Giai đoạn 1950 - 1960, lịch sử sân khấu cải lương Nam Bộ ghi nhận việc ra đời của báo chí kịch trường, phản ánh các hoạt động văn hóa - nghệ thuật (chủ yếu là cải lương) và giải thưởng cải lương Thanh Tâm. “Cha đẻ” của hai sự kiện này là nhà báo Trần Tấn Quốc, bút danh Thanh Tâm, góp công lớn quảng bá và cổ vũ sự phát triển của sân khấu cải lương vàng son thời đó. Những ai được trao giải coi như là “trạng nguyên” của sân khấu, nghệ sĩ cải lương.
Rạng danh nghề báo
Nhà báo Trần Tấn Quốc sinh năm 1914 tại làng Mỹ Trà, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ngay từ nhỏ học ở trường tiểu học quê nhà, ông đam mê, có chí hướng theo nghề làm báo. Tham gia cuộc biểu tình Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930 ở Cao Lãnh, ông bị thực dân bắt đày ra Côn Đảo với tội danh “Hoạt động phá hoại chống nhà nước”.
Ra đến “địa ngục trần gian”, ông được gặp người bạn tù cộng sản Nguyễn Văn Nguyễn (1910 - 1953), từ đó, tư tưởng của ông chuyển biến tích cực. Trong ngục tù, nhưng chính trị phạm bao giờ cũng lạc quan, yêu đời, vẫn “làm báo”, thậm chí lập “gánh hát cải lương”...
Khoảng năm 1935, ông Trần Tấn Quốc làm phóng viên các báo: Việt Nam, Công luận và Truyền tin, Nhựt báo, Điện tín. Từ năm 1946 - 1970, ông là chủ bút, giám đốc chủ bút nhiều tờ báo uy tín, như: Tiếng dội miền Nam, Lẽ sống, Buổi sáng, Điều tra phóng sự, Đuốc nhà Nam. Ông viết về nhiều đề tài, nhưng ở mảng sân khấu kịch trường để lại dấu ấn đậm nét.
Trong cuốn “Ba nhà báo Sài Gòn” thông tin, từ năm 1950, sau khi tiếp quản tờ Tiếng dội miền Nam (Tiếng dội), ông Quốc lần đầu tiên trong làng báo Sài Gòn mở trang kịch trường, phản ánh không khí sôi động của sân khấu cải lương lúc bấy giờ, được coi là mới lạ. Do đam mê và am hiểu sâu rộng lĩnh vực cải lương, ông đảm trách các khâu của trang kịch trường, từ chọn bài, biên tập đến xuất bản.
Khi tin tức, bài viết về cải lương lên mặt báo, không riêng gì khán giả mộ điệu sẽ mua báo để theo dõi, tìm hiểu mà các thành phần khác cũng cần tờ báo, do họ làm ăn với giới nghệ thuật sân khấu. Biết rõ tập tính này, ông Quốc chăm lo kỹ lưỡng trang kịch trường, phục vụ tốt người ham mê cải lương mua báo, được bạn đọc đánh giá cao.
Mảng thông tin văn nghệ trên báo chí của những năm 1950, 1955 là một trang yêu thích của bạn đọc. Thời đó, ở TP. Sài Gòn có trên 10 rạp cải lương, nhưng đêm nào cũng hát diễn, chưa kể ở các tỉnh Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên, Rạch Giá cũng thường xuyên sáng đèn sân khấu.
Nhà báo Trần Tấn Quốc (giữa) cùng các đồng nghiệp tại đêm phát Giải Thanh Tâm năm 1959
Từng nói trên báo, ông Trần Tấn Quốc tâm sự, trang kịch trường của ông thu hút được bạn đọc vì đã nối liền sân khấu và đời thực, rút gần khoảng cách giữa nghệ sĩ và khán giả. Bởi một bộ phận người dân đương thời coi nghệ sĩ cải lương là “xướng ca vô loài”, nhưng qua trang báo đã góp phần đáng kể để họ hiểu hơn, đồng cảm với đời nghệ sĩ.
Đặc biệt, qua ngòi bút ông đã đấu tranh giành quyền lợi cho giới nghệ sĩ, lên án không khoan nhượng hành vi vắt kiệt sức của nghệ sĩ, việc các bầu gánh ăn chặn... Nhờ đó, trang kịch trường Tiếng dội của ông rất sinh động, được người đọc đón nhận rất cao.
Tình yêu mãnh liệt với cải lương
Năm 1958, ông thành lập giải thưởng đầu tiên dành cho giới nghệ sĩ cải lương, lấy bút danh Thanh Tâm làm tên giải. Sáng lập giải thưởng “với cao vọng xây dựng một thế hệ nghệ sĩ cải lương tài và đức đi đôi, hầu xóa bỏ ít nhiều thành kiến đối với nghề hát xứ ta; đồng thời, khích lệ và nâng đỡ lớp nghệ sĩ trẻ phấn đấu, giữ nét đẹp của cải lương”. Giải thưởng cao nhất là huy chương vàng, nhưng từ năm 1965 có thêm 2 giải “Diễn viên xuất sắc” và “Tuồng hay nhứt” trong năm. Có 3 yếu tố để xét chọn nghệ sĩ trao giải là thanh (làn hơi), sắc (sắc vóc) và đạo đức.
Ban tuyển chọn chấm giải là các đạo diễn sân khấu, thầy tuồng cải lương nổi tiếng như các nghệ sĩ Phùng Há, Bảy Nhiêu, Duy Lân, các soạn giả Điêu Huyền, Kiên Giang, Hà Triều, Viễn Châu; cùng các ký giả kịch trường nổi tiếng lúc bấy giờ, như: Trần Tấn Quốc, Ngọc Linh, Nguyễn Ang Ca, Lê Hiền, Phong Vân, Hoài Ngọc, Bạch Tùng Hương, Việt Định Phương, Sĩ Trung... Tất cả thành viên ban tuyển chọn đến tận từng đoàn hát xem các nghệ sĩ trẻ biểu diễn.
Từ đó, nghệ sĩ không chỉ nỗ lực về nghề nghiệp, mà còn phải trui rèn đạo đức, nếu bị tai tiếng sẽ bị loại ngay. Đặc biệt, người hát không biết ban giám khảo đi xem lúc nào, vì vậy họ phải luôn ca diễn tử tế, chuyện lăng nhăng, vương vít gác một bên. Nghệ sĩ đầu tiên vinh danh được trao giải (năm 1959) là cố nghệ sĩ Thanh Nga - khi ấy 16 tuổi.
Có thể nói, Giải Thanh Tâm không chỉ phát hiện, cổ vũ tinh thần yêu nghề, kính nghiệp của các nghệ sĩ đương thời, mà đến tận hôm nay 24 nghệ sĩ từng nhận giải đều có đóng góp xứng đáng cho cải lương và trở thành những “cây đa, cây đề”, là tấm gương để thế hệ nghệ sĩ tiếp bước học hỏi. Một điều đáng suy ngẫm ở giải thưởng, đạo đức là tiêu chí quan trọng , tài - sắc - đức của nghệ sĩ được phát huy tối đa, cần phải trau dồi, gìn giữ.
Người nghệ sĩ không chỉ diễn một lần để chấm giải mà là cả quá trình phấn đấu dài hơi. Đặc biệt, giọng hát của các nghệ sĩ không bao giờ “giống nhau”, mỗi người mỗi nét độc đáo, riêng biệt. Có thể nói, Giải Thanh Tâm không chỉ làm rạng danh cải lương, mà còn chắp cánh cho nhiều nghệ sĩ theo nghề diễn hát.
Năm 1968, Giải Thanh Tâm ngưng hoạt động nhưng giải thưởng cùng “cha đẻ” của nó vẫn được nhiều người nhắc đến. Hiện, ở TP. Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) và TP. Hồ Chí Minh đều có đường mang tên Trần Tấn Quốc.
N.R