngành và toàn xã hội trong tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ cơ sở dạy nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, khuyến khích DN tham gia đào tạo nghề cho NLĐ. Triển khai tốt, kịp thời chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ thuộc hộ nghèo, lao động nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, bộ đội, đối tượng đặc thù… Từ đó, góp phần tạo chuyển biến, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động địa phương” - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TX. Tịnh Biên Lý Kim Thoa đề xuất.

THANH TIẾN