Bước sang tuổi 46, bà Trần Thị Bích Ngọc lẩn quẩn với cuộc sống khó khăn ở xã cù lao Bình Thạnh (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang). Bà đếm những vất vả của mình, nén buồn thương trong từng câu nói: “Nhà tôi có 5 người. Ba tôi bị tai biến, nằm một chỗ. Mẹ tôi bị bệnh tim và nhiều bệnh nặng khác. Chồng tôi mấy lần phẫu thuật thay khớp háng. Con tôi đang học lớp 11. Trong nhà, chỉ còn tôi khỏe mạnh, gồng gánh mọi việc. Gia đình tôi chỉ có hơn 1 công đất trồng bắp cải, 3 tháng thu hoạch một lần. Thời gian này, tôi đi làm thuê đủ thứ, ai kêu gì cũng ráng nhận lời”.
Trở thành “hộ nghèo có sổ”, họ được hỗ trợ bảo hiểm y tế, tiếp cận những chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước, địa phương, phần nào vượt qua khó khăn trước mắt. Giữa tháng Chạp, bà Ngọc và 29 hộ nghèo, khó khăn khác được UBND xã Bình Thạnh mời đến nhận quà “của tỉnh”. Giỏ quà nặng trĩu, cùng với tiền mặt, tổng cộng khoảng 700.000 đồng, giúp lòng bà vơi đi phần nào nỗi lo đón Tết.
“Nhà tôi làm gì dám nghĩ đến sắm Tết đầy đủ như người khác. Ăn uống hàng ngày đã phải nhín nhút, hà tiện từng chút mới tạm đủ. Tết thì trong nhà nhiều hơn dĩa trái cây trên bàn thờ, nấu thêm 1 – 2 món ăn chay cúng ông bà, đơn sơ lắm. Năm nay có giỏ quà của địa phương tặng, coi như bàn thờ ông bà xôm tụ, ấm cúng hơn rồi” – bà vui mừng.
Bí thư Đảng ủy xã Bình Thạnh Nguyễn Hữu Tân thông tin: “Những phần quà trị giá vật chất không lớn, nhưng là sự nỗ lực rất lớn của chính quyền các cấp, góp phần lan tỏa yêu thương, chia sẻ cùng cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho người nghèo theo phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chúng tôi rất mong những nghĩa cử này giúp bà con ấm lòng, có cái Tết trọn vẹn hơn. Trong điều kiện khó khăn, bà con cố gắng ăn Tết tiết kiệm, gói ghém, sau đó phấn đấu phát triển kinh tế gia đình, sớm thoát nghèo”.
Những phần quà dành cho gia đình chính sách chất chứa niềm tri ân, nối dài truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Sáng sớm, đại tá Huỳnh Trí (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) mặc quần áo chỉnh tề, chuẩn bị sẵn nước sôi pha trà, bánh trái chờ đoàn công tác Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh đến thăm.
Về hưu mấy mươi năm, chứ lòng ông vẫn đau đáu hướng về xã hội, theo dõi mọi sự thay đổi của cuộc sống, nhịp sống của người dân quanh mình. Một bên tai bị hỏng 100%, tai còn lại suy giảm 60%, ông tập trung lắng nghe Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Đỗ Tấn Kiết thông tin tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2023, những tín hiệu khởi sắc toàn tỉnh.
“Theo dõi thông tin trên báo chí, qua những lần họp mặt cuối năm, tôi rất mừng, tin chắc rằng tỉnh còn phát triển đi lên, chứ không chỉ dừng lại ở đây. Nhiều người dân sống qua các thời kỳ chia sẻ với tôi, chưa bao giờ họ cảm nhận được sự thay đổi rõ nét thế này. Mỗi năm, biết bao nhiêu căn nhà được xây cho người nghèo. Đảng, Nhà nước lo cho người dân từ Nam chí Bắc, từ cái ăn đến chuyện ở, khám, chữa bệnh. Sự ưu việt của chế độ, của Nhà nước ta thể hiện trong tính nhân văn, quan tâm chăm lo mọi mặt cho dân” – đại tá Huỳnh Trí bày tỏ.
Đồng chí Đỗ Tấn Kiết nhấn mạnh: “Tết năm nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh tổ chức 6 đoàn đi thăm, chúc Tết lực lượng vũ trang, gia đình chính sách, hộ nghèo… toàn tỉnh. Trong những kết quả nổi bật tỉnh đạt được năm 2023, có sự đóng góp rất lớn của từng đơn vị quân đội, công an đứng chân trên địa bàn. Cán bộ, chiến sĩ tăng cường trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là cao điểm lễ, Tết, tạo môi trường thuận lợi để tỉnh phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì thế, các đoàn công tác tranh thủ thời gian đến thăm, chúc Tết từng đơn vị, thay lời động viên cán bộ, chiến sĩ vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao phó”.
Mùa này, phóng viên, nhà báo chúng tôi cũng hối hả theo chân các đoàn công tác đi chúc Tết khắp nơi trong tỉnh, chuyến đi này nối tiếp chuyến đi khác. Những hoạt động thường ngày gần như “tạm nhường chỗ” cho các chuyến thăm, đón tiếp. Những bản tin “thăm hỏi, tặng quà Tết” xuất hiện dày đặc mỗi ngày. Nhưng chính sự hối hả, hoạt động đặc trưng ấy mới tạo nên không khí Tết vui tươi, tràn ngập sắc màu của thời điểm sắp chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Bận rộn và mệt nhoài vì lịch công tác kín mít, nhưng chẳng ai nỡ phiền lòng. Mà ngược lại, quá trình cho đi – nhận lại làm mỗi người cảm thấu rõ nét hơn nghĩa tình ngày Xuân. Chúng ta trao đi niềm vui, nhận lại nụ cười, gặp những người dân mới, thăm những “người muôn năm cũ”, để trân trọng thêm điều tốt đẹp mình đã có ở quá khứ, đang có ở hiện tại, sẽ có ở tương lai.
VẠN LỘC