Tham gia tự nguyện có được rút bảo hiểm xã hội 1 lần?

04/06/2024 - 06:47

 - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi) báo cáo Chính phủ trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án rút BHXH 1 lần đối với người tham gia BHXH tự nguyện, thay vì 1 phương án như trước đây.

Đề nghị thêm phương án

Theo dự luật trước đây, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 2 phương án BHXH 1 lần đối với người tham gia BHXH bắt buộc. Cụ thể, người lao động (NLĐ) có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (dự kiến ngày 1/7/2025), sau 12 tháng không tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện và thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, được rút BHXH 1 lần. Sau ngày luật có hiệu lực sẽ không được giải quyết. Tuy nhiên, quy định này có nhiều ý kiến trái chiều, nên dự thảo luật đề xuất thêm phương án 2. Theo đó, sau 12 tháng NLĐ không tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH 1 lần, nhưng không quá 50% tổng thời gian đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để tiếp tục tham gia khi có điều kiện và hưởng chế độ BHXH. Như vậy, quy định về BHXH 1 lần của người tham gia BHXH tự nguyện và bắt buộc đều có 2 phương án giống nhau.

Công nhân làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội 1 lần

Qua lấy ý kiến NLĐ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin, công đoàn các cấp đề nghị theo phương án 2. Đây là cách đảm bảo quyền lợi lâu dài cho NLĐ, họ thụ hưởng an sinh xã hội, cũng là cơ hội để tiếp tục tham gia BHXH, bảo đảm có lương hưu khi về già. Bên cạnh đó, trong tương lai, phương án 2 thiết kế hệ thống BHXH linh hoạt. “Nhiều NLĐ không muốn tham gia BHXH do thời gian đóng quá dài, khi giải quyết nhu cầu cá nhân, hộ gia đình không được rút tiền. Từ đó, thiết kế BHXH nên cho phép NLĐ có thể rút ra một phần thu nhập đã đóng góp để bảo đảm cho một số nhu cầu của gia đình…

Đề nghị chế độ thai sản 4 triệu đồng

Dự thảo luật đã bổ sung chế độ thai sản với người tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, người tham gia được hưởng 2 triệu đồng khi sinh con, thay vì chỉ nhận chế độ lương hưu và tử tuất như hiện nay. Đối với lao động nữ là người dân tộc thiểu số hoặc người Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, ngụ xã, thôn đặc biệt khó khăn, khi sinh con, ngoài 2 triệu đồng vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. Trường hợp NLĐ được Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHXH thì khi rút BHXH 1 lần chỉ được nhận phần mình đóng. Mức trợ cấp như đề xuất là quá thấp, không đáp ứng chi phí trong thời gian mang thai, sinh con. Thêm vào đó, căn cứ mức sống của từng vùng thì trợ cấp chưa đáp ứng nhu cầu cho người mẹ sinh con. Từ đó, đề nghị cần tăng lên mức trợ cấp để đảm bảo thực hiện chủ trương thu hút người tham gia BHXH tự nguyện.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thông qua các hội nghị, cuộc họp, nhiều công đoàn viên đề nghị Nhà nước nâng lên mức hỗ trợ. Theo tiêu chuẩn, phụ nữ nghỉ thai sản ít nhất 14 tuần, chỉ tương đương 145.000 đồng/tuần (khoảng 600.000 đồng/tháng), bằng 40% mức chuẩn nghèo khu vực ở nông thôn. Đây là mức hỗ trợ thấp, chẳng thấm tháp vào đâu. Tại các cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đây có ý kiến đề nghị, nếu 2 vợ chồng cùng tham gia BHXH tự nguyện, lúc sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản là 4 triệu đồng, gấp đôi so với gia đình có cha hoặc mẹ đóng BHXH tự nguyện.

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị, không quy định mức trợ cấp thai sản cứng trong luật mà linh hoạt, hoặc giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay Chính phủ quyết định. Bên cạnh đó, có ý kiến tăng lên mức 4 triệu đồng, gia đình có cả mẹ cha tham gia BHXH thì mức hưởng là 6 triệu đồng… Nhận định về các vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đây là quy định mới, khi thông qua, triển khai cần sự đồng thuận cao, quy định cụ thể mức khởi điểm trong dự luật, giao Chính phủ điều chỉnh phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách Nhà nước.

Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính, năm 2025 sẽ có khoảng 80.700 trẻ em được hưởng chính sách chế độ thai sản (do cha hoặc mẹ tham gia BHXH tự nguyện), năm 2030 là 138.000 người. Qua đó, kinh phí từ ngân sách Nhà nước để thực hiện chính sách của năm 2025 (6 tháng) khoảng 81 tỷ đồng, của cả giai đoạn 2025 - 2030 là 1.201 tỷ đồng.

N.R