Tất bật vụ hoa Tết

06/11/2023 - 22:27

 -  Chuẩn bị cho thị trường hoa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhiều nông dân đã tất bật làm đất, chăm bón, xuống giống hoa Tết với mong ước đón Tết ấm no, đủ đầy.

Thăm trại hoa Tám Mẫn (thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) những ngày này, nhân công ở đây bận bịu cho những công đoạn làm đất, bón phân, xuống giống hoa Tết. Chị Hỏi (nhân công trại hoa) nhanh tay cho từng chồi non xuống chậu đất với khoảng cách đều nhau một cách thuần thục. “Công việc này không cực nhọc, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ. Bởi một ngày, chúng tôi xuống giống hàng ngàn cây, nếu không cẩn thận thì ảnh hưởng sự phát triển của cây hoa sau này” - chị Hỏi chia sẻ.

Ngoài cung cấp hoa Tết, ngày thường, trại hoa Tám Mẫn chuyên cung cấp nhiều loại hoa giống cho nhà vườn khắp nơi. Ông Phan Minh Mẫn (sinh năm 1974, ngụ khóm Hòa Phú 3, thị trấn An Châu) cho biết: “Năm nay, tôi dự kiến cho ra thị trường Tết 10.000 chậu hoa các loại. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mấy năm trở lại đây, số lượng cung cấp hoa Tết có giảm, do kinh tế khó khăn.

Chúng tôi có đủ các loại hoa trưng Tết, như: Cúc mâm xôi, cúc Đài Loan, hướng dương, mào gà, vạn thọ Pháp…, nhưng nhiều nhất vẫn là hoa cúc, với hơn 20 loại. Tôi gắn bó với nghề này hơn 15 năm. Với những người trồng hoa, Tết Nguyên đán là vụ mùa quan trọng và được mọi người mong đợi nhất trong năm. Vì vậy, để có vụ mùa bội thu, bà con làm việc không quản ngày đêm để hoa khoe sắc khi vào Xuân”.

Nông dân trồng hoa Tết đang tất bật chuẩn bị mùa vụ quan trọng

Để chủ động vụ hoa Tết, không phụ thuộc vào thời tiết thất thường, ông Mẫn đầu tư khoảng 400 bóng đèn thắp sáng thâu đêm cho trại hoa của mình. Việc chong đèn chỉ dành cho giống hoa cúc, mục đích để cây hoa “không ngủ”, nghĩ đêm là ngày. Từ đó, người trồng có thể kiểm soát thời gian thu hoạch cũng như kiểm soát độ cao thích hợp. Hệ thống chiếu sáng cho trại hoa được lắp đặt với mật độ cách nhau từ 1 - 2m. Tùy điều kiện kinh tế của từng hộ mà lựa chọn các loại bóng điện có công suất khác nhau, phổ biến nhất là bóng đèn từ 15 - 20W.

“Đèn chủ yếu thắp trong giai đoạn cây con. Khi xuống giống được vài ngày là bắt đầu chong đèn. Thời điểm quyết định tắt đèn để cây nhận biết ngày và đêm, bắt đầu ra nụ mới quan trọng. Theo kinh nghiệm, tôi chọn thời điểm tắt đèn vào 20/10 (âm lịch). Cây cũng bắt đầu ra nụ sau đó không lâu. Khoảng 20 tháng Chạp, tôi bắt đầu chào hàng hoa Tết” - ông Mẫn khấp khởi. 

Đêm xuống, bóng đèn điện đồng loạt được thắp sáng trên trại hoa rộng 2ha của ông Mẫn. Ruộng hoa trở nên nổi bật giữa đêm tối, tạo cảm giác thích thú trước khung cảnh lung linh, rực rỡ. Dù có tốn chi phí cho việc sử dụng điện xuyên đêm nhưng bù lại, người trồng hoa không lo lắng số lượng hoa bị hao hụt bởi thời tiết thất thường hoặc tình trạng hoa nở sớm hay muộn. Chính lợi ích đó, nhiều năm qua, ông Mẫn vẫn kiên trì chong đèn bên ruộng hoa Tết. 

Mỗi năm, ông Mẫn đều nghiên cứu, cho ra thị trường 1 - 2 giống hoa mới. Năm nay, ông Mẫn sẽ ra mắt giống cúc mâm xôi Hàn Quốc. Đây là giống hoa nhiều cánh, bông to hơn cúc mâm xôi bình thường và có nhiều màu sắc như tím, hồng, vàng, xanh. Nhưng chủ lực phục vụ Tết vẫn là hoa cúc và vạn thọ. Đây là 2 loại hoa gắn liền với văn hóa, tín ngưỡng của người dân Việt Nam khi Tết đến, Xuân về. “Trồng hoa cúc là vất vả và tốn nhiều công sức hơn cả! Vì ngoài chong đèn, khi cây ra nụ thì phải thường xuyên tỉa nhánh, tỉa bớt nụ, để mỗi cành chỉ cho ra một bông hoa to nhất, nở đẹp nhất đúng vào dịp Tết” - ông Mẫn nói.

“Làm nghề này cứ tưởng nông nhàn, nhưng thật ra rất khó. Vì quanh năm suốt tháng, người trồng gắn liền với cây và đất, dãi nắng dầm sương, vất vả nhất là những tháng cuối năm. Khi cây hoa đã cho nụ đều, phải bảo vệ, chăm sóc tỉ mẫn từng chút một. Bên cạnh đó, phải thường xuyên tỉa bớt những nụ xung quanh nụ chính” - ông Mẫn tâm sự.

Bận rộn là vậy, nhưng với người nông dân, niềm vui lớn nhất là tạo nên những sắc hoa tươi thắm để nhà nhà có hoa chưng Tết, cúng ông bà trong những ngày Xuân. Hơn nữa, nghề trồng hoa Tết mang đến nguồn thu nhập đáng kể, giúp nhiều gia đình có cái Tết ấm no hơn. Ông Mẫn chia sẻ: “Chỉ tính riêng lợi nhuận bán hoa Tết, tôi đạt khoảng 200 - 300 triệu đồng/năm. Hy vọng năm nay, sức mua hoa Tết sẽ tăng hơn năm ngoái”.

Không chỉ giúp ông Mẫn phát triển kinh tế gia đình, trại hoa đã tạo nguồn thu nhập ổn định quanh năm cho khoảng 6 nhân công với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng. “Chị Kiều (ngụ xã Cần Đăng, huyện Châu Thành) cho hay: “Tôi gắn bó với trại hoa này hơn 5 năm. Việc làm không quá nặng nhọc, nhưng đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ, rất thích hợp với phụ nữ. Nhân công nam thì làm việc nặng hơn, như khiêng vác, làm đất… Ông Mẫn rất quan tâm nhân công và trả lương rất công bằng. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình tôi ổn định”.

Nắm bắt xu hướng thị trường, khoảng 5 năm nay, trại hoa Tám Mẫn đã đầu tư ruộng hoa với nhiều điểm nhấn được trang trí nên thu hút giới trẻ đến chụp ảnh “check-in”. Mỗi lượt người lớn, trại hoa thu phí 30.000 đồng; trẻ em 20.000 đồng/lượt. Thời gian mở cửa đón khách tham quan khoảng 1 tháng trước Tết Nguyên đán. Vụ hoa Tết về mang theo hy vọng của nhà nông. Mong rằng, mưa thuận gió hòa cho hoa thật lung linh, để mọi người, mọi nhà đón Xuân vui tươi, hạnh phúc.

PHƯƠNG LAN