Thách thức trong điều trị đột quỵ

05/12/2023 - 06:55

 - Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam, trong đó có đột quỵ não (tai biến mạch máu não). Nếu trước đây, bệnh thường gặp ở độ tuổi sau 50, thì những năm về sau, độ tuổi ngày càng trẻ hóa.

TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế thông tin: “Hàng năm, An Giang có khoảng 5.000 - 6.000 trường hợp mắc đột quỵ mới, trong đó có gần 80% trường hợp đột quỵ là nhồi máu não. 75% trường hợp bị đột quỵ ở tuổi trên 50. Gần đây, tỷ lệ người mắc đột quỵ ở tuổi trẻ đang có xu hướng tăng. Năm 2018 là 5.827 trường hợp, năm 2019 là 6.029 trường hợp, năm 2020 là 6.934 trường hợp, năm 2021 là 5.892 trường hợp, năm 2022 là 7.106 trường hợp, 9 tháng của năm 2023 có khoảng 6.000 ca đột quỵ”.

Là một trong những chuyên gia đầu ngành trong điều trị đột quỵ, TS.BS Trần Chí Cường (Giám đốc Chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ) cho biết, nếu trước đây, đột quỵ thường trên 40 tuổi, thì gần đây, có những trẻ em dưới 18 tuổi không có yếu tố nguy cơ gì, chỉ sau nhiễm COVID-19 bị đột quỵ huyết khối mạch máu não, một số trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, ghi nhận nhiều bệnh nhân bị tắc nghẽn động mạch vành mà không do xơ vữa.

“Với sự phát triển không ngừng của khoa học - kỹ thuật và công nghệ, hiện chúng ta đã nhìn thấy được tất cả các mạch máu trong tim, trong não và định vị được chỗ nào tắc nghẽn, chỗ nào có thể khai thông. “Thời gian vàng” gần như là yếu tố rất khó để bác sĩ có thể tác động được vì liên quan nhiều đến cộng đồng. Trước khi nhập viện, “thời gian vàng” liên quan kiến thức trong cộng đồng của người dân, nghĩa là từ lúc bệnh nhân xảy ra triệu chứng tới lúc bệnh nhân vào bệnh viện. Từ lúc bệnh nhân đến cửa phòng cấp cứu, cho đến vào phòng mổ hoặc bệnh nhân được tiêm thuốc tan máu đông. Yếu tố khoa học - kỹ thuật và công nghệ phải đi đôi. Nếu không phối hợp được tất cả yếu tố đó, rất khó để cứu được bệnh nhân” - TS.BS Trần Chí Cường đánh giá.

Chăm sóc và điều trị bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Tim mạch An Giang

Chuyên gia này cho rằng, với trang thiết bị y tế hiện đại ngày nay, chỉ cần chụp MRI 3 testla, bác sĩ có thể dễ dàng quan sát toàn cơ thể một cách rõ ràng, với một lát cắt chiều dày 1mm hoặc với hình ảnh thực tế xem màn hình co bóp trên tim. Với công nghệ máy móc, có thể nhìn thấy, quan sát rõ ràng từng sợi thần kinh, mạch vành, mạch máu từ 1mm trở lên. Do vậy, việc bác sĩ tái thông lại mạch vành, tái thông lại mạch máu não, cũng như gây tắt nghẽn 1 mạch máu não đang vỡ, đang chảy hoàn toàn khả thi, với điều kiện bệnh nhân còn có thể cho phép cứu được trong “thời gian vàng”, có thể giảm nguy cơ tử vong và tàn phế rất cao.

Thời gian qua, An Giang từng bước hoàn thiện hơn năng lực điều trị đột quỵ tại các cơ sở y tế. TS.BS Trần Quang Hiền thông tin: “Qua thống kê và đánh giá về tình hình đột quỵ, Sở Y tế đã chủ động tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án mạng lưới cấp cứu đột quỵ dựa vào cộng đồng vào đầu năm 2020, nhằm kết nối mạng lưới cấp cứu đột quỵ ngoài cộng đồng và các cơ sở điều trị đột quỵ. Thành lập mới, bổ sung trang thiết bị, đào tạo, cập nhật, nâng cao năng lực tiếp nhận và điều trị đột quỵ cho nhân viên y tế. Phối hợp tăng cường truyền thông về đột quỵ.

Qua thời gian triển khai, tỷ lệ người bệnh đột quỵ đến sớm trong “giờ vàng” tăng từ 3% (năm 2019) lên gần 20% (năm 2023). Nhiều người bệnh đột quỵ đến sớm được điều trị kịp thời, phục hồi chức năng sau điều trị. Hàng chục trường hợp được can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ sau khi sử dụng thuốc tiêu sợi huyết không hiệu quả; số ca được điều trị, giảm tử vong, phục hồi chức năng của người bệnh đột quỵ năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ di chứng ở mức thấp”.

An Giang là một trong những tỉnh ở ĐBSCL triển khai và phát triển sớm hệ thống điều trị đột quỵ. Tháng 8/2023, tỉnh vinh dự có 3 đơn vị điều trị đột quỵ được nhận giải thưởng Bạch kim do Hội đột quỵ thế giới trao tặng (WSO Angels Awards), gồm: Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, Bệnh viện Tim mạch An Giang và Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh. Quy trình báo động đỏ trong cấp cứu đột quỵ đang dần phổ biến hơn tại các bệnh viện, cơ sở y tế, thể hiện nỗ lực lớn trong ưu tiên cấp cứu “thời gian vàng”, mở ra cơ hội cứu sống bệnh nhân ngay từ tuyến cơ sở.

“Sở Y tế sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục triển khai thêm các đơn vị điều trị đột quỵ ở tuyến huyện, như: Phú Tân, Thoại Sơn, Châu Phú, An Phú, nhằm tăng tỷ lệ người bệnh đột quỵ đến bệnh viện sớm trong “giờ vàng”, giảm tỷ lệ di chứng và tử vong do đột quỵ” - TS.BS Trần Quang Hiền nhấn mạnh.

 

HẠNH CHÂU