Niềm vui của thành viên nhóm rau, củ, quả khi nhận được rau
Nhớ lại những ngày dịch bệnh COVID-19 cao điểm, các thành viên trong nhóm thiện nguyện đều cho rằng, đó là “những ngày không quên”. Đa phần đều là những người đã có tuổi nhưng hầu như ai cũng hoạt động hết “công suất” trong những ngày dịch bệnh diễn biến căng thẳng với một suy nghĩ vô cùng giản đơn, nếu thiếu hụt phần rau, củ, quả của nhóm thì bà con, bệnh nhân nghèo sẽ như thế nào.
Là nhóm trưởng, chị Nguyễn Kim Luyến vừa tất bật các hoạt động cùng anh em, vừa chia sẻ tình hình hoạt động của nhóm trong những ngày dịch bệnh: “Thời điểm ấy, nhóm chúng tôi được Hội Bảo trợ Người tàn tật, Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo TP. Long Xuyên xin cho giấy đi đường để hoạt động từ thiện nhưng không quá giờ quy định của ngành chức năng. Thông thường, khoảng 16 giờ, chúng tôi đến chợ đầu mối TP. Long Xuyên thu gom rau củ rồi phân phát, chở đi giao đến 20-21 giờ tối mới xong. Mấy tháng thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, nhóm phải tranh thủ từng phút thu gom rau, củ, quả. Tất cả mọi việc đều phải đảm bảo trước giờ quy định. Vậy mà nhiều lúc nhóm không kịp giờ. Không ít lần, xe vận chuyển rau, củ quả quá giờ quy định (18 giờ). Thời điểm đó, bà con nghèo, nhất là khu vực phong tỏa rất cần rau, củ quả nên chúng tôi động viên nhau cố gắng hết mình”.
Theo chia sẻ của Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật, Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo TP. Long Xuyên Nguyễn Thị Bảo Châu, xuyên suốt mùa dịch, hội đã duy trì tốt chương trình “Tiếp lửa yêu thương trong mùa dịch”. Đến giữa tháng 10-2021, hội đã hỗ trợ hơn 1,8 tỷ đồng. Chỉ riêng nhóm rau, củ, quả đã thu gom trên 2.000 tấn rau, củ các loại, vận chuyển 15 tấn gạo phục vụ các bếp ăn từ thiện với tổng số tiền hơn 300 triệu đồng. Điểm đáng quý là dù vất vả nhưng các thành viên trong nhóm đều rất xốc vác, vui vẻ. Càng khó khăn, mọi người hoạt động càng năng nổ, nhiệt tình và thân thiện.
Tấm lòng và tinh thần vì cộng đồng của các cô chú, anh chị nhóm rau, củ, quả của Hội Bảo trợ Người tàn tật, Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo TP. Long Xuyên thật đáng quý. “Cao điểm trong mùa dịch, có ngày, nhóm thu gom lên đến 3-8 tấn rau, củ, quả/ngày. Có người bỏ thêm tiền túi mua thêm rau, củ khi nguồn hỗ trợ không đủ đáp ứng nhu cầu. Giờ thì mọi thứ đã hoạt động trở lại bình thường. Chúng tôi vẫn có mặt ở chợ đầu mối tầm 16 giờ chiều. Tranh thủ thu gom đến 18-19 giờ là vận chuyển đi. Hiện, mỗi ngày, nhóm chỉ thu gom vài trăm ký rau, củ, quả nhưng nắng hay mưa vẫn chưa hề nghỉ một ngày. Kể cả dịp lễ, Tết, chúng tôi vẫn túc trực ở đây không ngơi nghỉ để các điểm từ thiện không bị thiếu hụt nguồn rau, củ, quả phục vụ bà con. Cứ vậy, mấy chục năm nay, nhóm vẫn chăm chỉ, miệt mài với công việc này” - chị Luyến tâm sự.
Là người hoạt động “thâm niên” trong nhóm rau, củ, quả, anh Lợi (51 tuổi, ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) trải lòng: “Ở đây, chúng tôi đều phát tâm làm từ thiện nên ai cũng cố gắng. Càng gắn bó càng thấy việc làm này vô cùng ý nghĩa, thế là không ai than vãn mà luôn vui vẻ. Những bạn hàng ở đây cũng đã quá quen mặt chúng tôi, nên chưa kịp vận động là họ đã chuẩn bị sẵn rau, củ, quả vô những túi xách gọn gàng, chờ nhóm đến thu gom. Ở nhóm này, tôi nhận thấy, dù việc nặng hay nhẹ, không hề có sự tỵ nạnh. Nhiều lúc, các chị còn làm cả những việc nặng nhọc như khiêng vác các bọc rau, củ, quả phụ tiếp cánh “mày râu”. Mỗi người một việc, chẳng mấy chốc mà điểm tập kết rau, củ, quả của nhóm đã đầy hàng”.
Xem việc hoạt động cùng nhóm là niềm vui, ông Nguyễn Văn Dùng (sinh năm 1943, ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Thu gom xong, tôi nhận nhiệm vụ chở rau, củ, quả đến 3 địa điểm trong nội ô thành phố. Đến khoảng 20-21 giờ, tôi bắt đầu việc chính của mình là thu gom ve chai, phế liệu. Vắng 1 ngày không thu gom cùng nhóm là tôi thấy buồn”.
Trân quý những tấm lòng thiện nguyện, các tiểu thương ở chợ thơm thảo gửi những phần rau, củ, quả vẫn còn rất tươi ngon để chia sẻ với những người khó khăn. Khi có rau củ, nhóm của chị Luyến được các chị tiểu thương “í ới” gọi. Thực tế cho thấy, những gì xuất phát từ yêu thương sẽ được nhận lại thương yêu.
PHƯƠNG LAN