Khởi nghiệp từ mô hình trồng sen đá
Bằng những tài nguyên sẵn có và ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, các bạn thanh niên sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trên con đường khởi nghiệp. Nhiều mô hình khởi nghiệp hiệu quả được ĐVTN học hỏi, áp dụng và nhân rộng. Tuy nhiên, phần lớn mô hình khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn huyện vấp phải trở ngại lớn nhất, đó là: Thiếu vốn và kiến thức chuyên môn sâu về lĩnh vực khởi nghiệp, cũng như sự am hiểu thị trường tiêu thụ.
Huyện đoàn Châu Thành đóng vai trò là cầu nối, tạo điều kiện để ĐVTN có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư, phát triển ngành nghề sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Hỗ trợ thanh niên thoát nghèo”, giúp ĐVTN vay vốn phát triển sản xuất - kinh doanh (lãi suất 0%), Huyện đoàn giới thiệu ĐVTN vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư phát triển mô hình khởi nghiệp của bản thân.
Năm 2021, Huyện đoàn trao vốn hỗ trợ cho 8 ĐVTN làm kinh tế, khởi nghiệp từ 2 nguồn vốn trên, số tiền trên 330 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, ĐVTN phát triển mô hình chăn nuôi bò, ốc bươu, dịch vụ trang điểm và cho thuê áo cưới, dịch vụ sửa máy phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, trồng sen đá, kinh doanh văn phòng phẩm…
“Để nguồn vốn vay đạt hiệu quả, Huyện đoàn phối hợp với Đoàn xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ, đảm bảo đối tượng vay vốn sử dụng đúng mục đích, hoàn trả vốn đúng thời gian quy định” - anh Trương Thành Trung chia sẻ.
Được hỗ trợ vay vốn 30 triệu đồng từ Đề án “Hỗ trợ 65 hộ thanh niên thoát nghèo và phát triển bền vững”, vợ chồng bạn Huỳnh Thúy Quỳnh (ngụ ấp Đông Phú 1, xã Vĩnh Thành) mạnh dạn đầu tư, mở rộng mô hình trồng sen đá và trồng bon-sai linh sam.
Hiện nay, Quỳnh sở hữu hàng ngàn chậu sen đá và hàng trăm chậu bon-sai linh sam đủ loại, kích cỡ… nằm trong khuôn viên nhà. Hiện tại, sen đá được Quỳnh bán với giá từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng mỗi chậu; linh sam bán từ vài trăm ngàn đồng cho đến vài triệu đồng mỗi cây.
“Tôi chỉ trồng dòng phổ thông, dễ trồng, giá rẻ để người đam mê loại cây này có thể tiếp cận. Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngoài việc bán tại chỗ, tôi còn kinh doanh trực tuyến trên mạng xã hội Facebook, Zalo, giao hàng tận nơi để kiếm thêm thu nhập” - Thúy Quỳnh chia sẻ.
Nhằm giúp ĐVTN trên địa bàn huyện khởi nghiệp hiệu quả, Huyện đoàn Châu Thành tích cực tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, phối hợp ngành chuyên môn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giới thiệu mô hình khởi nghiệp hiệu quả cho thanh niên tham quan, học tập.
Đồng thời, thường xuyên tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp; giới thiệu chính sách giải quyết việc làm, hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các ĐVTN tham quan mô hình khởi nghiệp hiệu quả để học tập kinh nghiệm…
Năm qua, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn huyện Châu Thành phối hợp với ngành chức năng tổ chức 314 lớp dạy nghề cho 2.510 thanh niên; tư vấn, hướng nghiệp cho 3.722 thanh niên; giới thiệu việc làm cho 814 thanh niên. Ngoài ra, thường xuyên tổ chức hội thảo, tập huấn chuyên đề về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản... cho 2.364 lượt ĐVTN tham gia. |
TRUNG HIẾU