Đối với các nước Liên minh châu Âu, Brexit là một cú sốc thế kỷ, đến vào đúng thời điểm mà châu Âu đang phải đối mặt với các thách thức lớn nhất trong hơn nửa thế kỷ qua.
Cờ Anh và cờ EU. Ảnh: Quillette
Vào tháng 6/2016, khi các cử tri Anh bỏ phiếu lựa chọn rời EU trong cuộc trưng cầu ý dân, EU đang cùng lúc phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng mang tính sống còn khác. Một, là cuộc khủng hoảng người tị nạn bùng phát cuối năm 2015, khi hàng triệu người tị nạn Syria, Iraq, Bắc Phi… đổ về châu Âu, khiến bản thân các nước châu Âu đứng trước sức ép khủng khiếp, trong khi nội bộ EU thì chia rẽ nghiêm trọng vì bất đồng trong việc san sẻ gánh nặng và trách nhiệm.
Năm 2016 cũng là thời điểm mà cuộc khủng hoảng nợ công dù đã đi qua giai đoạn nghiêm trọng nhất nhưng vẫn đang rất phức tạp, kinh tế của hầu như toàn bộ các nước châu Âu đều không tăng trưởng và nguy cơ suy thoái trở lại rất cao. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến môi trường địa chính trị bất ổn tại châu Âu sau cuộc khủng hoảng Ukraina khiến quan hệ giữa châu Âu với Nga đặc biệt căng thẳng.
Vì thế, Brexit diễn ra vào lúc đó giống như một cơn ác mộng với EU và các nhà lãnh đạo EU phải đối mặt với thách thức: hoặc là đoàn kết lại đội ngũ để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi thành lập khối, hoặc để Brexit biến thành một cơn dịch bệnh, tạo ra một hiệu ứng domino, kéo theo sự ra đi của một số nước khác, vào thời điểm đó nổi bật là Hy Lạp.
Lựa chọn thái độ của EU khi đó rất rõ ràng: phải đoàn kết và có một tiếng nói chung duy nhất cứng rắn với phía Anh. Thực tế cho thấy là cho đến nay, đây có thể xem là thành công lớn nhất của EU.
Trong 3 năm qua, EU chia rẽ gần như về mọi thứ: từ việc phân bổ quota tiếp nhận người tị nạn, tranh cãi về thay đổi chính sách với Nga, việc tuân thủ kỷ luật ngân sách cho đến tham vọng cải tổ EU từ phía Pháp, thậm chí mâu thuẫn gay gắt giữa một nhóm các nước Đông Âu, gọi là nhóm Visegrad gồm Ba Lan, Hungary, CH Czech và Slovakia với các nước Tây Âu về nhà nước pháp quyền, về chủ nghĩa dân tuý… Chỉ có duy nhất một chủ đề đoàn kết được cả 27 nước: thái độ với Anh trong hồ sơ Brexit. Đây là sự đoàn kết hiếm có từ trước đến nay của các nước EU.
Tất nhiên, tác nhân thúc đẩy sự đoàn kết đó là ý thức về sự tồn tại của khối. EU buộc phải cứng rắn với Anh để răn đe bất cứ một nước nào khác có ý định bước theo Anh. Ngoài ra, Brexit mang lại quá nhiều hệ luỵ không chỉ về kinh tế mà còn về an ninh, về môi trường địa chính trị nên EU không thể có một thái độ yếu ớt trong việc này.
Ngoài ra, cũng phải kể đến một yếu tố khác, đó là trong những tháng đầu tiên sau Brexit, chính phủ Anh của bà Theresa May cũng mang một quan điểm rất cứng rắn. Tháng 3/2017, tức khi chính thức đưa ra đường lối đàm phán Brexit, bà Theresa May tuyên bố “Brexit là Brexit” và nước Anh muốn dứt hoàn toàn khỏi EU. Trước quan điểm Brexit cứng đó thì EU buộc phải đáp trả tương tự.
Tất nhiên, thực tế cho thấy là cuối cùng bà Theresa May đã phải thay đổi hoàn toàn quan điểm, và nhượng bộ trong hầu như tất cả các vấn đề với EU để có được một thoả thuận vào tháng 11/2018, dù sau đó thoả thuận 3 lần bị Hạ viện Anh bác bỏ và bà May cũng mất chức Thủ tướng vào tay ông Boris Johnson.
Về tổng thể, trong 3 năm qua, thái độ của EU với Brexit là nhất quán, đoàn kết và chặt chẽ hiếm có. Các rạn nứt chỉ bắt đầu trong nửa năm qua, từ tháng 3/2019, khi các nước tranh cãi có gia hạn Brexit cho Anh hay không, và trong bao lâu. Đây là lần đầu tiên có sự bất đồng lớn giữa Đức và Pháp, 2 đầu tàu của EU, khi Pháp theo đường lối cứng rắn còn Thủ tướng Đức Angela Merkel lại muốn kiên nhẫn hơn với Anh.
Giờ đây, sau 3 lần gia hạn Brexit, EU coi như đã chấp nhận chờ đợi nước Anh giải quyết xong các bế tắc chính trị nội bộ, dù hầu hết các nước đã rất mệt mỏi và muốn Brexit kết thúc càng sớm càng tốt.
Theo QUANG DŨNG (VOV)