Tập trung giải pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ nông nghiệp

17/02/2023 - 07:23

 - Chỉ tiêu tăng trưởng từ 3,2 - 3,5% ngành nông nghiệp đặt ra cho năm 2023 được xem là khó trong bối cảnh còn nhiều thách thức phải đối mặt. Triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp đồng bộ và hiệu quả, đẩy mạnh liên kết sản xuất, phát huy vai trò của doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trong xây dựng chuỗi giá trị là những giải pháp mang tính bền vững.

Hành động vì nông nghiệp

Trải qua những hoàn cảnh khó khăn, vị thế và vai trò “bệ đỡ” của ngành nông nghiệp càng được khẳng định. Trung ương và tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách phát triển “tam nông”, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông thôn đáng sống, nông dân văn minh.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, như: Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025; Chương trình hành động 06-CTr/TU, ngày 29/6/2021 về phát triển HTX, tổ hợp tác (THT) gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch 167/KH-UBND, ngày 28/3/2022 về phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh An Giang; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)  Trương Kiến Thọ cho biết, cùng với triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch trên, ngành nông nghiệp còn tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các nhóm sản phẩm chủ lực. Đồng thời, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển sản xuất, đẩy nhanh quá trình phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Đẩy mạnh liên kết tiêu thụ rau màu, cây ăn trái

Tỉnh tiếp tục thực hiện và nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là “Cánh đồng lớn”, gắn thực hiện các mô hình kinh tế hợp tác của HTX kiểu mới, liên kết từ cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Sở NN&PTNT phối hợp đánh giá, tổng kết vai trò kinh tế hợp tác của các HTX kiểu mới; tuyên truyền, vận động, thực hiện các chính sách hỗ trợ tín dụng của tỉnh và Trung ương đối với phát triển HTX, kinh tế hợp tác…

Phát huy vai trò doanh nghiệp

Nhiều năm nay, An Giang được xem là điểm sáng trong đẩy mạnh liên kết sản xuất, đặc biệt là phát huy vai trò DN trong tham gia góp vốn thành lập HTX, cử nhân sự điều hành, liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào đến tiêu thụ đầu ra nông sản. Đây là giải pháp quan trọng nhằm hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị.

Năm 2023, Sở NN&PTNT An Giang cùng các sở, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời mở rộng diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa thêm 20.500ha, có 110 HTX tham gia hợp đồng liên kết. Đồng thời, hỗ trợ các tập đoàn, DN đang thu mua nông sản (Lộc Trời, Tân Long, Chánh Thu, Quốc Tế Gia, Antesco…) tiếp tục triển khai liên kết sản xuất, thu mua nông sản theo kế hoạch.

Dự kiến năm 2023, khoảng 30 DN có kế hoạch liên kết tiêu thụ với tổng diện tích 408.320ha lúa, nếp (vụ đông xuân 2022-2023 là 151.290ha, vụ hè thu 2023 là 148.155ha, vụ thu đông 2023 là 108.875ha), trong đó Tập đoàn Lộc Trời liên kết 290.000ha, Angimex 50.000ha, Quốc Tế Gia 30.000ha… Tỉnh hỗ trợ các DN làm việc cụ thể với từng địa phương về kế hoạch xuống giống theo từng tiểu vùng để triển khai liên kết, thu mua lúa, nếp; tiếp tục rà soát, ký kết biên bản ghi nhớ với các DN khác.

Đối với rau màu, năm 2023, có 8 DN lớn có kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ 9.170ha (đông xuân 3.940ha, hè thu 2.615ha, thu đông 2.615ha), trong đó Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) có kế hoạch liên kết lớn nhất (7.000ha), tập trung cho nhóm bắp non và đậu nành rau tại huyện Phú Tân và Chợ Mới. Tỉnh đang mở rộng hợp tác tiêu thụ rau màu với các đơn vị thu mua có thị trường rộng, như: Bách Hóa Xanh, Co.opmart, Winmart...

Đối với cây ăn trái, năm 2023, có 2.230ha xoài và sầu riêng được DN đăng ký tiêu thụ thông qua hợp đồng liên kết, diện tích còn lại được hầu hết các vựa, thương lái thu gom và cung cấp trực tiếp cho DN theo thỏa thuận. Tỉnh đang củng cố lại các HTX, THT làm đầu mối liên kết tiêu thụ cây ăn trái, chủ động kết nối DN tiêu thụ; đẩy nhanh cấp mã số vùng trồng...

Trong lĩnh vực chăn nuôi, dự kiến số lượng vật nuôi xuất chuồng tại các trại chăn nuôi có hợp đồng liên kết sản xuất với DN trong năm 2023, gồm: 1.500 con gia súc lớn (trâu, bò), 10.350 con gia súc (heo, dê, thỏ...), 295.000 con gia cầm. Trong khi đó, diện tích liên kết cá tra năm 2023 khoảng 1.200ha, sản lượng nuôi của các chuỗi liên kết cá tra và DN là 380.000 tấn. Ngoài ra, các đối tượng thủy sản nuôi khác cũng được liên kết, như: Lươn thương phẩm 22ha, lươn giống 2ha, ếch 2,5ha, cá lóc 4ha...

Đến nay, trên toàn tỉnh An Giang đã cấp 185 mã số vùng trồng trên cây trồng và 21 mã số cho các cơ sở đóng gói. Năm 2023, tỉnh tập trung hỗ trợ, cấp thêm 830 mã số vùng trồng, trong đó lúa, nếp 617 mã số, rau màu 130 mã số, cây ăn trái 83 mã số. Việc cấp mã số vùng trồng nhằm hướng đến sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, thuận lợi trong liên kết tiêu thụ.

 

NGÔ CHUẨN