Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những hậu quả để lại vẫn còn ở nhiều địa phương, nhiều vùng đất, nhiều gia đình trên khắp mọi miền đất nước. Những vết thương thể chất và tinh thần vẫn còn hằn trên thân thể của những người thương binh và gia đình liệt sĩ. Những đau thương, mất mát cho chúng ta hiểu sâu sắc hơn về những giá trị của hòa bình.
Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc, thể hiện sự tiếp nối truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc; sự biết ơn, trân trọng của Đảng, nhà nước và nhân dân đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Khẳng định việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công là vinh dự, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và mai sau đối với sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng, thương binh, liệt sĩ cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã chọn.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lương Thị Chính (thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới)
75 năm qua, đã huy động được nguồn lực to lớn của nhà nước và cộng đồng, thực hiện nhiều chương trình có ý nghĩa, như: Nhà Tình nghĩa; Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc thương binh nặng, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng… Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về ưu đãi người có công được ban hành, thực hiện đồng bộ, toàn diện và đa dạng, đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, nâng cao mức sống của người có công, thân nhân của người có công với cách mạng.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng các tổ chức, cá nhân, cộng đồng huy động từ rất nhiều nguồn lực khác nhau, chung sức, đồng lòng xây dựng, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Hiện, cả nước có trên 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và trên 3.000 công trình ghi công liệt sĩ. Hàng năm, ở Trung ương và địa phương đều bố trí kinh phí để tu bổ, nâng cấp mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, bia ghi danh liệt sĩ trang trọng... Những hoạt động này thể hiện tình cảm, trách nhiệm, mang lại hiệu quả to lớn về chính trị - xã hội.
Các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và gia đình người có công được thực hiện đa dạng. Người có công tùy từng đối tượng có các chính sách chăm sóc đặc thù. Chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh gắn liền với việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống. Hiện, có gần 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ đã kịp thời ban hành nghị quyết, quyết định, tạo cơ sở chi trả hỗ trợ kịp thời, đầy đủ cho 994.626 người có công với kinh phí khoảng 1.483 tỷ đồng. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã tích cực triển khai và thực hiện hiệu quả các phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực bằng những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình.
Tại An Giang, hầu hết người có công và gia đình thương binh, liệt sĩ đều được quan tâm chăm sóc về vật chất và tinh thần, đời sống được cải thiện. 5 năm qua, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh tiết kiệm, chăm lo an sinh xã hội và vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trên 37,5 tỷ đồng. Qua đó, hỗ trợ cất mới 270 căn và sửa chữa 273 căn nhà Tình nghĩa... Thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 4.502 căn nhà với kinh phí trên 161,45 tỷ đồng.
Hầu hết cha mẹ liệt sĩ, người có công đều được cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân quan tâm chăm lo về nhà ở, hỗ trợ vốn làm ăn, việc làm cho thân nhân, nên cuộc sống cơ bản ổn định. Người có công và thân nhân còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế (kinh phí bình quân trên 12,7 tỷ đồng/năm). Đến nay, 156/156 xã, phường, thị trấn được UBND tỉnh tặng bằng công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công.
Đảng, nhà nước và nhân dân đời đời nhớ ơn các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, người có công với nước đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho độc lập, tự do, hòa bình hôm nay. Từ đó, biến nhận thức thành hành động thiết thực, tích cực thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công và đưa các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng" trở thành hoạt động thường xuyên, nét đẹp trong đời sống văn hóa, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân ái trong mỗi người Việt Nam.
H.C