Phát triển mô hình nuôi ong
Tận dụng điều kiện tự nhiên của địa phương, bạn Bùi Thiện Mong (xã Định Thành) quyết định lựa chọn mô hình nuôi ong để phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, khi bắt tay thực hiện ý tưởng, Mong gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật. Nhờ học hỏi trên các phương tiện truyền thông, kinh nghiệm từ những người đi trước nên Mong dần nắm được kỹ thuật, việc nuôi ong ngày càng cải thiện.
Mong cho biết, để nuôi ong đạt thuận lợi thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải chú ý đến vị trí đặt thùng (tổ) ong. Theo đó, thùng ong nên đặt gần nguồn phấn hoa, nơi không phun thuốc sâu, không có dịch bệnh, ít hoặc không có ong rừng, chim thú gây hại cho ong. Thùng được chọn có kích thước lòng 47cm x 43cm x 25cm; có lỗ to và sàn bay để ong ra vào và phải có nắp đậy để chống nắng mưa... Chân thùng nên làm bằng sắt và kê cao để chống côn trùng gây hại như kiến, mối. Ngoài ra, không để thùng ong ở ngoài nắng và không để đàn ong chật chội…
Trong quá trình nuôi, phải thường xuyên kiểm tra và duy trì ong chúa tốt cho mỗi đàn. Định kỳ từ 6 - 9 tháng sẽ thay ong chúa một lần. Việc tạo ong chúa nên tiến hành vào thời điểm dồi dào mật và phấn hoa tự nhiên. Chú ý những tháng thời tiết lạnh, cần phải giữ ấm cho tổ để tránh ong chết vì lạnh. Vào mùa hè, không cần phải chăm sóc nhiều vì khi đó có rất nhiều hoa, ong sẽ tự đi kiếm mật. Ong cho mật trong khoảng thời gian từ tháng 3 - 7 hàng năm. Sau đó, người nuôi sẽ ngừng khai thác mật để giữ đàn cho ong vào những tháng lạnh.
“Để ong có thể lấy được nhiều mật và an toàn, cần đặt thùng ong ở nơi thoáng mát, yên tĩnh, không gần đường giao thông, nhà máy đường, nhà máy hóa chất, nhà máy chế biến hoa quả và không có hồ lớn bao quanh” - Mong chia sẻ thêm. Bình quân mỗi năm, Bùi Thiện Mong khai thác được khoảng 500 lít mật. Với giá bán bình quân 500.000 đồng/lít, mô hình đem lại nguồn thu nhập khả quan.
Tìm về giá trị truyền thống
Không lựa chọn phát triển kinh tế từ nông nghiệp, anh Nguyễn Ngọc Sĩ (thị trấn Núi Sập) lựa chọn khởi nghiệp từ nghề làm cối đá truyền thống của địa phương.
Anh Sĩ cho biết, để tạo ra được một chiếc cối đá hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn. Trước hết là lựa chọn nguyên liệu. Loại đá được sử dụng phải nguyên khối, không có thớ và không xuất hiện vết nứt, để khi chế tác sẽ không bị vỡ, sức bền tốt, chịu lực lâu.
Ngoài ra, phải sử dụng loại đá hoa cương, được mua ở hòn Sóc (tỉnh Kiên Giang) bởi loại đá này có vân đẹp, khi tạo tác sẽ cho ra sản phẩm bền, thẩm mỹ cao. Người thợ phải thực hiện các công đoạn, như: Cắt gọn, gạt mặt (cho bằng mặt), đo chiều dày, làm bìa, móc lòng, làm bống cối… Mỗi công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi tay, cùng kinh nghiệm, óc thẩm mỹ của người thợ.
Anh Nguyễn Ngọc Sĩ lựa chọn khởi nghiệp với nghề truyền thống của địa phương
Cối đá anh Sĩ sản xuất có 2 loại chủ yếu: Loại lớn có kích thước khoảng 35cm, loại nhỏ có kích thước khoảng 10cm. Giá mỗi chiếc cối từ 100.000 - 600.000 đồng. Để đưa sản phẩm tiếp cận với thị trường, thời gian đầu, anh Sĩ tìm đến các khu chợ truyền thống trong và ngoài địa phương để giới thiệu, sau đó mở rộng thị trường.
Hiện nay, sản phẩm của Cơ sở sản xuất cối đá Ngọc Sĩ không chỉ có mặt ở nhiều địa phương mà còn tiêu thụ ở tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang… Sản phẩm bền, đẹp nên được khách hàng đánh giá cao. Trong đó, tiêu thụ nhiều nhất trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến 9 (âm lịch) hàng năm; bình quân mỗi tháng, cơ sở cung cấp cho các cửa hàng từ 150 - 180 cối. Anh Nguyễn Ngọc Sĩ đang nghiên cứu, sản xuất ra nhiều dòng sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Không chỉ ở huyện Thoại Sơn, với tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, nhiều đoàn viên, thanh niên đang mạnh dạn xây dựng các mô hình khởi nghiệp để vươn lên làm giàu, mở ra hướng phát triển kinh tế mới.
MINH ĐỨC