Trước đó, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công bố dịch sởi trong bối cảnh số ca sởi tăng nhanh và đã có 3 trẻ mắc bệnh sởi tử vong. Trong khi trước đó, từ năm 2021-2023, thành phố chỉ ghi nhận 1 ca bệnh sởi.
Theo Sở Y tế thành phố, trong bối cảnh từ tháng 5 đến nay, các bệnh viện ghi nhận khoảng 600 ca sốt phát ban nghi sởi, xét nghiệm phát hiện hơn 300 ca dương tính. Hơn 50% là bệnh nhân ở tỉnh, thành phố khác đến thành phố khám và điều trị. Trong một tháng qua, 3 trẻ bệnh sởi tử vong, đều mắc những bệnh lý mạn tính kèm sởi dẫn đến biến chứng nặng.
Bệnh sởi được xếp vào bệnh nguy hiểm nhóm B, tức nhóm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Theo quy định của Bộ Y tế, từ ngày 20/11/2023, với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, một xã, phường, thị trấn được coi là có dịch khi có số người mắc bệnh vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ ba năm gần nhất. Một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được coi là có dịch khi có từ hai xã có dịch trở lên. Một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được coi là có dịch khi có từ hai huyện có dịch trở lên. |
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao giám đốc Sở Y tế chủ trì phối hợp với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện và thành phố Thủ Đức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Đồng thời, lưu ý các biện pháp phòng, chống dịch. Cụ thể, những trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải thực hiện khai báo đầy đủ, chính xác với cơ quan y tế trong vòng 24 giờ sau khi được chẩn đoán để được quản lý và xét nghiệm theo đúng quy định.
Thành phố sẽ thực hiện chiến dịch tiêm vaccine bổ sung sởi-rubella không kể tiền sử tiêm chủng vaccine này trước đó cho tất cả trẻ từ 1-5 tuổi đang sống tại thành phố. Đồng thời tổ chức thu dung, điều trị, chăm sóc, cách ly y tế và kiểm soát dịch tại cộng đồng theo đúng các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
Tính đến tháng 5/2024, tỷ lệ bao phủ vaccine sởi của trẻ em từ năm 2019-2023 tại thành phố đều chưa đạt 95%. Kết quả khảo sát miễn dịch cộng đồng bệnh sởi do các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố cho thấy, tỷ lệ có kháng thể phòng bệnh sởi ở trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 5 tuổi chỉ đạt 86%.
Trong khi để có thể bảo vệ cộng đồng trước bệnh sởi, tỷ lệ phải trên 95%. Do vậy, nguy cơ bùng phát dịch sởi là rất lớn.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Biểu hiện là sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng khác. Trẻ nhỏ chưa tiêm chủng, trẻ suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai và người bị suy yếu hệ thống miễn dịch là những người có nguy cơ biến chứng nặng nếu mắc sởi. |
Hiện nay, bệnh sởi vẫn chưa có thuốc đặc trị, chỉ điều trị triệu chứng. Mọi người đều có thể mắc bệnh, song chủ yếu bệnh ở trẻ em dưới 5 tuổi. Những trẻ không được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh sởi. Khi đó, trẻ sẽ lây nhiễm cho những người xung quanh, bao gồm người lớn chưa được chủng ngừa trước đây, trẻ nhỏ chưa đến tuổi chỉ định tiêm ngừa sởi và cả những người đã tiêm ngừa đủ hai mũi.
Trước nguy cơ bệnh sởi có thể bùng phát do tỷ lệ tiêm phòng thấp, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp khẩn cấp nhằm tăng tỷ lệ bao phủ vaccine, ngăn ngừa nguy cơ bệnh sởi lây lan rộng trong cộng đồng. Chiến dịch kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9/2024.
Ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo phụ huynh cần chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vaccine sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vaccine phòng sởi.