Thăm lăng Khải Định

02/02/2025 - 07:18

 - Đến nay, lăng mộ vua Khải Định (1885 - 1925), vị Hoàng đế thứ 12 triều Nguyễn là công trình có giá trị nghệ thuật bậc nhất và cũng là di tích đặc biệt mà bất cứ ai đến với Huế không thể bỏ qua. Trải qua các cuộc chiến tranh nhưng công trình vẫn tồn tại nguyên vẹn, bởi những nguyên vật liệu được “nhập khẩu” từ nước ngoài cùng các chất liệu màu độc đáo, qua bàn tay của nghệ nhân đã tạo nên một bức tranh tuyệt sắc mà không một côn trùng nào có thể vào trú ẩn được bên trong khu lăng.

Cung Thiên Định điểm nhấn thu hút của lăng Khải Định

Lần đầu tiên đến với vùng đất Huế, cảm nhận là sự yên bình và nhẹ nhàng. Bởi có thể nơi đây, vẫn còn lưu truyền dấu ấn nền văn hóa một thời phong kiến của người Việt xưa nên cuộc sống không thay đổi nhiều, không quá ồn ào nhưng pha lẫn một chút nhộn nhịp của tiếng cười vui du khách đến tham quan. Cuối tháng 8, thời tiết ở đây đang vào mùa mưa, những cơn mưa nhẹ có lúc nặng hạt đã làm khung cảnh vùng đất cố đô càng trở nên thơ mộng và tĩnh lặng.

Bên cạnh những con phố nhộn nhịp ở trung tâm cố đô Huế, cách đó không xa mọi người có thể bắt gặp một công trình kiến trúc tuyệt đẹp, nổi bật được thiết kế công phu, tinh xảo, mang đầy giá trí nghệ thuật tọa lạc tại núi Châu Chữ (xã Thủy Bằng, TX. Hương Thủy). Đó là lăng mộ vua Khải Định (lăng Khải Định), ngoài có kiến trúc nổi bật, đây còn là công trình xây dựng cuối cùng của triều Nguyễn (1802 - 1945). Nằm ngay trên triền núi, lăng Khải Định lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, là minh chứng cho sự giao thoa văn hóa Việt Nam với các nước phương Tây nổi bật một thời.

Lăng Khải Định có lối kiến trúc giao thoa hài hòa giữa phong cách Á - Âu, cổ điển và hiện đại. Bên cạnh đó, lăng tẩm của vị vua triều Nguyễn còn nằm ở khu vực có nhiều cây xanh của núi đồi bao phủ, khe suối bao quanh, tạo một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ giúp cho lăng Khải Định trở thành lăng tẩm độc đáo nhất trong các lăng mộ, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Ngoài ra, đây cũng là công trình có nhiều giá trị nghệ thuật và kiến trúc, được xem là đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình bằng sành sứ và thủy tinh thời bấy giờ.

Để đến được lăng phải di chuyển qua nhiều đoạn đường quanh co, uốn lượn tạo cho du khách cảm giác thú vị. Xa xa lăng nhìn như một tòa lâu đài nguy nga rộng lớn nằm trên ngọn đồi nhưng rất cổ kính. Đến nơi, hình ảnh đầu tiên làm cho tôi không khỏi trầm trồ là những chất liệu dù đã trải qua thời gian, rêu phong bao phủ, nhưng vẫn còn giữ được sự nguyên vẹn của một kiến trúc độc đáo. Để vào bên trong lăng, phải trải qua hàng chục bậc thang khá cao như thách thức sự kiên nhẫn của từng đôi chân khi đến đây. Theo chân hướng dẫn viên lắng nghe thuyết minh, được biết lăng Khải Định còn có tên gọi khác là Ứng Lăng, được chính vua Khải Định chọn đất và cho khởi công xây dựng từ năm 1920 kéo dài đến năm 1931 mới hoàn thành. Tổng thể lăng Khải Định là một khối nổi hình chữ nhật, chiều cao đến 127 bậc thang, qua 37 bậc đầu tiên là cổng Tam Quan, tiếp đến là Nghi Môn và sân Bái Đính, trên cao là 2 tầng sân, mỗi tầng cách nhau 13 bậc, cung Thiên Định nằm ở vị trí cao nhất và cũng là nơi quan trọng nhất trong lăng.

Tượng vua Khải Định bằng đồng mạ vàng ngồi trên ngai vàng được đúc theo tại Pháp năm 1922

Cung Thiên Định là kiến trúc chính của lăng, được xây dựng công phu và tinh xảo, thu hút mọi người khi đến tham quan chiêm ngưỡng. Toàn bộ nội thất trong cung đều được trang trí phù điêu ghép bằng sành sứ và thủy tinh. Đó là những bộ tranh tứ quý, bát bửu, ngũ phúc, bộ khay trà, vương miện... kể cả những vật dụng rất hiện đại như đồng hồ báo thức, đèn dầu hỏa... cũng được trang trí nơi đây. Công trình gồm 5 phần liền nhau. Hai bên là tả, hữu trực phòng dành cho lính hộ lăng; phía trước là điện Khải Thành, nơi có chân dung vua Khải Định; chính giữa là bửu tán, pho tượng nhà vua ở trên và mộ phần phía dưới; trong cùng là khám thờ bài vị của vua.

Bên dưới bửu tán là pho tượng đồng của Khải Định được đúc tại Pháp năm 1920, thực hiện theo yêu cầu của vua Khải Định. Thi hài nhà vua được đưa vào dưới pho tượng bằng một toại đạo dài gần 30m, bắt đầu từ phía sau Bi Đình. Phía sau ngôi mộ, vầng mặt trời đang lặn như biểu thị cái chết của vua. Đáng chú ý nhất là, trên trần của cung Thiên Định là bức “Cửu long ẩn vân” do nghệ nhân Phan Văn Tánh vẽ bằng cả chân và tay. Bên cạnh kiệt tác “Cửu long ẩn vân” được xem là bức tranh trên trần nhà lớn nhất Việt Nam, tại huyệt mộ vua Khải Định còn có biểu tượng mặt trời rất lớn. Các hướng dẫn viên khi thuyết minh cho du khách về bức phù điêu này đều nói rằng, đây là mặt trời đang lặn với hàm ý nhà vua đã băng hà.

Với lối kiến trúc mang giá trị nghệ thuật đặc biệt, bởi cái mới, cái lạ, cái độc đáo, cái ngông nghênh, lạc lõng... Lăng Khải Định được người đời sau đặt ra ngoài dòng kiến trúc truyền thống thời Nguyễn. Ngoài Ứng Lăng, dấu ấn vua Khải Định còn nằm ở hàng loạt công trình kiến trúc nổi tiếng khác của cung đình Huế, như: Cung An Định, các lầu Kiến Trung, Thái Bình, cửa Hiển Nhơn, Chương Đức... thổi luồng sinh khí mới vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Nằm trong các di tích thuộc quần thể Di tích Cố đô Huế, lăng Khải Định là địa điểm có kiến trúc độc đáo, tuyệt đẹp, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1993.

Khải Định lên ngôi năm 1916 ở tuổi 31. Ngay sau khi lên ngôi, ông đã cho xây dựng và hoàn thiện nhiều cung điện, công trình trong Hoàng thành Huế. Ông là vị vua cuối cùng xây dựng lăng tẩm cho chính mình. Năm 1920, lên ngôi sau 4 năm ông đã bắt đầu xây dựng Ứng Lăng để làm nơi yên nghỉ của mình. Chỉ 5 năm sau khi bắt đầu xây lăng, Khải Định đã băng hà. Đến 6 năm sau khi ông mất, tức mất đến 11 năm, Ứng Lăng mới hoàn thiện năm 1931 bởi con trai ông, hoàng đế Bảo Đại.

NGUYỄN HƯNG