Tháng Giêng trong tâm thức người Việt

02/03/2021 - 04:14

 - Được xem là bước khởi đầu của năm mới, nên tháng Giêng luôn chiếm vị trí rất quan trọng trong tâm thức của người Việt từ xa xưa. Theo thời gian, quan niệm này dần dịch chuyển theo sự hối hả của cuộc sống hiện đại, nhưng dấu ấn văn hóa trong tháng Giêng vẫn được gìn giữ cho đến nay.

Tháng Giêng xưa

“Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, câu nói ấy đã trở thành nhân chứng của đời sống nông nghiệp thuở trước. Tuy nhiên, tháng Giêng đâu chỉ để người xưa “ăn chơi” mà đó còn là dịp họ tổ chức các nghi lễ quan trọng, nhằm hướng đến một năm mới nhiều kỳ vọng. Đã trải qua 87 mùa xuân, ông Trịnh Hòa Nam (xã Khánh Hòa, Châu Phú, An Giang) vẫn còn nhớ như in không khí đón xuân và tận hưởng tháng Giêng của cha ông ngày trước.

Ông Nam bồi hồi nhớ lại: “Hồi trước, tháng Giêng đúng với câu nói là tháng “ăn chơi”, bởi những gia đình khá giả có quan niệm “ăn Tết” tới hết tháng Giêng. Với những người bình dân, họ vừa thu hoạch xong vụ lúa, nên không cần phải lo nhiều đến cái ăn, cái mặc; điều kiện kinh tế đủ đầy hơn nên ai cũng muốn thụ hưởng những phút giây an nhàn trong những ngày tháng Giêng. Với làng xã, người ta tranh thủ thực hiện các nghi lễ cúng bái quan trọng, với ý định cầu mong cho quốc thái dân an, xua đuổi những điều xui xẻo để hướng tới một năm mới an lành, hạnh phúc, mùa màng tốt tươi. Bởi vậy, cuộc sống của người dân mấy chục năm về trước rất nhàn hạ trong tháng Giêng”.

Trong trí nhớ của ông Trịnh Hòa Nam vẫn còn hình ảnh của các lễ cúng trong tháng Giêng thời trước, mà quan trọng nhất là lễ “cúng tống” hàng năm. Lúc này, đình làng sẽ là nơi bày biện các mâm lễ. Các vị chức sắc trong làng cùng cầu nguyện các vong linh khuất mặt ở đầu ghềnh cuối bãi, những người chẳng may qua đời không họ hàng, những người bị “hùm tha, sấu bắt”… về ăn lễ. Sau đó, người ta làm một chiếc thuyền tượng trưng, bày lễ vật lên đó và thả theo sông hoặc kênh, rạch với ý nghĩa sẽ “tống” đi những điều xui xẻo và đón may mắn trong năm mới.

“Đó là chưa kể những lễ cúng theo tộc họ, mà không khí bao giờ cũng rất trang trọng. Những người dù ở xa vẫn cố gắng tranh thủ về cúng “lệ”, bởi đây là dịp để con cháu tưởng nhớ ông bà, cũng như cầu mong sự phù hộ của tổ tiên trong năm mới. Ngoài ra, nhiều gia đình tranh thủ lúc nông nhàn để đi thăm thân tộc ở xa trong tháng Giêng. Nói chung, nếp sống người dân trong tháng Giêng trước đây rất nhẹ nhàng, chủ yếu với các lễ cúng và hoạt động vui chơi trong làng xã” - ông Trịnh Hòa Nam cho hay.

Người Việt thường đi chùa lễ Phật để cầu an gia đạo trong tháng Giêng

Tháng Giêng nay

Theo thời gian, cuộc sống hiện đại dần thay đổi quan niệm của người Việt về tháng Giêng. Người ta không còn ý nghĩ thụ hưởng, “ăn chơi” cho hết tháng Giêng mà bắt đầu công việc trong năm mới từ khá sớm. Bởi, hoạt động của cuộc sống hiện đại cứ luôn tiếp diễn, chứ không “có khoảng trống” nông nhàn như trước, đòi hỏi mọi người phải sớm trở lại với công việc thường ngày.

Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài (nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh An Giang) quan niệm: “Cuộc sống hiện đại buộc người ta phải luôn vận động để tồn tại và phát triển. Do đó, quan niệm “ăn chơi” trong tháng Giêng đã không còn hợp thời và cần được loại bỏ. Lấy ví dụ những người kinh doanh, đôi lúc họ khai trương ngay ngày mùng một Tết, chứ không đợi chọn ngày lành, ngày tốt như trước kia, nên chẳng có thời gian đâu mà hưởng thụ tháng Giêng. Người làm việc khác cũng nhanh chóng khởi động lại “guồng quay” của công việc. Có như vậy, cuộc sống mới phát triển được”.

Dù xã hội có bước phát triển mới nhưng người Việt vẫn lưu giữ được những giá trị văn hóa trong tháng Giêng. “Tôi cho rằng, tháng Giêng ngày nay vẫn còn tồn tại một số nét đẹp trong đời sống của người xưa. Tuy nhiên, giá trị cốt lõi của ngày Tết hay cả tháng Giêng vẫn là tấm lòng tưởng nhớ công ơn tổ tiên trong dịp đầu năm. Do đó, chúng ta cần giáo dục thế hệ trẻ truyền thống đoàn viên gia đình trong ngày Tết, để cùng tưởng nhớ công ơn người đi trước” - nhà thơ Trịnh Bửu Hoài khẳng định.

Đặc biệt, hoạt động viếng chùa đầu năm hay tham gia các lễ hội xuân vẫn chiếm giữ một phần quan trọng trong tâm thức của người Việt ngày nay. Nhiều gia đình dù bận đến đâu cũng sắp xếp thời gian đi viếng chùa để cầu an gia đạo. Không khí trang nghiêm, thoát tục chốn cửa thiền sẽ giúp mọi người buông bỏ những muộn phiền trong cuộc sống, cùng hướng đến một năm mới bình an, hạnh phúc. Đặc biệt, rằm tháng Giêng được xem là thời điểm thích hợp nhất để lễ Phật theo quan niệm của người Việt, nên dù xa xôi cách trở người ta cũng cố gắng đi viếng chùa trong những ngày này.

Theo thời gian, tư tưởng của người Việt đã có nhiều thay đổi và quan niệm “tháng Giêng là tháng ăn chơi” đã trở thành hủ tục. Tuy nhiên, những nét đẹp trong đời sống văn hóa của cha ông trong tháng Giêng vẫn cần được duy trì, để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống "uống nước nhớ nguồn", cũng như tinh thần nỗ lực để gặt hái thành công trong năm mới.

THANH TIẾN