Ezwin Knoll (một nhà báo chuyên theo dõi cuộc chiến tranh Việt Nam) nhận định, ngay từ phút đầu, khi mới can thiệp vào Đông Dương, chính sách của Mỹ trước sau như một: Kiên quyết theo đuổi mục tiêu thiết lập tại Đông Dương một “pháo đài của thế giới tự do”. Đến đầu năm 1954, Tổng thống D. Eisenhower tuyên bố: “Sự hiện diện của chế độ cộng sản Việt Nam là “mối đe dọa” lớn cho an ninh quốc gia của Hoa Kỳ”. “Mối đe dọa” đó khủng khiếp đến nỗi tất cả mọi phương tiện chiến tranh hiện đại phải được huy động để tiêu diệt nó đến tận gốc.
Tổng thống J. F. Kennedy sau đó cũng cho rằng, “đây chỉ là một cuộc chiến tranh chống nổi dậy… Mỹ chắc chắn sẽ đè bẹp quân đội nhỏ bé của Bắc Việt”. Đeo đuổi theo mục tiêu xấu xa đó, đế quốc Mỹ không từ một thủ đoạn dã man, tàn bạo nào, từ chiến tranh “đơn phương” đến chiến tranh “Đặc biệt” rồi chiến tranh “Cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh”… Họ liên tiếp thua đau; càng thua đau, họ như “... con thú dữ bị thương nặng, giãy giụa một cách hung tợn trước hơi thở cuối cùng”.
Trong lời kêu gọi năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đế quốc Mỹ có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa... Chiến tranh có thể kéo dài… song Nhân dân Việt Nam quyết không sợ! “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara trong cuốn hồi ký “Nhìn lại quá khứ - Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam” đã viết: “Chúng tôi ở trong chính quyền Kennedy và Johnson, tham gia vào các quyết định về Việt Nam… chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp. Chúng tôi mắc nợ các thế hệ tương lai trong việc giải thích tại sao lại sai lầm như vậy”.
Tướng Maxwell D. Taylor, cựu Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, sau khi từ chức (tháng 6/1965) về làm cố vấn đặc biệt của Tổng thống Lyndon Baines Johnson, cũng thốt lên rằng: “Tất cả chúng ta đều có phần của mình trong thất bại của Mỹ ở Việt Nam và chẳng có gì là tốt đẹp cả. Chúng ta không hề có một anh hùng nào trong cuộc chiến tranh này mà toàn là ngu xuẩn. Chính tôi cũng nằm trong số đó”…
Trong cuốn “Những bí mật của chiến tranh Việt Nam”, trung tướng Phillip B. Davidson (Giám đốc cơ quan tình báo Mỹ tại miền Nam Việt Nam) so sánh: “Chiến lược chiến tranh cách mạng… đã chứng minh là một chiến lược hơn hẳn các chiến lược mà Mỹ đã dùng để chống lại nó… Mỹ luôn phải nhảy theo điệu nhạc chiến lược của Bắc Việt, vì chính cộng sản đã quyết định cách đánh và quy mô của chiến tranh… Đây là một chiến lược mạnh, chưa có chiến lược nào chống lại nó mà thành công”.
GS.TS E. Tin-pho, Học viện Chỉ huy tham mưu không quân Mỹ đã phải thừa nhận: “Năm 1975, Mỹ đã để một Nhà nước được Mỹ đẻ ra và nuôi dưỡng hơn 2 thập kỷ sụp đổ, vì cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ đã thất bại từ lâu. Nó thất bại vì đối phương đã đề ra một chiến lược quân sự giỏi hơn, một chiến lược nhận thức chiến tranh ở phạm vi rộng lớn hơn, coi như là một hiện tượng văn hóa kết hợp chặt chẽ các mặt xã hội, kinh tế, chính trị, ngoại giao cũng như quân sự. Không lực - sức mạnh to lớn nhất của Mỹ bị “cơn gió ngang” văn hóa và lịch sử làm tê liệt”…
Đối phương đã thừa nhận thất bại. Hàng trăm tác phẩm khác cũng có nhận định tương tự. Nhưng rất tiếc, thỉnh thoảng đâu đó vẫn có những giọng điệu lạc lõng, cố tình xuyên tạc và bịa ra những thứ gọi là “cuộc chiến ủy nhiệm” hay “Bắc Việt xâm lược Việt Nam Cộng hòa, vi phạm Hiệp định Genève, Hiệp định Paris”… GS Trần Chung Ngọc, một người Mỹ gốc Việt cho đó là những kẻ “ngớ ngẩn - ngu xuẩn - thiếu lương thiện…”.
Trong những năm tháng đánh Mỹ vô cùng ác liệt, cả dân tộc ta đều lạc quan, tin tưởng “Ta nhất định thắng!”. Những năm tháng ấy đẹp vô cùng: “Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt/ Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng…”. Trước lúc đi xa, Bác khẳng định cuộc kháng chiến chống Mỹ chỉ kéo dài mấy năm nữa: “Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”…
Tháng 4/1975, chiến dịch mang tên Người đã giành thắng lợi, mong muốn lớn nhất của Người đã được hoàn thành xuất sắc! Kế thừa thắng lợi vĩ đại đó, Nhân dân ta tiếp tục làm nên những kỳ tích mới. Việt Nam từ trong đói nghèo trở thành một trong những nơi đáng sống nhất thế giới; từ một nước bị bao vây, cấm vận trở thành quốc gia có vị thế và vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực và thế giới.
TRUNG THÀNH