Tết ở chốt dân quân

10/01/2023 - 07:39

 - Đêm giao thừa, vẫn có bánh tét, có nồi thịt kho đậm mùi Tết cổ truyền. Vẫn có hoa mai vàng rực bên tượng Bác Hồ, mâm ngũ quả vun đầy. Chỉ khác, Tết ở chốt dân quân thường trực biên giới đầy hối hả, nặng gánh lo “thức cho dân vui xuân”.

Chiến sĩ ở “ốc đảo”

Nếu như chưa biết chốt dân quân thường trực bảo vệ biên giới là gì, người đọc có thể hình dung rằng, đó là nơi sinh hoạt, bố trí công sự trận địa (như hầm chỉ huy, lô cốt, hào cơ động, hào chiến đấu…) bảo đảm yếu tố kỹ thuật, chiến thuật trong hoạt động chiến đấu của dân quân. Chốt được xây dựng gần biên giới, xa khu dân cư, như “ốc đảo” bên dòng kênh.

Những năm gần đây, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 chỉ đạo các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang xây dựng, duy trì chốt dân quân thường trực trong cụm dân cư biên giới. Hoạt động nhằm bảo đảm cho nhân dân yên tâm phát triển sản xuất, góp phần xây dựng thế trận quân sự làng, xã chiến đấu, củng cố khả năng phòng thủ, bảo vệ tuyến biên giới.

Kể từ đó, dân quân các địa phương biên giới thường xuyên phối hợp với bộ đội biên phòng, công an và các lực lượng liên quan bảo vệ biên giới quốc gia, mốc giới; đấu tranh ngăn chặn đối tượng có hành vi vi phạm, xâm phạm lãnh thổ biên giới, vượt biên, nhập cư, cư trú trái phép, khai thác trái phép tài nguyên và những hành vi xâm phạm chủ quyền, lợi ích quốc gia; chủ động đấu tranh phòng, chống âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch; chống buôn lậu, vận chuyển vũ khí trái phép, chất cháy nổ, ma túy, văn hóa phẩm độc hại; kiểm tra hàng hóa xuất, nhập khẩu qua biên giới theo quy định của pháp luật...

Ngoài ra, dân quân thường trực và chốt dân quân biên giới trong tỉnh phối hợp tốt với các lực lượng trong giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, lao động sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Có thể khẳng định, hoạt động của chốt dân quân thường trực bảo vệ biên giới là phương án khả thi cho công tác tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng ở cơ sở trong điều kiện thời bình.

Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) xã An Phú (huyện Tịnh Biên) Võ Tấn Đức chia sẻ: “Ngày thường, nhiệm vụ của anh em trong chốt dân quân biên giới đã vất vả, áp lực hơn so với lực lượng ở nội địa. Theo quân số được giao, từng người phải chia ca trực sẵn sàng chiến đấu, tuần tra kiểm soát địa bàn, đặc biệt là khu vực chốt quản lý. Đến ngày lễ, Tết, chúng tôi phải trực đầy đủ hơn, hạn chế giải quyết phép. Hầu như anh em trực chung (từ thời điểm người dân được nghỉ Tết đến hết mùng 6), không chia đợt như lực lượng khác. Trực Tết chắc chắn vất vả hơn ngày thường. Bởi vậy, chúng tôi xốc vác tinh thần chiến sĩ, tăng cường tuần tra biên giới, không nề hà việc khó, việc khổ”.

Xuân cho người, cho mình

Cực cỡ nào thì cán bộ, chiến sĩ dân quân vẫn có Tết của riêng mình. Họ bận rộn trang trí bàn thờ Tổ quốc, kho nồi thịt thơm phức, dọn dẹp chốt thật gọn. Từ sau ngày đưa ông Táo về trời đến chiều 30 Tết, các anh đón tiếp nhiều đoàn cán bộ địa phương đến thăm hỏi, chúc Tết rộn ràng. Sau 22 giờ, chốt dân quân trở lại không gian vắng lặng. Phía trước chốt là màn đêm đen kịt, phủ khắp ruộng lúa, phủ luôn đường biên, cột mốc. Gió lạnh thoải mái bung mình trong không gian mênh mông của cánh đồng, chẳng có gì chặn lại.

Nhưng trong chốt vẫn ấm áp và sáng đèn. Khi ấy, cán bộ, chiến sĩ quây quần bên nhau, cùng ly trà, miếng bánh, nghe lời chúc tết của Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, xem pháo hoa vui tươi qua màn hình ti-vi, điện thoại di động. Rồi họ cùng chúc mừng nhau, chia sẻ vui buồn với nhau. Thời khắc ấy, họ là gia đình của nhau, bên nhau đón Tết đoàn viên, động viên nhau vượt qua khó khăn đặc thù của binh nghiệp, tiếp thêm tinh thần ngày đầu năm.

Chi bộ Quân sự xã An Phú có 10 đảng viên, thì 3 người ở chốt dân quân Trường Cá. Trong đó, đảng viên Nguyễn Văn Cảnh gắn bó với Ban CHQS xã An Phú đã 8 năm, gần như “lão làng”. “Trong 8 năm này, tôi trực ở chốt 2 mùa Tết. Nhà gần, tôi mong muốn chia sẻ công việc với đơn vị, cùng ăn Tết quây quần với anh em cho vui” - anh Cảnh chia sẻ. Đảng viên Nguyễn Văn Lượm vừa chuyển công tác về chốt 3 tháng nay. Nhưng anh đã có thời gian dài tham gia công tác ở xã Lương Phi (huyện Tri Tôn), nhiều lần theo đoàn đi tuần tra kiểm soát biên giới ngày Tết. “Bởi vậy, công việc tuần tra biên giới tôi không xa lạ gì. Tuy nhiên, Tết Nguyên đán 2023 là năm đầu tiên tôi trực ở chốt dân quân. Tôi rất mong chờ được cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ, đón xuân đặc biệt ở chốt biên giới” - anh Lượm bày tỏ.

Năm nào cũng vậy, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn) Nguyễn Văn Chính thường đi với các đoàn công tác của địa phương, đến thăm và gửi tặng Ban CHQS các xã, thị trấn trên địa bàn - đặc biệt là các chốt dân quân - những món quà đầu xuân, kèm lời chúc thâm tình. “Cao điểm Tết, chúng ta tiếp tục khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, “vui xuân mới không quên nhiệm vụ”, bảo vệ bình yên biên cương Tổ quốc, để nhân dân đón xuân vui tươi, lành mạnh. Xuân đến, nhiệm vụ đặt ra càng nặng nề hơn. Rất mong cán bộ, chiến sĩ phối hợp tốt với các lực lượng, tăng cường tuần tra biên giới, đảm bảo an ninh chính trị, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ”- ông Chính nhắn nhủ.

Những cán bộ, chiến sĩ dân quân ở biên giới An Giang mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, đều chẳng mong ước gì cho riêng mình. Điều duy nhất họ mong muốn là bà con nhân dân được tạo điều kiện vui xuân đón Tết, quê hương mình bình yên, biên giới được giữ vững!

GIA KHÁNH

 

Liên kết hữu ích