Theo Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), sáng 21/7, một trận động đất có độ lớn 4,1 đã xảy ra tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, không gây thương vong về người và tài sản.
Cụ thể, trận động đất xảy ra lúc 4 giờ 31 phút 41 giây (giờ Hà Nội) ngày 21/7, có tọa độ 20.068 độ Vĩ Bắc, 105. 446 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 10km. Độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Tại tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra động đất vào các năm 2018, 2019, gần đây nhất là năm 2021.
Trước đó, ngày 3/10/2021 một trận động đất có độ lớn 2,9 xảy ra tại vị trí có tọa độ 19.680 độ vĩ Bắc, 106.829 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8km.
Động đất xảy ra tại khu vực Biển Đông cách bờ biển thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa khoảng 90km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết người dân không nên quá lo lắng vì trận động đất này không có bất thường.
Tuy trận động đất có cường độ yếu và không gây thiệt hại nhưng cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tiếp tục theo dõi sát những diễn biến tiếp theo vì đây là khu vực thường xuyên xảy ra những trận động đất nhỏ tại các nhánh đứt gãy thuộc đới Sơn La.
Đới đứt gãy này từng xảy ra trận động đất Tuần Giáo (Lai Châu) vào năm 1983 với cường độ lên tới 6,8 độ.
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà địa chấn, động đất tại Việt Nam chủ yếu tập trung ở các vùng như từ thượng nguồn sông Mã đến Thanh Hóa; sông Đà từ Lai Châu đến Hòa Bình; sông Hồng-sông Chảy; Đông Triều từ Yên Thế-Nhã Nam đến Hòn Gai-Cẩm Phả; sông Cả-Rào Nậy và vùng ven biển Trung Bộ và Nam Bộ.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo khi xảy ra động đất, người dân nên bám chặt vào một khung cửa hoặc chui xuống gầm bàn trong trường hợp ở tòa nhà có kết cấu vững chắc.
Nếu ở ngoài trời, cần tránh xa các đường dây điện, cột điện, nên chạy tới vùng đất trống; nếu đang lái xe, người dân cố gắng tấp vào bên đường và dừng lại.